THÔNG TIN NỘI BỘhttp://noibo.kiengiang.dcs.vn/uploads/logo-dang-chuan.jpg
Thứ bảy - 28/12/2024 18:51
75 năm qua, qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc, cống hiến xứng đáng xây dựng và phát triển đất nước.
Sinh viên Trường Đại học Kiên Giang tham gia hiến máu tình nguyện.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên... đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Trong đó, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Hội sinh viên được hình thành và hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, học sinh, sinh viên cả nước hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong đó, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Từ năm 1947-1950, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố, đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi học tiếng mẹ đẻ... diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam ra Bắc. Ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến, sau đó phát triển ra nhiều trường; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương đàn áp dã man đoàn biểu tình. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên đã bị chúng giết hại.
Tại Sài Gòn, ngày 12/1/1950, đám tang của anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đi đưa và 10 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó, nhiều địa phương, thanh niên, học sinh, sinh viên trong cả nước đã tham gia dự lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn.
Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (từ ngày 22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
75 năm qua, kể từ ngày 9/1/1950, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của đất nước; xác định nhiệm vụ cơ bản của học sinh, sinh viên là học tập, tích lũy, trau dồi kiến thức, rèn luyện về mọi mặt, ngày càng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong tiến trình xây dựng và đổi mới đất nước, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn chủ động, mạnh dạn, sáng tạo trong học tập, tiếp thu tri thức khoa học của thế giới, phương pháp, phương tiện học tập, nghiên cứu khoa học hiện đại, làm rạng danh nước nhà trên các đấu trường quốc tế, như giành nhiều huy chương vàng tại các kỳ thi Olympic quốc tế, các cuộc thi sáng chế quốc tế...
Trong đời sống xã hội, lực lượng học sinh, sinh viên ngày càng có nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho cộng đồng, như chương trình “Tiếp sức mùa thi” góp phần thực hiện thành công các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học phổ thông quốc gia hàng năm; chương trình “Tiếp sức đến trường” đã giúp cho hàng triệu học sinh vượt qua khó khăn, tiếp tục con đường học tập. Các chương trình “Mùa hè xanh”, hiến máu tình nguyện, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan đô thị đã và đang góp phần quan trọng trong thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta…
Trong bối cảnh đất nước phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, học sinh, sinh viên là lực lượng quan trọng, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Minh Vy