Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành (nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Lớn lên giữa lúc đất nước đang trải qua nhiều chuyển biến sâu sắc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cùng với nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ta trên khắp cả nước đã ảnh hưởng đến tình cảm và ý chí của cụ.
Ngay từ nhỏ, cụ Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm 16 tuổi (1905), cụ đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi, cụ được chính thức vào làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp tại Hà Nội và từng bước thăng tiến, giữ chức Chủ sự dưới quyền giám đốc Học viện Viễn Đông Bác Cổ. Cụ là một học giả nổi tiếng, có nhiều sáng tạo kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời trong bối cảnh cấp thiết chống đói, chống dốt cho nhân dân. Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cụ Nguyễn Văn Tố trúng cử đại biểu Quốc hội, là đại biểu của tỉnh Nam Định.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Trưởng ban Thường trực của Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay). Cụ giữ chức vụ này trong thời gian hơn 8 tháng (2/3/1946 - 9/11/1946). Từ tháng 11/1946, cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Bộ trưởng không bộ. Ngày 19/12/1946, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ cách mạng rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp.
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của nhân dân ta. Trong cuộc tiến công vào thị xã Bắc Kạn, ngày 25/10/1947, chúng đã bắtcụ Nguyễn Văn Tố khi cụ chưa kịp di chuyển về nơi an toàn. Mặc dù bị chúng dùng mọi mưu kế mua chuộc, dụ dỗ rồi tra tấn dã man, nhưng cụ vẫn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù vàđã anh dũng hy sinh.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất, hết lòng vì nước, vì dân; một nhân cách lớn có đủ nhân - trí - dũng - liêm.Đặc biệt, với cương vị là Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ đã có nhiều quyết sách quan trọng trong những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng bắt tay vào củng cố Nhà nước, xây dựng nền dân chủ, thống nhất dân tộc, sẵn sàng kháng chiến toàn quốc.Trong đó, luôn góp sức cùng Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước, lên tiếng phản kháng và tố cáo những hành vi trái tín nghĩa của thực dân Pháp trước dư luận thế giới; kêu gọi quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ để sẵn sàng đối phó với kẻ thù xâm lược.
Đặc biệt, ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này phản ánh rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam; khẳng định quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân; xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, chế độ bảo đảm quyền dân chủ, tự do của mọi công dân, không phân biệt nam nữ, quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số...
Cụ Nguyễn Văn Tố đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Trên cương vị công tác nào, cụ cũng mang hết tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Ghi nhận và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể truy tặng cụ Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 - 5/6/2024), là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến to lớn của cụ đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó,giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Mai Tưởng