Một vài suy nghĩ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới

Thứ năm - 27/03/2025 15:42
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định các nhóm quan điểm chỉ đạo, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Hội thảo khoa học, chủ đề “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang - Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: Trang thông tin Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang.
Hội thảo khoa học, chủ đề “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang - Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: Trang thông tin Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang.
Khoa học và công nghệ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có nhiều tiến bộ; nhiều công trình nghiên cứu đã có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, y học, dược học, năng lượng, dầu khí, cơ khí, chế tạo, quân sự, an ninh... Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp tích cực cho việc cung cấp luận cứ trong vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tiềm lực khoa học và công nghệ đã được tăng cường.
Các tổ chức khoa học - công nghệ và đội ngũ cán bộ phát triển cả về số và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý khoa học và công nghệ tiếp tục đổi mới. Đã hình thành hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu phát triển, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả. Việt Nam thuộc nhóm đầu các quốc gia ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước và khung khổ pháp lý cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục hoàn thiện. Hạ tầng số quốc gia được đẩy mạnh xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, rộng khắp, ngang tầm các nước phát triển. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành từng bước được triển khai. Công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP...
Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%; công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách so với các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi...
  Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ vai trò "là động lực chính" đồng thời đã gắn kết phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với đổi mới phương thức quản trị quốc gia, xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là công cụ quan trọng để thực hiện "đổi mới" theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Chỉ rõ tính cách mạng, toàn dân, toàn diện của sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt...
Nghị quyết đề ra một số nhóm mục tiêu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử...
Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, cao gấp 02 lần so năm 2030: là Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đến năm 2045 Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết yêu cầu tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số./.
                                                                                 
     Trần Quốc Việt
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây