Tỉnh có diện tích tự nhiên 6.348 km2, dân số hơn 1,7 triệu người; trong đó dân tộc Khmer chiếm 13,19% dân số, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 3 thành phố là Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc. Vùng biển của tỉnh rộng hơn 63.000 km2, với hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ, với 5 quần đảo là Thổ Châu, An Thới, Nam Du, Hải Tặc và Bà Lụa. Các quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du có những dãy đảo nhấp nhô, được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long phương Nam”.
Nói đến Kiên Giang, người ta hay liên tưởng đến địa danh đã đi vào lòng người và thơ ca. Tao đàn Chiêu Anh Các là một trong hai tao đàn lớn nhất Việt Nam, được hình thành cách đây hơn 278 năm. Rừng U Minh lịch sử từng là căn cứ địa cách mạng của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu 9 Bộ Tư lệnh Quân khu và các đơn vị chủ lực khác. Hà Tiên với 10 cảnh đẹp của non nước hữu tình; Phú Quốc được ví như hòn đảo ngọc, thành phố biển đảo đầu tiên của nước ta. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại huyện Tân Hiệp tri ân, tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực gắn liền với chiến công “Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”...
Với đặc điểm và lợi thế đó, những năm qua Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tạo bước phát triển mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Kiên Giang.
Có thể nói, việc xây dựng văn hóa và con người Kiên Giang là một quá trình lịch sử lâu dài, vừa hướng tới các giá trị phổ quát chung của dân tộc là: Chân - thiện - mỹ, vừa giữ gìn những giá trị của một vùng đất biển mặn mà, vùng quê mộc mạc, chân chất và vùng căn cứ sắc son, chung thủy. Các yếu tố đó càng được nhân lên khi Đảng ta có các nghị quyết, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa. Đáng chú ý là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Mỗi khi Đảng ta có nghị quyết, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, Tỉnh ủy đã chỉ đạo nghiêm túc từ khâu triển khai, quán triệt, học tập cho đến việc đề ra chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Từng thời gian có kiểm tra, sơ, tổng kết, đánh giá tình hình đã qua và đề ra biện pháp chỉ đạo tới.
Có thể nói, đến nay văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh có các bước phát triển khá ổn định, góp phần đáng kể vào việc xây dựng và phát triển nhân cách con người Kiên Giang. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 107/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyệnlà Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận được công nhận huyện nông thôn mới; thành phố Hà Tiên được công nhận hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 92,5% hộ gia đình văn hóa; 93,6% ấp, khu phố văn hóa; 97,63% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong từng gia đình luôn được quan tâm, nhất là việc xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, khuyến học, khuyến tài. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên và rộng khắp; các lễ hội truyền thống được duy trì, tổ chức hàng năm. Đáng chú ý là Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, đã trở thành nét đẹp truyền thống không chỉ riêng Kiên Giang và còn cho cả khu vực. Lễ hội văn hóa - thể thao của đồng bào Khmer diễn ra tại huyện Gò Quao, đã trở thành ngày hội chung của các dân tộc tỉnh Kiên Giang nhiều năm nay. Ngoài ra, còn có Lễ hội Nghinh Ông ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải; Lễ giỗ Anh hùng liệt sĩ Mai Thị Nương (Mai Thị Hồng Hạnh) ở huyện Giồng Riềng; Lễ giỗ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (Chị Sứ) ở huyện Hòn Đất...
Từ khi có Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, đội ngũ văn nghệ sĩ và hoạt động văn nghệ thuật từng bước trưởng thành và đóng góp tích cực vào việc xây dựng văn hóa, con người Kiên Giang. Hàng năm, lực lượng này cho ra đời hàng trăm tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Toàn tỉnh có trên 100 đội văn nghệ quần chúng và hàng trăm tổ, đội, câu lạc bộ đờn ca tài tử, thu hút hàng ngàn người tham gia, góp phần gìn giữ các bài bản đờn ca tài tử của vùng đất Nam bộ này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người Kiên Giang vẫn còn những hạn chế nhất định. Từng lúc, từng nơi sự nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật đối với việc xây dựng nhân cách con người chưa được nâng lên, từ đó có mặt thiếu quan tâm chỉ đạo. Kinh phí, con người cho hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật còn hạn chế, nhất là cấp huyện và cơ sở. Các hoạt động văn hóa nâng lên chậm và chưa đồng đều. Tuy có quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, nhưng chưa đồng bộ, nhiều trung tâm văn hóa huyện xuống cấp; nhiều trung tâm văn hóa xã không hoạt động được, do thiếu con người, phương tiện, trang thiết bị...
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa, con người Kiên Giang trước yêu cầu mới, cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục chỉ đạo triển khai, quán triệt và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; đặc biệt là thực hiện quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021...
Hai là, tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Ba là, tiếp tục chỉ đạo, nâng lên chất lượng hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo ra phong trào rộng khắp, sôi nổi của từng gia đình, tổ dân phố, ấp văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới.
Thế Anh