THÔNG TIN NỘI BỘ

http://noibo.kiengiang.dcs.vn


Một số kết quả về kinh tế biển tỉnh Kiên Giang năm 2024 và định hướng năm 2025

Với những thành tựu quan trọng đạt được trong năm 2024 và những định hướng trong năm 2025, Kiên Giang tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trung tâm kinh tế biển trọng điểm của cả nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long và kinh tế biển quốc gia.
Cấp đông sản phẩm cá, mực xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN.

Cấp đông sản phẩm cá, mực xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN.

Qua triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển năm 2024, tỉnh Kiên Giang đã được một số kết quả như sau: (1) Hoàn thiện chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế biển: Nhận thức rõ vai trò của kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang đã tập trung hoàn thiện các chính sách và quy hoạch liên quan. Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được thành lập, tạo tiền đề cho những bước phát triển dài hạn, nhất là vùng kinh tế biển trọng điểm ven biển Rạch Giá - Hà Tiên được xác định là động lực tăng trưởng, được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (2) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển đảo: Tỉnh triển khai hàng loạt chương trình giáo dục, tuyên truyền về biển đảo, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò chiến lược của kinh tế biển. Các hoạt động phổ biến pháp luật về biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia được tổ chức thường xuyên, góp phần định hướng tư duy phát triển biển bền vững. (3) Du lịch biển phục hồi mạnh mẽ: Năm 2024, du lịch biển Kiên Giang tăng trưởng ấn tượng: Tổng lượt khách: 9.863.187 lượt, tăng 15,6%; khách quốc tế: 978.785 lượt, tăng 70,7%; tổng doanh thu: 25.141 tỷ đồng, tăng 43,8% so cùng kỳ; hàng loạt dự án du lịch sinh thái biển, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc, Hà Tiên được triển khai, đưa Kiên Giang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch biển đẳng cấp quốc tế. (4) Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng ổn định: Tổng sản lượng là 814.991 tấn, vượt 1,87% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu thủy sản: 230,50 triệu USD (đạt 81,45% kế hoạch); chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao, kiểm soát chặt chẽ khai thác IUU và xây dựng chuỗi giá trị thủy sản gắn với chế biến xuất khẩu là những hướng đi chiến lược. (5) Kinh tế hàng hải được tăng cường kết nối: Vận tải hành khách đường biển đạt 5,97 triệu lượt khách, tăng 15%; hệ thống cảng biển, trung tâm logistics tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và kết nối chuỗi cung ứng biển. (6) Công nghiệp ven biển, hấp dẫn nhà đầu tư: 05 khu công nghiệp với tổng diện tích 771,26 ha đã và đang thu hút đầu tư; quy hoạch mở rộng các khu đô thị ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống. (7) Năng lượng tái tạo có bước tiến vững chắc: Có 3.720 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 265,67 MWp được đưa vào vận hành, góp phần giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, bảo vệ môi trường. (8) Nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng văn hóa biển: Giáo dục, tổng số phòng học kiên cố đạt 8.254, bảo đảm cơ sở học tập cho học sinh vùng ven biển, hải đảo Y tế: Đầu tư mạnh vào hạ tầng y tế vùng biển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; việc làm: Giải quyết 37.106 lượt lao động, đạt 106,02% kế hoạch; văn hóa, thể thao: Đầu tư vào thiết chế văn hóa - thể thao, nâng cao đời sống tinh thần người dân. Bảo vệ môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu: Chương trình quản lý rác thải nhựa đại dương, bảo vệ đa dạng sinh học biển được triển khai rộng rãi; trồng rừng ngập mặn, ứng phó nước biển dâng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. (9) Bảo đảm quốc phòng, an ninh biển đảo: Kiểm soát chặt chẽ khai thác hải sản IUU, ngăn chặn vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng.
Bước sang năm 2025, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, hiện đại, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên. Qua đó, rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế biển theo hướng dài hạn, đồng bộ; cơ cấu lại các ngành kinh tế biển theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển du lịch biển, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, công nghiệp chế biến; đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển bền vững kinh tế biển, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; nâng cao đời sống nhân dân, đầu tư mạnh lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nghề, xây dựng xã hội gắn kết với biển; bảo vệ hệ sinh thái biển, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo khai thác tài nguyên bền vững; tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, mở rộng hợp tác quốc tế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản; huy động nguồn lực, thu hút đầu tư vào kinh tế biển, đẩy mạnh hợp tác công - tư, tạo sức bật cho kinh tế biển Kiên Giang.
Với những thành tựu quan trọng đạt được trong năm 2024 và quý I/2025, chúng ta tin tưởng Kiên Giang sẽ thực hiện tốt vai trò đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như một trong những trung tâm kinh tế biển trọng điểm của cả nước./.
Trần Quốc Việt
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
 
 
 

Tác giả: Minh Vuong Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây