Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ của Đảng

Thứ năm - 27/02/2025 15:54
Khi đề cập đến vai trò của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ rõ, để đặt chính sách cho đúng”; “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ngày 5/9/1960. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ngày 5/9/1960. Ảnh: TL
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ được trưởng thành từ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, có lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có tinh thần yêu nước, suốt cuộc đời phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người cán bộ có khả năng đoàn kết giai cấp, dân tộc, quốc gia, quốc tế trên nền tảng liên minh công - nông - trí thức, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, trước hết. Cán bộ lãnh đạo là người trung thành, hăng hái trong công việc và trong đấu tranh, liên hệ mật thiết với quần chúng, luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng; có thể giải quyết các vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn; thắng lợi không kiêu căng, thất bại không nản chí, luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Hồ Chí Minh đưa ra những tiêu chí cụ thể về cán bộ lãnh đạo, đó là người có đức, có tài, vừa “hồng” lại vừa chuyên, trong đó đức là gốc.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức của cán bộ là đạo đức cách mạng. Đạo đức giữ vai trò quan trọng đối với người cán bộ. Đó là nhân tố làm cho sức mạnh cách mạng tăng lên gấp bội, góp phần vào chiến thắng cả giặc ngoại xâm và giặc nội xâm là nghèo nàn lạc hậu và chủ nghĩa cá nhân. Giữ được đạo đức cách mạng mới là cán bộ chân chính. Đạo đức cách mạng là động lực, là sức mạnh to lớn giúp cán bộ vượt qua khó khăn, cám dỗ trên con đường cách mạng đầy chông gai, thử thách. Người nói: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”. Đạo đức cách mạng là phẩm chất hàng đầu của cán bộ để luôn luôn trong sạch, Đảng phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, gương mẫu về mọi mặt. Đây là điều hệ trọng liên quan đến sự sống còn của Đảng. Chính vì vậy, trong Di chúc Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cán bộ lãnh đạo phải có năng lực tổ chức thực tiễn, tức là họ không chỉ học tập nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn, mà phải học đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Cán bộ học tập lý luận rồi phải vận dụng vào thực tiễn, phải nắm vững chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế nước ta, bởi vì “lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”. Người chỉ rõ, cán bộ lãnh đạo không chỉ nắm quy luật vận động và phát triển của lý thuyết chính trị, mà còn phải vận dụng sáng tạo vào cuộc sống. Cán bộ cần bám sát thực tế, chú ý phát hiện và tổng kết thực tiễn nhằm làm sáng tỏ lý luận, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phát triển lý luận mới cho phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở nắm bắt lý luận và thực tiễn, cán bộ lãnh đạo phải có năng lực tiên đoán, dự báo, nhất là trong những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử. Nếu định hướng tốt, dự báo đúng, chuẩn bị chu đáo, cách mạng sẽ thành công.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đến năng lực thực tiễn của cán bộ lãnh đạo là nói đến nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều đó đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải kiên định với mục tiêu cơ bản, đồng thời phải hết sức linh hoạt trong thực hiện, trong bước đi. Cái bất biến ở đây là độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Chính vì vậy, chỉ có con đường duy nhất là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện nguyên tắc này, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải có năng lực, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn mới xử lý các tình huống một cách linh hoạt, sáng suốt. Năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ còn thể hiện ở việc quyết định vấn đề cho đúng, tổ chức thi hành cho đúng, kiểm soát cho đúng. Ngoài ra, năng lực thực tiễn còn thể hiện ở chỗ phải biết liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng và liên hợp người lãnh đạo với quần chúng, tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong hành động.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác các bộ, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác này. Đảng chỉ rõ, cán bộ giữ vai trò trụ cột, nòng cốt trong các lĩnh vực công tác, những người giữ chức vụ lãnh đạo trong một tổ chức, bộ máy có quyết định những vấn đề quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống, của xã hội. Cán bộ là những người lãnh đạo, động viên quần chúng tích cực tham gia thực hiện đường lối của Đảng, tác động tích cực tới phong trào rộng lớn của quần chúng, làm cho quần chúng nhân dân thực sự là người chủ của xã hội. Để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm..., đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Quán triệt, vận dụng sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong đó, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo thực hiện có hiệu quả việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sẵn sàng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mai Tưởng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây