Ph.Ăngghen - Nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại

Thứ tư - 30/10/2024 11:48
Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (nay là nước Đức). Ông là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học thế kỷ XIX. Ông cùng với C.Mác sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.
Ph.Ăngghen. Ảnh: TL
Ph.Ăngghen. Ảnh: TL

Từ sau cuộc gặp gỡ C.Mác vào năm 1844, Ph.Ănghen đã trở thành người bạn, người đồng chí gần gũi, thân thiết của C.Mác, xây đắp nên một tình bạn cảm động và vĩ đại nhất của các lãnh tụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Toàn bộ học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, đồ sộ, giải đáp được nhiều vấn đề mà nhân loại đặt ra. Kế thừa những trào lưu tư tưởng tốt đẹp nhất của loài người đến thế kỷ XIX và tổng kết thực tiễn trong thời đại mình, Ph.Ăngghen cùng C.Mác sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác, trong đó tính khoa học thống nhất với tính cách mạng triệt để.
Công lao vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, mở ra một bước ngoặt căn bản trong triết học, cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành quả vĩ đại của tư tưởng khoa học, đã phát hiện ra tính quy luật của sự phát triển xã hội và tính tất yếu của sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn.
Hai ông đã dựa vào kinh tế chính trị học cổ điển, tạo ra một học thuyết kinh tế mới, đem lại một cuộc cách mạng thực sự trong kinh tế chính trị học. Với việc tìm ra quy luật giá trị thặng dư, C.Mác đã tìm ra những phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, luận chứng một cách có căn cứ khoa học về sự diệt vong tất yếu của    chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản.
Qua phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa tư bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra những quy luật vận động và phát triển của nó, trên cơ sở đó dựa vào sự phát triển của xã hội tương lai, chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân phải tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội mác-xít là chủ nghĩa xã hội khoa học, khác hẳn chủ nghĩa xã hội không tưởng ở Pháp trước đó.
Cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải dập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Ông kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều của học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành một mớ những công thức bất biến; đồng thời đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh.
Khi tình hình thay đổi và cuộc sống thực tiễn đặt ra những vấn đề mới, Ph.Ăngghen dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình. Ph.Ăngghen thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình và C.Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng (1848-1852) khi nhận định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân...
Ngay cả một số nhận định trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” sau này đã được Ph.Ăngghen cùng với Mác thừa nhận: Nếu được viết lại thì cũng cần bổ sung và yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”.
Ph.Ăngghen còn là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài. Ông là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mác-xít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng. Những đóng góp của Ph.Ăngghen trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật quân sự đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn di sản lý luận của chủ nghĩa Mác trong kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại, một mẫu mực về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nhận thức, giải thích một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là chiến tranh và hòa bình, quân sự và quốc phòng, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng và bảo vệ Tổ quốc.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăngghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đang lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Qua gần 40 năm đổi mới cho thấy, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Có thể nói, phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen nói riêng là một hệ thống tri thức quý báu, đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để bổ sung, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học, làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thái Văn Khởi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây