Nghị quyết của Tỉnh uỷ Kiên Giang về phương hướng nhiệm vụ năm 2024

Thứ bảy - 30/12/2023 16:35
Ngày 22/12/2023, Tỉnh uỷ Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TU về phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Ban Biên tập Thông tin Nội bộ trân trọng giới thiệu nội dung nghị quyết đến các đồng chí và bạn đọc.
Kiên Giang từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Kiên Giang từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
 
I- PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU NĂM 2024
1. Dự báo tình hình
Năm 2024, là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, là năm quan trọng để tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của cả nhiệm kỳ. Trung ương tiếp tục có những chủ trương, chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế - xã hội của tỉnh dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển; một số dự án quan trọng, trọng điểm của tỉnh có tác động lan toả đưa vào khai thác; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống chính trị của tỉnh từng bước nâng lên; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định.
Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp chủ quyền biển, đảo, đặc biệt xung đột quân sự giữa Nga-Ucraina và gần đây là xảy ra xung đột tại Dải Gaza tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu; các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, trong tỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, nhất là về kinh tế thực hiện chưa đạt yêu cầu; tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng, giá cả vật tư đầu vào tiếp tục có những biến động mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân. Những vấn đề về an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh mạng, tội phạm ma túy, khiếu kiện tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ sau:
2. Phương hướng, mục tiêu
Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, trọng tâm là các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng lên năng lực dự báo gắn với giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng, công trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng lên năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quan tâm, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh mới phát sinh. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Chủ đề năm 2024: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là các khâu đột phá; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; sắp xếp, bố trí cán bộ, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”.
Phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu sau đây:
a) Về hệ thống chính trị
- Kết nạp mới trên 1.600 đảng viên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 80% và tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 85% trở lên.
- Các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tập hợp đối tượng vào tổ chức đạt 61% trở lên so với đối tượng.
b) Về kinh tế
Tốc tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trở lên, GRDP bình quân đầu người 81,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông-lâm-thủy sản chiếm 35,43%, công nghiệp-xây dựng chiếm 20,82%, dịch vụ chiếm 38,87%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,88%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 1,52% trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10% trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12% trở lên. Tổng thu ngân sách 16.906 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 36,3%.
c) Về xã hội và môi trường: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58%; tỷ lệ huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt 97,51%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 95%; có 10,14 bác sĩ/vạn dân; có 33,2 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 93,5%. Giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52%); duy trì tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới 2%. Có thêm 05 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 12 xã nông thôn mới nâng cao, 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 02 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 89,38%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt trên 64,6%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại trên 98%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 11% trở lên.
II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cụ thể hóa, triển khai, quán triệt, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Trung ương 9, Trung ương 10 khóa XIII. Tổ chức sơ kết, tổng kết các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh uỷ, nhất là tổng kết công tác lý luận và thực tiễn qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện chủ đề năm 2024 học tập và làm theo Bác “về tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám làm”. Nâng cao công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội để tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách.
- Thành lập Ban Chỉ đạo và các tiểu ban phục vụ Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030. Tổ chức sơ kết, tổng kết một số chuyên đề phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XII Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2025-2028.
- Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện chặt chẽ, đúng quy định việc tuyển dụng công chức, viên chức; nâng cao chất lượng quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để tạo nguồn bổ sung vào cấp ủy các cấp, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng phát triển tốt; chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phục vụ đại hội đảng bộ các cấp.
Lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và các quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, nhất là nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thường xuyên đổi mới phong cách và lề lối làm việc, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gắn với cải cách hành chính trong Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề. Đẩy mạnh công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới, bảo đảm chất lượng, gắn với làm tốt công tác rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Chú trọng nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, đơn vị; kịp thời phát hiện ngăn chặn từ sớm, từ xa nhằm xử lý nghiêm sai phạm, góp phần phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh. Tập trung hơn nữa việc thu hồi tiền, tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng lên nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
- Lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tham gia xây dựng luật và các hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục nâng lên chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, nhất là nâng lên chất lượng các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri...; phát huy tốt trách nhiệm của đại biểu trong việc phản ánh, đôn đốc các cơ quan trả lời các kiến nghị của cử tri.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân các cấp trên các lĩnh vực; tiếp tục phát huy tính chủ động, thích ứng, linh hoạt trong giải quyết công việc, làm tốt công tác dự báo, phân tích tình hình, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế đến hết nhiệm kỳ, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng lên năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý công việc, nhất là tinh thần dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, góp phần mở rộng dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đối tượng vào tổ chức; tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội; duy trì, phát triển các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chỉ đạo tổ chức tốt Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029.
2. Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới tăng trưởng, khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh, tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt từ 6,7% trở lên
- Lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, Khu kinh tế cửa khẩu và thành phố Hà Tiên, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Rạch Giá đến năm 2040. Hoàn thành và triển khai thực hiện các Đề án theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng Đằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; phấn đấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 1,52% trở lên. Triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030 theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì ổn định sản xuất lúa, mở rộng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; nâng cấp, nhân rộng chuỗi cung ứng an toàn, phát triển các chuỗi giá trị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu với nâng cao giá trị nông sản. Đổi mới và phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn; từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo đảm phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến; triển khai thực hiện tốt Đề án nuôi biển; hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung có quy mô, diện tích lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển; tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU góp phần cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng của EC. Tiếp tục thực hiện tốt việc trồng và bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng; khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, bãi bồi, hệ sinh thái rừng tràm kết hợp với bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản và động vật hoang dã. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
- Về sản xuất công nghiệp và xây dựng
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10% trở lên. Huy động tối đa các nguồn vốn, nhất là vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút đầu tư. Phấn đấu lấp đầy giai đoạn 1 Khu công nghiệp Thạnh Lộc, Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam. Tiếp tục kêu gọi đầu tư để triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Thuận Yên, Khu công nghiệp Xẻo Rô, Cụm công nghiệp Bình An, Cụm công nghiệp Hàm Ninh và giai đoạn 2 Khu công nghiệp Thạnh Lộc, Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua các chính sách khuyến công, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn.
Tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu  huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cả nhiệm kỳ. Khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình trọng điểm của tỉnh như: Cảng hành khách Rạch Giá, đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy, đường ven Sông Cái Lớn, đường Thứ Hai - Công sự (An Biên và U Minh Thượng), đường 3/2 nối dài (đoạn Rạch Giá - Châu Thành), đường ven biển Hòn Đất - Kiên Lương, đường ven biển kết nối tỉnh Kiên Giang với tỉnh Cà Mau, đường 963 kết nối Kiên Giang-Hậu Giang - Cần Thơ, hệ thống giao thông trên đảo Phú Quốc... tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp thực hiện tốt các dự án đường giao thông đi qua địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển đô thị; tập trung phát triển các đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
- Về dịch vụ, thương mại: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ, phân phối sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt từ 12% trở lên. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tập trung cơ cấu lại ngành du lịch phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển du lịch của quốc gia, đảm bảo phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của tỉnh; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành trong và ngoài nước; phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Phấn đấu là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước.
- Tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ tốt môi trường, kịp thời xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Triển khai thực hiện tốt dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
- Triển khai kịp thời các giải pháp thu ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoảng chi thường xuyên, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách tiền tệ và các giải pháp tín dụng phù hợp với tình hình địa phương.
- Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trong và ngoài nước để khôi phục và mở rộng thị trường tiêu thụ. Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể; triển khai thực hiện tốt Luật Hợp tác xã năm 2023. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định và bền vững.
- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành trong vùng theo chỉ đạo của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tăng cường liên kết các vùng trong tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
- Đối với địa bàn Phú Quốc: Lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040. Tổ chức tổng kết việc thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc. Tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, nước, rác thải, các thiết chế văn hóa... gắn tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý rừng, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Tập trung xây dựng thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị.
3. Tập trung phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chăm lo sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân
- Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại. Tập trung xây dựng môi trường văn hoá ành mạnh; chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; xây dựng văn hoá công sở, văn hoá công vụ, xây dựng và phát triển con người Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc, khu di tích căn cứ Tỉnh ủy tại huyện U Minh Thượng, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và người có công tại huyện Vĩnh Thuận... Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng; đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông; quản lý báo chí, các mạng xã hội, ngăn chặn thông tin xấu, độc, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Có giải pháp nâng lên chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Triển khai thực hiện tốt các chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số.
- Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh; bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế.
- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, quan tâm nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo.
4. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại
- Lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khoá XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường công tác nắm tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, cấp xã, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh. Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nâng cao chất lượng hoạt động của “Hải đội dân quân thường trực” tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển, hệ thống đường biên, mốc giới.
- Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp kéo giảm tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội; tập trung đấu tranh triệt xóa các băng, nhóm tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng; tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý “tín dụng đen”; thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, chú trọng tuyên truyền kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu về kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Duy trì mối quan hệ, hợp tác với các tỉnh, thành giáp biên của Campuchia, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề về an ninh biên giới trên tinh thần đoàn kết, láng giềng, hữu nghị. Tiếp tục phối hợp thúc đẩy thực hiện phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia. Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
5. Công tác dân tộc, tôn giáo
Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo. Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tốt vai trò cốt cán, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo; giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng của các tôn giáo và xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến tôn giáo theo quy định.
III- MỘT SỐ CÔNG VIỆC TRỌNG TÂM TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TRONG NĂM 2024
Trên cơ sở nhiệm vụ và giải pháp đề ra, năm 2024 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là việc khắc phục hiệu quả tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ; tăng cường quản lý, kết nạp đảng viên, làm tốt công tác rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.
2. Lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành và triển khai thực hiện các Đề án theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
3. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để khai thác tốt tiềm năng lợi thế, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Triển khai thực hiện quyết liệt đề án cơ cấu lại nông nghiệp, đề án nuôi biển; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ; cơ cấu lại ngành du lịch phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển du lịch của quốc gia, đảm bảo phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của tỉnh.
4. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khắc phục những tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các công trình trọng điểm của tỉnh, các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản, đi đôi với xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm, nhất là ở địa bàn thành phố Phú Quốc.
5. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc, khu di tích căn cứ Tỉnh ủy tại huyện U Minh Thượng, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và người có công tại huyện Vĩnh Thuận...
6. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trấn áp mạnh, triệt xóa các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý “tín dụng đen”.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết bảo đảm đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
2. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, cụ thể hóa tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy.
3. Các sở, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết này đề ra kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
4. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy theo chức năng nhiệm vụ được giao, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết ở các cấp, các ngành, đề xuất chủ trương, biện pháp chỉ đạo uốn nắn kịp thời những vướng mắc phát sinh.
5. Các cấp, các ngành tổ chức, phát động các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Tỉnh ủy.
6. Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban của Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện. Định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây