Bác Hồ với công tác phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Thứ năm - 29/02/2024 17:06
Năm 1945, khi nước nhà giành được độc lập chưa lâu, chính quyền cách mạng non trẻ lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn của cả giặc ngoại xâm và giặc nội xâm, trong đó có tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tệ nạn này.
Bác Hồ thăm, trò chuyện với cán bộ và nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày 31/1/1965. Ảnh: TL
Bác Hồ thăm, trò chuyện với cán bộ và nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày 31/1/1965. Ảnh: TL
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”. Người còn chỉ ra biểu hiện đặc trưng điển hình của tệ tham ô: Đối với cán bộ là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình; đối với nhân dân là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế...
Về căn bệnh lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, bệnh tham ô, lãng phí và quan liêu có mối liên quan chặt chẽ với nhau; tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra. Người nói: “Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”; “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn…”.
Đồng thời, Người chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Do đó, Người kết luận bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí, là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô: “Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, để chữa trị căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liên cần những thang thuốc đặc trị, phải có tinh thần kiên quyết, kịp thời, “công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm”. Trong đó: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Đồng thời, Người phát động Cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Người tin tưởng: “Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, với quyết tâm của cán bộ và sự hăng hái tham gia của quần chúng, cuộc vận động này nhất định sẽ có kết quả tốt”.
Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu đạt thắng lợi, Người đã chỉ ra nhiệm vụ của tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, đối với tổ chức đảng: Phải ra sức tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảngvà Chính phủ, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng; hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà tự phê bình cán bộ, đảng viên. “Chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc”; “công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Đối với cán bộ, đảng viên: Phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. “Phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”. “Phải sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. “Phải cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách cụ thể về công tác này. Mới đây nhất, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt về phòng, chống tham nhũng. Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là sự nghiệp của toàn dân và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Việc phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm Đại hội XIII của Đảng, sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.
Mai Tưởng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây