THÔNG TIN NỘI BỘ

http://noibo.kiengiang.dcs.vn


Bác Hồ với V.I.Lênin và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tưởng: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên”. Ngồi một mình mà Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1957. Ảnh: tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1957. Ảnh: tư liệu

V.I.Lênin, tên đầy đủ là Vladimir Ilyich Lenin, tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov, sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), Cộng hòa Liên bang Nga.
Năm 17 tuổi, V.I.Lênin tốt nghiệp xuất sắc bậc trung học, được nhận Huy chương vàng nên được vào thẳng bất kỳ trường đại học nào ở Nga. Ông xin vào học khoa luật của Đại học Tổng hợp Kazan. Tại đây, V.I.Lênin tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên của Hội đồng hương bí mật Samarsko - Simbirskoe. Do tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, tháng 12/1887, V.I.Lênin bị đuổi học và bị phát lưu đến làng Kokushino Kazan. Tháng 10/1888, trở về Kazan gia nhập nhóm Mác - xít. V.I.Lênin có nghị lực rất cao trong việc tự học. Năm 1891, V.I.Lênin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa luật, trường Đại học Tổng hợp Kazan với tư cách thí sinh tự do. Sau khi tốt nghiệp, V.I.Lênin làm trợ lý luật sư ở Samara. Tháng 8/1893, chuyển về Peterburg.
Mùa thu 1895 tại Peterburg, V.I.Lênin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Đêm 09/12/1895, do bị tố giác, V.I.Lênin bị cảnh sát bắt. Năm 1900, thời hạn lưu đày của V.I.Lênin kết thúc. Người lại tập hợp những nhà mác - xít cách mạng thành lập đảng. Tháng 4/1905, tại Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, V.I.Lênin được bầu là Chủ tịch Đại hội. Tháng 11/1905, V.I.Lênin bí mật trở về Peteburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng 01/1907, V.I.Lênin sống ở nước ngoài tiếp tục đấu tranh bảo vệ và củng cố Đảng.
Tháng 6/1912, V.I.Lênin từ Paris chuyển về Krakov lãnh đạo tờ Pravda (Sự Thật). Thời kỳ này, V.I.Lênin soạn thảo xong Đề cương Mác - xít về vấn đề dân tộc. Sau cách mạng tháng 02/1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là Chính phủ lâm thời tư sản (chuyên chế của giai cấp tư sản) và một bên là Xô Viết các đại biểu công nhân và binh sĩ (chuyên chính vô sản). Những mâu thuẫn kinh tế và chính trị sâu sắc ở nước Nga lúc bấy giờ đòi hỏi phải tiến hành một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc đời sống chính trị nước Nga. Ngày 23/10/1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của V.I.Lênin đề ra được Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua.
Tối ngày 06/11/1917, V.I.Lênin đến cung điện Smolnui trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng ngày 07/11/1917, toàn thành phố Petersburg nằm trong tay những người khởi nghĩa và đến đêm ngày 07/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo ra đời.
Nguyễn Ái Quốc là người có tình cảm đặc biệt với V.I.Lênin. Sự gặp gỡ của Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Lênin là một cuộc gặp lịch sử. Người đã được đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp. Người vui mừng vì đã tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân, con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp và chế độ phong kiến - đó là con đường cách mạng vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tưởng: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên”. Ngồi một mình mà Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Hướng về Lênin - lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga, từ cuối năm 1923, đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Liên Xô. Ngay sau khi Lênin từ trần, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, đăng trên báo Sự Thật, số ra ngày 27/1/1924, với những dòng vô cùng xúc động: “Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”. Trong những năm tháng học tập, hoạt động, nghiên cứu trên đất nước Xô - viết, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều tác phẩm xuất sắc về Lênin và cuộc Cách mạng Tháng Mười. Đặc biệt vào năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản cuốn sách “Đường Cách Mệnh”, làm tài liệu huấn luyện cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời bước ngoặt lịch sử vĩ đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vấn đề cốt tử nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục Đảng và toàn dân ta là chăm lo xây dựng Đảng thật sự là một đảng Mác - Lênin chân chính.
Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và thực hiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại.
95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích trong lịch sử, trải qua kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975-2025). Đặc biệt là trải qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; độc lập, chủ quyền quốc gia và môi trường hòa bình được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, quốc phòng, an ninh giữ vững, đời sống mọi mặt của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Và giờ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới” như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
                                                                              Vương Khuê
 

Tác giả: Minh Vuong Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây