THÔNG TIN NỘI BỘ

http://noibo.kiengiang.dcs.vn


Vượt qua tâm lý, tâm trạng vùng miền để xây dựng đất nước phát triển mạnh mẽ

Trong thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi gắm thông điệp: “Đất nước là quê hương” đối với đồng bào cả nước. Vừa qua, trong triển khai, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Đảng, Tổng Bí thư còn lưu ý cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân cần vượt qua tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn để phát triển đất nước.
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam.

Từ yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn lịch sử, nước ta đã nhiều lần thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất và chia tách đơn vị hành chính các cấp. Theo thống kê, sau khi thống nhất đất nước (30/4/1975), nước ta đã có 9 lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh với quy mô khác nhau; và từ năm 2008 duy trì 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến khi triển thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay, theo kế hoạch sau sáp nhập, hợp nhất nước ta còn 28 tỉnh và 06 thành phố trực thuộc Trung ương.
Cho dù thời kỳ nào, khi thực hiện chủ trương sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, thì có tỉnh sẽ có tên và địa giới hành chính mới, nghĩa là không còn những tên gọi đã nghe quen thuộc với cuộc sống của nhiều người. Ví dụ như: khi xưa chưa có tỉnh Kiên Giang thì đã có tỉnh Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá; hay từng có vùng hành chính được gọi là An Hà, gồm An Giang và Hà Tiên; hay từng có tỉnh Long Châu Hà (tháng 10/1951 và 1974) là do quá trình sáp nhập các tỉnh: Long Xuyên - Châu Đốc - Hà Tiên…; hay năm 1956 tỉnh Hà Tiên nhập vào tỉnh Rạch Giá lấy tên mới là tỉnh Rạch Giá; hay sau năm 1975 tái lập tỉnh An Giang, Kiên Giang…
Do tâm lý tự nhiên mà nhiều người tỏ ra quan tâm, một chút tâm tư về tên gọi tỉnh mới là điều bình thường, nhất là trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông, nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, một số cá nhân hay trang cá nhân, cộng đồng trên không gian mạng cho rằng: “mất tên tỉnh là mất quê hương”, hay “do sáp nhập với tỉnh anh mà mất tên tỉnh tôi”,… hay những bình luận thiếu thiện chí có thể gây lo lắng cho những người thiếu thông tin.
Mặc dù về khái niệm, ngữ nghĩa thì khác nhau, nhưng trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, nói đến quê hương là không phải chỉ nói đến nơi chúng ta sinh ra, mà còn là đất nước, là Tổ quốc thiêng liêng. Khi “Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/… Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”, thì trong ý nghĩa của nó cũng như “Quê hương là chùm khế ngọt/… là đường đi học/… là con diều biếc/… là con đò nhỏ…” - Đó là nơi gắn liền với những kỷ niệm đẹp, êm đềm của mỗi đời người, là nơi lưu giữ tập quán truyền thống văn hóa của dân tộc từ ngàn đời qua.
Hay “khái niệm” đất nước là quê hương còn được thể hiện rõ trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhiều cộng đồng trong và cả ngoài nước đều thờ cúng Vua Hùng. Ngoài để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn công lao của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân trong truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, thì thông qua tín ngưỡng này còn nhắc nhở cho các thế hệ người Việt là chúng ta có chung cội nguồn, nên cho dù ở đâu cũng luôn hướng về tổ tiên, quê hương - Tổ quốc, đó là biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, quy tụ và gắn bó của dân tộc...
Thông điệp “Đất nước là quê hương” mà Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm cho toàn đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy là nhằm khơi dậy niềm tự hào, phát huy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc, qua đó truyền cảm hứng cho mỗi người có hành động thiết thực vì Nhân dân, vì Tổ quốc. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế chung của thế giới, và cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho Nhân dân”.
Phát huy truyền thống của dân tộc, đất nước trong tiến trình phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử đã chứng minh, dù trong hoàn cảnh điều kiện nào đồng bào ta cũng đồng chí, đồng lòng, đồng tâm đoàn kết thực hiện thành công các mục tiêu ích nước - lợi dân; phát huy trách nhiệm công dân thiêng liêng của mỗi người, phát huy truyền thống “quyết chiến - quyết thắng” của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo để hướng đến mục tiêu chung, lợi ích to lớn hơn, vì sự phát triển và tương lai của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Trần Quốc Giang
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang
 
   

Tác giả: Minh Vuong Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây