Đồng chí Chu Huy Mân - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng

Thứ ba - 28/02/2023 21:23
Đồng chí Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Ông sớm giác ngộ cách mạng và trở thành lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng.
Đồng chí Chu Huy Mân (bên trái) tại đài quan sát chiến dịch F2, tháng 6/1972. Ảnh: TL
Đồng chí Chu Huy Mân (bên trái) tại đài quan sát chiến dịch F2, tháng 6/1972. Ảnh: TL

Năm 1929, khi mới 16 tuổi, đồng chí Chu Huy Mân thoát ly gia đình và hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước. Đến năm 1930, ông tham gia phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, gia nhập Đội Tự vệ đỏ - một trong đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng có năng lực, có uy tín nên ông đã được bầu làm Bí thư Chi bộ xã, rồi Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân luôn bị bọn thực dân Pháp và tay sai ráo riết truy lùng. Năm 1937, ông bị bắt và bị kết án khổ sai, đày đi biệt xứ. 6 năm sống trong nhà tù đế quốc, mặc kẻ thù dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, ông vẫn kiên cường, bất khuất không khai một lời. Đầu năm 1943, ông vượt ngục và tìm cách bắt liên lạc với cơ sở. Khi bắt được liên lạc với Đảng, ông làm Ban Vận động Việt Minh tỉnh Quảng Nam. Khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Ông có công lớn trong phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ.    
Đến cuối năm 1945, ông được Trung ương Đảng điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C, gồm 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam; đồng thời làm chính trị viên Mặt trận đường 9 Đông Hà - Xa Vẳn Na Khệt. Cuối năm 1946, ông được điều ra làm Trưởng Ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc, rồi lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng, Chính ủy Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Tháng 5/1951, ông được giao làm Phó Chính ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, lãnh đạo Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch lớn. Từ năm 1954-1960, ông 2 lần được Đảng, Bác Hồ giao nhiêm vụ làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại nước bạn Lào. Năm 1961, ông làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Quân khu 4, năm 1962 được Quân đội cử đi học tại Học viện Phowrunde (Liên Xô).
Từ năm 1967 đến năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân làm Tư lệnh Quân khu 5. Suốt thời gian gắn bó với mảnh đất Khu 5 - Tây Nguyên, tài thao lược của ông đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, nổi bật như chiến thắng Ba Gia tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy, chiến thắng lừng lẫy Plâyme- IaĐrăng, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp ngụy và lần đầu tiện tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ, chiến thắng giải phóng Đà Nẵng... Những trận đánh, chiến dịch thắng lợi giòn dã diễn ra chiến trường Khu 5 khẳng định ông là một con người tầm cỡ chiến lược không những trên lĩnh vực quân sự mà còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác.
 Trí tuệ, tài năng quân sự - chính trị của đồng chí Chu Huy Mân được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nển quốc phòng toàn dân vững mạnh. Chính vì vậy, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông luôn coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông, chủ động tháo gỡ khó khăn, thách thức, tìm tòi các phương pháp công tác táo bạo, hiệu quả.
Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình, ông được phong quân hàm vượt cấp từ thiếu tướng lên thượng tướng vào năm 1974; được phong quân hàm đại tướng năm 1980. Tháng 3/1977, ông được giao làm Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, ông đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt, với phẩm chất cao quý của một vị tướng, tài thao lược và tính quyết đoán đã được ông phát huy cao độ trong lãnh đạo xây dựng Tổng cục Chính trị ngày càng lớn mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm 1981, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn. Đồng thời , ông trực tiếp lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo xây dựng Quân đội theo hướng: "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".
Trải qua 75 năm hoạt động cách mạng, dù ở cương vị công tác nào đồng chí Chu Huy Mân cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với nước, với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Mai Văn Tưởng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây