Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam

Chủ nhật - 31/03/2024 17:09
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng của người cộng sản Việt Nam, vừa giàu tinh thần yêu nước, vừa giàu tinh thần quốc tế vô sản. Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và nhân dân ta.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Trường Chinh, năm 1978. Ảnh: TL
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Trường Chinh, năm 1978. Ảnh: TL
 
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904, trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước, tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Khi lớn lên, đồng chí làm nhiều nghề kiếm sống (nghề may, phụ bếp, công nhân tàu biển…). Năm 1925, đồng chí sang Quảng Châu, Trung Quốc, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chính trị, tháng 9/1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã thể hiện vai trò là một trong những người tiên phong tổ chức thắng lợi việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, xây dựng thành công các cơ sở cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng như thiết lập thành công hệ thống giao thông liên lạc trong nước với nước ngoài trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trước sự truy sát của kẻ thù.
Theo chủ trương của tổ chức, đồng chí tình nguyện đi vào phong trào “vô sản hóa”, góp phần thúc đẩy sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, đẩy nhanh quá trình vận động tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Đồng chí là một trong những người tiên phong trong công tác vận động công nhân, binh lính và đã thành công trong việc hình thành các tổ chức đầu tiên của công nhân và binh lính người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài.
Trong quá trình hoạt động cách mạng đầy cam go, thử thách, đồng chí đã từng bước trưởng thành: Từ hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng (tháng 10/1929) và trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta khẳng định: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một người cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trong việc xây dựng Đảng ta, giáo dục đảng viên, chăm lo sự vững vàng của Đảng về tư tưởng và tổ chức”.
Với phẩm chất, tài năng và uy tín của mình, đồng chí là người tiên phong trong tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ mới của cách mạng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó. Đồng chí là người đầu tiên được Đảng giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh trong những năm tháng khẩn trương chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Đồng chí cũng là người đầu tiên phụ trách công tác kinh tế - tài chính của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; người đầu tiên tổ chức, xây dựng và là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước.
Quá trình hoạt động và cống hiến cho cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những cống hiến của đồng chí góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo hạnh phúc của nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn. Đồng chí thực sự là biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em. Cuộc đời hoạt động của đồng chí là một tấm gương sáng của người cộng sản Việt Nam, vừa giàu tinh thần yêu nước, vừa giàu tinh thần quốc tế vô sản. Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, là dịp để chúng ta tri ân và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí. Đó là không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên, sẵn sàng vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây