Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội vào ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Tiếp đó, tháng 10/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được ban hành, quyền bình đẳng giữa nam và nữ được công nhận.
Nói về Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”. Nói chuyện tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm Tốt” ngày 30/4/1964, một lần nữa Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”.
Không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng. Ngày 19/10/1966, phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân, cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.
Phụ nữ nước ta còn được Bác khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trong mọi lĩnh vực: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo”, “Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan”, “Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ ở một số cán bộ. Tại buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ ngày 18/1/1967, Bác nhắc nhở: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai”, “Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ”. Bác đã chỉ ra, phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”. Bác khuyên phụ nữ phải tự đấu tranh để vượt qua những thành kiến hẹp hòi: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập…”.
Trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến công tác phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nữ, thể hiện qua việc tỷ lệ phụ nữ trong các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật ngày càng tăng lên so với trước đây. Đặc biệt, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Quốc hội khóa XI thông qua Luật Bình đẳng giới, cùng với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ, đã tạo động lực cho phụ nữ không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Việt Cường