Ngày 7/5/1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Song dân tộc Việt Nam vẫn chịu nỗi đau đất nước bị chia cắt do âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhưng miền Nam vẫn bị quân thù giày xéo. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh trong lòng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam”. Người khẳng định: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”.
Với tình cảm sâu nặng, thiết tha “miền Nam trong trái tim tôi”, ngay từ những ngày đầu tiên từchiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô Hà Nội, Người lập tức chỉ đạo tập trung củng cố miền Bắc về mọi mặt để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, thống nhất đất nước, vì “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta”. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược được tiến hành đồng thời ở hai miền Nam, Bắc: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi”.
Vì đất nước chưa được thống nhất, đồng bào miền Nam vẫn chịu khổ đau bởi kẻ thù xâm lược, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin tạm hoãn việc trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, khi Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Người nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Người nói: “Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại”.
Tương tự, vào tháng 5/1968, khi Quốc hội nước ta quyết định trao tặng Người Huân chương Sao Vàng, Người đã chối từ với lý do làm xúc động triệu triệu con tim. Người nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhiệm vụ trung tâm, trọng yếu của cách mạng Việt Nam: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”; “phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Người kêu gọi: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Người vững tin vào sức mạnh của lòng yêu nước, vững tin vào đồng bào, chiến sĩ miền Nam: “Quân và dân ta ở miền Nam có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ dù chúng đưa thêm vào miền Nam mấy chục vạn quân nữa”. Trong bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ cách mạng:
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc, Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Cho đến những ngày sắp đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Niềm tin của Người đã thôi thúc toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đấu tranh giành thắng lợi trước kẻ thù xâm lược và bè lũ bán nước.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam toàn thắng. Từ đây, non sông Việt Nam nối liền một dải, đất nước thu về một mối, Nam Bắc sum họp một nhà. Cả nước chung vui niềm vui thống nhất, như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam - Hồ Chí Minh”.
Việt Hải