THÔNG TIN NỘI BỘ

http://noibo.kiengiang.dcs.vn


Đảng viên học tập và làm theo Bác

Năm nay 75 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Ngọc Chúc, cựu chiến binh ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) đã 22 năm phục vụ trong quân ngũ, chiến đấu bảo vệ đất nước. Nay dù tuổi đã cao, ông Chúc vẫn luôn tâm niệm học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, góp sức xây dựng quê hương bằng những việc làm như khuyên bảo bà con nhân dân chí thú làm ăn, tham gia xây dựng nông thôn mới…
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chúc (bên phải) trò chuyện cùng ông Phạm Minh Đức - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chúc (bên phải) trò chuyện cùng ông Phạm Minh Đức - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B.

TRÂN QUÝ HÒA BÌNH
Ông Nguyễn Ngọc Chúc quê Nam Định, nhập ngũ tháng 5-1969 khi mới 19 tuổi. Là những chiến sĩ cách mạng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, ông Chúc tham gia chiến đấu dọc theo dãy Trường Sơn, thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn Lào, rồi vào miền Nam chiến đấu. Sau khi lập chiến công trong trận đánh đồn Ba Hồ, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao), ông Chúc được kết nạp Đảng ngày 8-8-1973. Cũng trong năm này, trận đánh đồn Thới Lai (TP. Cần Thơ) khiến ông bị thương trúng đạn quai hàm, đỉnh đầu. Nay trở về đời thường, ông là thương binh 4/4.
Ông Chúc bùi ngùi: “Công cuộc giành lại độc lập dân tộc trải qua nhiều trận chiến ác liệt, đồng đội của tôi có người đã ngã xuống mãi mãi. Tháng 3-1975, hai người đồng đội đã hy sinh khi đang cùng tôi kề vai chiến đấu. Đó là đồng chí Hoàng, trung đội trưởng, đồng chí Kiến, tiểu đội trưởng. Các anh đã không thể nhìn thấy hòa bình, độc lập…”.
Nặng tình với đồng chí, đồng đội, mấy mươi năm sau, ông Chúc và người thân của đồng đội vẫn còn đau đáu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông Chúc đọc lại bức thư của ông Nguyễn Đình Đắc, em trai liệt sĩ Nguyễn Đình Kiến, có đoạn: “Đà Lạt ngày 17-9-2001. Anh Chúc kính! Em đã nhận được thư của anh. Em cảm ơn anh về những thông tin anh cung cấp về trường hợp hy sinh của anh Kiến. Những lời anh kể và tờ giấy chứng thương của anh là những thông tin, những bằng chứng vô giá đối với gia đình em về trường hợp hy sinh của anh Kiến và nhất là ngày tháng anh Kiến hy sinh. Có nó thì dù sau này không tìm thêm được thông tin nào khác thì gia đình em cũng rất yên tâm, biết rằng anh Kiến đã hy sinh, đã nằm lại ở một vùng quê như thế…”.
Đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường để giành lại độc lập, hòa bình nên với ông Chúc hòa bình là thiêng liêng, là máu đồng đội đã ngã xuống, nên ông càng trân quý, càng giữ gìn, vun đắp để quê hương ngày càng giàu đẹp.
CÒN SỨC KHỎE, CÒN GÓP SỨC
Sau năm 1975, đơn vị của ông Nguyễn Ngọc Chúc thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn huyện Tân Hiệp. Trong thời gian này, ông quen và kết hôn với bà Phạm Thị Kim Sen ở xã Tân Hiệp B. Bà Sen từng nuôi chứa cán bộ cách mạng, được tăng Huy chương kháng chiến hạng nhất. Cùng chung lý tưởng cách mạng, nên ông bà cảm thông và chia sẻ cho nhau.
 Kết hôn xong, ông Chúc về đơn vị Sư đoàn 4, làm kinh tế ở vùng tứ giác Long Xuyên. Khai phá vùng đất hoang chưa được bao lâu, tháng 12-1979, ông cùng đơn vị thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Gần 10 năm chiến đấu, ông được mấy lần về thăm nhà, nhưng mỗi lần về niềm vui sum họp chưa bù đắp hết nỗi nhớ thương của vợ hiền, con thơ thì ông lại lên đường. Ông Chúc kể: “Khó khăn là năm 1984, tôi làm nhiệm vụ biền biệt, vợ ở nhà sinh con gái út mà tôi không về được, cũng không thư từ, tin tức. Vợ tôi lo sợ nên viết thư gửi lên đơn vị hỏi xem tôi còn hay đã mất”.
Năm 1991, ông Chúc nghỉ hưu, trở về địa phương. Ông có nhiều năm tham gia công tác làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hiệp B, Phó Chủ tịch Hội Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hiệp. Ông có 3 người con đều đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 người con là đảng viên, con rể của ông cũng là đảng viên. Hiện, tuổi cao, không tham gia công tác, nhưng vẫn sinh hoạt chi hội cựu chiến binh ấp. Ông cùng các cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng, thăm hỏi, giúp nhau lúc khó khăn, ốm đau... Ông Chúc còn là cựu chiến binh có khiếu kể chuyện truyền thống, giáo dục thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. “Tôi luôn tâm niệm là bộ đội Cụ Hồ, phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để tu dưỡng phẩm chất, đạo đức của bản thân và góp sức vì địa phương”, ông Chúc chia sẻ.
Ông Phạm Minh Đức - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B cho biết: “Khi ở ấp có việc gì khó khăn, tôi và các đồng chí trong chi ủy, ban lãnh đạo ấp thường đến kham khảo ý kiến của chú Chúc và nhờ chú giúp đỡ”. Nhiều năm trước, khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, trong khi nhiều người dân e ngại việc hiến đất, hiến cây trồng để mở rộng đường. Ông Chúc đã tiên phong chặt cây trồng, hiến đất để làm đường. Ông còn vận động bà con nhân dân đồng tình thực hiện. Ông Phạm Minh Đức nói: “Bằng lời nói, việc làm của mình, chú Chúc luôn là người đi đầu, gương mẫu trong thực hiện phong trào của địa phương”.
Ông Chúc đi đầu đóng góp lắp đèn chiếu sáng nông thôn, làm cột cờ kiểu mẫu, vận động người dân phát quang đường giao thông nông thôn, tham gia bảo hiểm y tế… Ông hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, hàng xóm, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Ông Chúc chia sẻ: “Bằng lời nói và hành động của mình, tôi vận động bà con nhân dân mỗi người góp một phần sức để xây dựng địa phương, bởi những việc làm đó trước mắt là giúp cho gia đình mình như chấp hành tốt pháp luật, cho các con học hành đàng hoàng. Tôi phân tích làm đường giao thông, khơi thông kênh rạch giúp cho người dân thuận tiện đi lại, giao thương hàng hóa, nên bà con thấy lợi ích thiết thực... Tôi tâm niệm là đảng viên, là bộ đội Cụ Hồ, còn sức khỏe, tôi còn góp sức cho địa phương”.
Thu Oanh

Tác giả: Minh Vuong Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây