Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, theo chức năng nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả:
Một là, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm, mục đích, yêu cầu, nội dung tổng kết, tiến độ thực hiện, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhất là một số vấn đề trọng tâm sau:
- Khẳng định việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Khẳng định thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) không còn xa; để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; việc tinh gọn tổ chức bộ máy là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển.
- Nhấn mạnh mục đích việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm đánh giá nghiêm túc, toàn diện tình hình, kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; đề xuất, kiến nghị chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
- Nêu bật yêu cầu, nguyên tắc của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu thực tiễn; bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Việc tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cầu thị, cụ thể, sâu sắc, khẩn trương; xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân; đề xuất, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; đề xuất phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; kiến nghị, đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới; tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Nhấn mạnh việc sắp xếp lại mô hình các cơ quan Trung ương phải gắn với các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương gắn với phối hợp và kiểm tra, giám sát…; thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh.
- Phân tích làm rõ trách nhiệm các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện. Cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng"; Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
- Phản ánh kịp thời quá trình tổng kết, lộ trình thực hiện; khẳng định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, bài bản; xác định rõ những công việc cần ưu tiên, lộ trình, bước đi rõ ràng, cụ thể và phối hợp nhịp nhàng trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm không gián đoạn công việc, phải có sự nối tiếp, liên tục, thông suốt, bộ máy mới phải đi vào hoạt động ngay. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cụ thể: Cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổng kết bảo đảm chất lượng, tiến độ, hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ đạo hoàn thiện Tờ trình, báo cáo, dự thảo kết luận hoặc nghị quyết trình Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025; trình Ban Chấp hành Trung ương trước 15/3/2025.
Hai là, làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai: (1) Xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. (2) Chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ; rà soát sửa đổi, bổ sung các chủ trương, quy định của Đảng cho thống nhất; điều chỉnh kịp thời các quy định của pháp luật, các quy trình, quy chế trong công tác trên từng lĩnh vực. (3) Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.
Ba là, tuyên truyền, phản ánh đậm nét quá trình triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy trong tình hình mới; thông tin, tuyên truyền kịp thời, khách quan, minh bạch các phương án, đề án sắp xếp, các chế độ, chính sách đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động, ảnh hưởng do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; chú trọng thông tin, phản ánh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện.
Tuyên truyền kinh nghiệm sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước. Phản ánh các ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân, nhất là nhân sĩ, tri thức, nhà khoa học. Động viên, khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc phát huy trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Bốn là, tuyên truyền, thông tin đối ngoại về chủ trương, quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; qua đó quảng bá hình ảnh một quốc gia đổi mới, năng động, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế; củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế, các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài về môi trường chính trị-kinh tế ổn định và minh bạch ở Việt Nam tạo sức hút mạnh mẽ về hợp tác và đầu tư quốc tế.
Năm là, đấu tranh, phản bác kịp thời với những thông tin giả, tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương và quá trình triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phê phán mạnh mẽ tư tưởng chủ quan, cục bộ, bảo thủ, thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt gây chậm trễ; biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Thứ hai, về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia:
Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân, trong đó tập trung vào các nội dung:
- Khẳng định việc phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045. Vì vậy, việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân hiện nay là rất cần thiết, là giải pháp quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường, bảo đảm tính ổn định cho nguồn điện. Vấn đề này trước đây đã có chủ trương và triển khai bước đầu nhưng do một số khó khăn nhất định chưa thực hiện được. Hiện nay đã đủ các điều kiện cần thiết cho phép tiếp tục triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới.
- Phân tích, nêu bật tính ưu việt của điện hạt nhân so với các nguồn năng lượng khác (điện than, thủy điện, điện mặt trời, gió…), nhất là tính ổn định, ít phát thải các-bon, thân thiện với môi trường, khả năng linh hoạt trong điều chỉnh công suất… và những lợi thế của việc phát triển điện hạt nhân đối với sự phát triển đất nước. Khẳng định phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo là xu thế của nhiều quốc gia hiện nay; phù hợp với các cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) mà Việt Nam đã ký kết.
Hai là, phân tích, làm rõ thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức trong quá trính tái khởi động chương trình điện hạt nhân; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.
Ba là, tuyên truyền kinh nghiệm của quốc tế về phát triển điện hạt nhân; phản ánh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về đề xuất phát triển điện hạt nhân ở nước ta trong thời gian tới.
Về các hình thức, biện pháp tuyên truyền chủ yếu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo: (1) Tuyên truyền trên báo chí, trên nền tảng số, internet, trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng/trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…). (2) Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, thông qua hội nghị, sinh hoạt chính trị - xã hội; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.(3) Tuyên truyền, cổ động trên các phương tiện trực quan: băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích trên các trục đường chính, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ. (4) Tổ chức tuyên truyền trên các ấn phẩm sách, tài liệu tuyên truyền. (5) Tuyên truyền thông qua các tọa đàm, hội thảo khoa học, diễn đàn…