Ngày 16/10/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, Quyết nghị ghi: "Đảng ta hiện đương lãnh đạo việc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Phong trào mỗi ngày một tiến nên công việc của Đảng mỗi ngày một phức tạp. Mỗi việc của Đảng cần phải thấu suốt từ trên xuống dưới, chính sách của Đảng phải được thi hành đầy đủ. Vì vậy Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có sát, có đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng".
Ngày 16/10/1948, Ủy ban Kiểm tra Trung ương được thành lập, gồm 3 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Trưởng ban; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy; Hà Xuân Mỹ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên. Ban Kiểm tra Trung ương làm việc tại đồi Pụ Miếu, xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mạc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.
Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công tác xây dựng Đảng. Sau này, Thường vụ Bộ Chính trị (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: "Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội", vì vậy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến tháng 4/1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khoá II (tháng 3/1957) chủ trương tách Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra của Chính phủ làm hai. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), Ban Kiểm tra được đổi tên thành Ủy ban Kiểm tra (UBKT); UBKT được thành lập đến cấp quận ủy, huyện ủy và tương đương.
Trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 14/8/1969 tại tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13-NQ/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam, gồm 3 đồng chí: Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban; Hai Mai, Phó Ban Tổ chức Trung ương Cục và Nguyễn Văn Trọng (Ba Trọng) làm uỷ viên. Nghị quyết nêu rõ: "Việc thành lập ban kiểm tra các cấp nhằm phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự lãnh đạo, đề cao kỷ luật của Đảng, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ và đảng viên đối với việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, bảo vệ tổ chức, cán bộ và đảng viên, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất, tăng cường tính giai cấp, tính tiền phong, làm cho tổ chức đảng trong sạch và vững mạnh để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình".
Sau ngày 30/4/1975, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam hợp nhất vào UBKT Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình.
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Điều lệ Đảng quy định đảng uỷ cơ sở được cử UBKT. Như vậy, từ Đại hội V, UBKT được thành lập thành một hệ thống đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở như hiện nay.
Qua mỗi nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT được Đại hội Đảng toàn quốc sửa đổi, bổ sung và được chính thức ghi vào Điều lệ Đảng. Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho UBKT từ cấp huyện và tương đương trở lên; quy định cơ quan kiểm tra cấp trên cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc, có thêm nhiệm vụ chỉ đạo UBKT cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra. Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám sát cho UBKT các cấp và tại Hội nghị lần thứ năm khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tiếp đó Bộ Chính trị đã ban hành chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của đến năm 2020 và đến Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Tiếp theo đó, Trung ương đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030... Từ đó, nhiệm vụ của ngành Kiểm tra Đảng càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng.
Trải qua 75 năm, ngành Kiểm tra Đảng không ngừng trưởng thành và phát triển lớn mạnh cả về lực lượng, cơ cấu tổ chức bộ máy. Từ ngày đầu thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có 3 thành viên chuyên trách và một số cán bộ giúp việc, đến nay ngành Kiểm tra đã có hơn 6.000 cán bộ chuyên trách và hơn 12.000 cán bộ kiểm tra kiêm chức.
Riêng ở Kiên Giang, đến tháng 4/1976 vẫn chưa thành lập tổ chức UBKT, công tác kiểm tra vẫn do cấp ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện; bộ phận kiểm tra vẫn nằm trong Ban Tổ chức Tỉnh ủy, gồm các đồng chí Bùi Duy Thăng (Tư Thăng), Lê Văn Vĩnh (Ba Trấn…. Tháng 5/1976, Tỉnh ủy ra quyết định cử ra Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, gồm có 5 đồng chí: Nguyễn Văn Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban; Bùi Duy Thăng (Tư Thăng), Phó Trưởng ban; Nguyễn Văn Thể (Út Thể), Phó Trưởng ban; Dương Văn Thâu (Tư Thâu), Phó Trưởng ban; Lê Văn Vĩnh (Ba Trấn), làm cán bộ.
Cùng với sự ra đời và kiện toàn Ban Kiểm tra (sau này là UBKT các cấp), đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng phát triển. Đến nay, trong toàn Đảng bộ tỉnh có 316 UBKT và cơ quan UBKT với 1.551 cán bộ làm công tác kiểm tra; trong đó cấp tỉnh 28 đồng chí (10 ủy viên), cấp huyện và tương đương 149 đồng chí (131 ủy viên), cấp cơ sở 1.374 đồng chí. Ngoài ra, có 517 chi bộ cơ sở và 19 đảng bộ bộ phận, 2.833 chi bộ bộ phận đều có phân công cấp ủy viên phụ trách công tác kiểm tra, giám sát.
Qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm tra Đảng nói chung và ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Kiên Giang nói riêng luôn luôn ý thức được rằng: công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, thường xuyên lấy đó là mục tiêu để xây dựng phương hướng, chương trình hành động của mình. Mặc dù có nhiều khó khăn về lực lượng, năng lực, đội ngũ cũng như điều kiện hoạt động, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của các cấp ủy đảng, ngành Kiểm tra đã từng bước trưởng thành.
Trong mọi thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm gay go, ác liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết, vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; liên tục, bền bỉ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của ngành. Có thể nói những công việc mà UBKT các cấp đã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng như thực hiện nhiện vụ cấp ủy giao, đã luôn thể hiện được tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động công tác kiểm tra là “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả” với phương châm xử lý “công minh, chính xác, kịp thời”. Vừa có tác dụng góp phần tích cực vào việc giữ gìn kỷ luật của Đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, vừa nâng cao nhận thức trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo và hướng dẫn của UBKT Trung ương, của Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay UBKT các cấp đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa nhiệm kỳ 2020-2025; có rà soát, sửa đổi, bổ sung; trên cơ sở đó hằng năm xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện đạt mục đích, yêu cầu kế hoạch đề ra. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và UBKT các cấp đã kiểm tra, giám sát 8.466 tổ chức đảng và 52.142 đảng viên (giảm 624 tổ chức và tăng 9.556 đảng viên so cùng kỳ). Trong đó, nắm tình hình một số vụ việc quan trọng, phức tạp để tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (cấp ủy và UBKT kiểm tra 231 tổ chức và 508 đảng viên); chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát tiếp tục được nâng lên, cơ bản đảm bảo đúng quy trình, quy định. Nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực như quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách... Đặc biệt là gần đây, Trung ương chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc thực hiện các dự án đầu tư, quản lý đất đai; nhất là các dự án, gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do Công ty AIC và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện...
Qua kiểm tra, giám sát đã ban hành kết luận chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót;đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, đảng viên vi phạm theo quy định; trong nửa nhiệm kỳcấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng và 772 đảng viên (giảm 5 tổ chức và 145 đảng viên)... Qua đó, đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Riêng 9 tháng đầu năm 2023, cấp ủy và UBKT các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra, giám sát 1.941 tổ chức đảng và 8.740 đảng viên (trong đó, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 41 tổ chức đảng và 94 đảng viên); thi hành kỷ luật 6 tổ chức và 226 đảng viên. Công tác tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại cũng được các cấp uỷ tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời đúng theo quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm khách quan, công minh, chính xác. Qua xử lý, đa số các tổ chức, cá nhân sai phạm chấp hành hình thức kỷ luật và tích cực khắc phục khuyết điểm, sai phạm đã được cấp có thẩm quyền kết luận.
Từ kết quả trên, cho thấy nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên; triển khai quán triệt kịp thời các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; chủ động xây dựng chương trình toàn khóa, kế hoạch hàng năm, xác định có trọng tâm, trọng điểm sát với thực tiễn; công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm được nghiêm túc thực hiện; công tác phối hợp với các ngành chức năng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Qua kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ; kịp thời ngăn chặn, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng bộ còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số cấp ủy, UBKT chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nên triển khai thực hiện một số cuộc tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra. UBKT một số nơi thực hiện chưa toàn diện nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng quy định; nhất là kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; chất lượng, hiệu quả một số cuộc kiểm tra, giám sát chưa cao, giám sát để chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn ít; theo dõi giám sát việc thực hiện thông báo kết luận sau kiểm tra một số trường hợp chưa tốt... Tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác kiểm tra chưa đồng bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ kiểm tra cơ sở còn nhiều bất cập..., làm ảnh hưởng nhất định đến nhiệm vụ chung của ngành.
Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm tra Đảng không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trước nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thời gian tới công tác kiểm tra, giám sát tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp tiếp tục nghiên cứu, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế, hướng dẫn, kết luận của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra, giám sát.
Hai là, xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm; chú trọng đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, đơn vị, nhất là việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; quy chế làm việc; công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai; việc chấp hành quy định những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,... để kịp thời phát hiện ngăn chặn từ xa, từ sớm nhằm xử lý nghiêm sai phạm, góp phần phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Ba là, cấp ủy, UBKT cấp trên tăng cường chỉ đạo đối với cấp ủy, UBKT cấp dưới, nhất là đối với cấp ủy cơ sở về thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của đảng, nhằm tạo chuyển biến trong toàn ngành.
Bốn là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các thông báo kết luận kiểm tra, giám sát của cấp trên và cấp mình.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ kiểm tra các cấp; xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành Kiểm tra Đảng theo Đề án số 05-ĐA/UBKTTW, ngày 14/4/2023 của UBKT Trung ương; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có phẩm chất chính trị tốt, công tâm, trong sạch, tiêu biểu, gương mẫu về phẩm chất lối sống; có năng lực bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; kịp thời tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp.
Vinh dự và tự hào với thành tích đã đạt được trong 75 năm qua, đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng, vững vàng trước mọi diễn biến của tình hình, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; đổi mới phương pháp công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang