Một số vấn đề rút ra từ công tác kiểm tra, giám sát

Thứ năm - 31/08/2023 15:23
Công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không có lãnh đạo.
Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2023.
Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2023.
 
Quán triệt tinh thần trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã quan tâm thực hiện khá tốt công tác KTGS, chủ động tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình KTGS toàn khóa nhiệm kỳ 2020-2025; quá trình thực hiện có rà soát, bổ sung một số nội dung, lĩnh vực trọng tâm, bức xúc, xã hội quan tâm để tiến hành KTGS. Trên cơ sở đó, hằng năm xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt mục đích, yêu cầu kế hoạch đề ra.
Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và UBKT các cấp đã tiến hành KTGS đối với 8.466 tổ chức đảng và 52.142 đảng viên (giảm 624 tổ chức và tăng 9.556 đảng viên so cùng kỳ). Trong đó, nắm tình hình một số vụ việc quan trọng, phức tạp để tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (cấp ủy và UBKT đã kiểm tra 231 tổ chức và 508 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm); chất lượng các cuộc KTGS tiếp tục được nâng lên, đảm bảo đúng quy trình, quy định và hiệu lực, hiệu quả. Nội dung KTGS tập trung vào những vấn đề bức xúc, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, tiêu cực như quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách...; đặc biệt là những vụ việc do UBKT Trung ương chỉ đạo như kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid 19, các dự án, gói thầu đầu tư, mua sắm tài sản, trang thiết bị do Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện...
Qua KTGS đã ban hành kết luận yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, đảng viên vi phạm theo quy định. Trong nửa nhiệm kỳ, cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng và 772 đảng viên (giảm 5 tổ chức và 145 đảng viên). Qua đó, đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KTGS trong thời gian qua vẫn còn những mặt hạn chế, như: Một số cấp ủy, UBKT chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác KTGS, nên triển khai thực hiện có cuộc tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra. UBKT một số nơi thực hiện chưa toàn diện nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng quy định, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Chất lượng, hiệu quả một số cuộc KTGS chưa cao, nội dung còn dàn trải; giám sát để chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn ít; theo dõi, giám sát việc thực hiện thông báo kết luận sau kiểm tra một số trường hợp chưa tốt...
Từ kết quả trên, nhất là qua một số kết luận của UBKT Trung ương về một số vấn đề nổi lên trên địa bàn thấy rằng có nhiều việc phải hết sức cầu thị, cần nghiên cứu rút kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng như sau:
Trước hết, nhận thức về công tác KTGS và thi hành kỷ luật trong Đảng của một số cấp ủy, trong đó có cả người đứng đầu còn nhiều hạn chế, còn có tư tưởng xem kiểm tra là cái gì đó nặng nề... cho nên rất ít có sự chỉ đạo tự kiểm tra để phát hiện ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm. Phần lớn các vụ việc vi phạm được phát hiện chủ yếu từ các cơ quan khác hoặc các cơ quan cấp trên vào cuộc thanh tra, kiểm tra. Cho nên cần có cái nhìn thiện chí hơn đối với UBKT nói riêng và công tác KTGS của Đảng nói chung, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Kiểm tra là thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
Thứ hai, trong thực hiện nhiệm vụ, một số cấp ủy, tổ chức đảng còn vi phạm nghiêm trọng quy chế làm việc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhiều việc lẽ ra phải báo cáo cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo trước khi thực hiện, nhưng thủ trưởng cơ quan, đơn vị tự quyết định, trong đó cả công tác cán bộ. Những nơi có vi phạm này thường dẫn tới sự mất đoàn kết trong nội bộ, làm phát sinh đơn thư tố cáo, phức tạp, kéo dài.
Thứ ba, qua KTGS cho thấy một số cấp ủy chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm là hạt nhân lãnh đạo. Chưa thực hiện đúng phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua chủ trương, đường lối, cụ thể hơn là thông qua chỉ thị, nghị quyết, quy định, quyết định...
Thực tế một số cấp ủy, nhất là ở cơ sở, trong đó có cả cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chưa thực hiện tốt vai trò này, nhiều việc để chính quyền, lãnh đạo cơ quan ban hành văn bản thực hiện, trong khi một số địa phương có những vấn đề lớn, phức tạp nổi lên như tình hình bao chiếm, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép... lẽ ra cấp ủy nơi đó phải có chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng nhiều nơi không thực hiện vấn đề này. Mặt khác, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo lại thiếu thường xuyên theo dõi, KTGS việc thực hiện, nên không nắm chắc được tình hình để kịp thời chấn chỉnh, từ đó dẫn tới việc lãnh đạo, chỉ đạo từng lúc còn bị động, lúng túng.
Thứ tư, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên một số nơi chưa tốt, mặt khác ý thức, trách nhiệm trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đề cao, dẫn đến vi phạm. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy, kể cả chi bộ, UBKT các cấp đã xem xét kỷ luật 505 đảng viên vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trong đó có 200 trường hợp vi phạm chính sách dân số.
Từ những vấn đề trên, xin đề xuất một số nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới như sau:
Một là, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác KTGS và thi hành kỷ luật của Đảng. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, trong đó chú trọng việc tự KTGS để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm “từ xa, từ sớm”, không để vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn nghiêm trọng đến mức phải xem xét kỷ luật... Thực hiện tốt phương châm “Giám sát phải mở rộng”, “Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc dễ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tạo bước tiến mới trong công tác KTGS của Đảng. Khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, song phải trên tinh thần nhân văn “trị bệnh để cứu người” với mục đích làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm để khắc phục sửa chữa; đồng thời phối hợp tốt trong xử lý cán bộ vi phạm, xử lý về Đảng trước, chính quyền, đoàn thể xử lý sau, nhất là cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý.
Ba là, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức, trách nhiệm, phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống “tự soi, tự sửa”, phải nhận thức được tác hại, hậu quả của việc làm sai để tránh. Làm cho từng cán bộ, đảng viên “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.
Bốn là, các cấp ủy phải phát huy thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình, kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên ở địa phương, đơn vị mình. Trong thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng nhằm phát huy dân chủ, xây dựng đoàn kết trong nội bộ.
Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa KTGS của Đảng với với thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến công tác KTGS, chống tư tưởng quyền anh, quyền tôi “cua cậy càng, cá cây vây” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói. Phát huy mạnh mẽ tinh thần kiểm tra “mở đường” cho thanh tra, điều tra và ngược lại.
Sáu là, cấp ủy, UBKT các cấp phải thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT và cơ quan UBKT các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cần, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân, phải thực sự là “thanh bảo kiếm”, là những “Bao công” trong thời đại mới.
Có như vậy mới làm cho tình hình, nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương ổn định, hạn chế vi phạm, khuyết điểm có thể xảy ra.
Phạm Hoàng Nam
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây