Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc vào tháng 5/1965, với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”; sau đó vào các năm 1968 và 1969, Người sửa một phần nội dung của Di chúc. Tháng 9/1969, trong Lễ tang Người, lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Trong bản Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây chính là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Di chúc của Người đã nêu lên những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên... Trong đó, công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảngta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và yêu cầu: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đối với rèn luyện đạo đức cách mạng, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong tư tưởng và thực hành nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh để Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đạo đức, là văn minh.
Bác chỉ ra sự nghiệp cách mạng là bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, Đảng phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người yêu cầu: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…”.
Theo Bác, cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới; sự vững mạnh của Đảng ta còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Người viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo tiến hành công cuộc cách mạng, đưa cả nước đi theo con đường mà Người đã chọn. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Sau 55 năm thực hiện Di chúc của Người và gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Việt Cường