Ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm và hướng con người và xã hội vào thực hiện các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Đảng ta đã xác định mục tiêu lý tưởng xuyên suốt của cách mạng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là giá trị cơ bản, bao trùm để định hướng, dẫn dắt các hoạt động của cách mạng Việt Nam qua mỗi thời kỳ. Mục tiêu giải phóng con người khỏi sự áp bức, bóc lột, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện và hoàn thiện nhân cách của mình, là giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội.
Trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người đã căn dặn: “Mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đây chính là những giá trị cốt lõi của quốc gia mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang phấn đấu thực hiện.
Trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nêu lên các giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam là “nhân văn, dân chủ, tiến bộ; giá trị gia đình Việt Nam là “ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”; chuẩn mực của con người Việt Nam là: “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, tình nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính”.
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của các giá trị văn hóa, xã hội tác động đến sự hoàn thiện của con người, những năm qua Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo phải hình thành các hệ giá trị của đất nước ta. Đại hội X của Đảng đã yêu cầu: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức với bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”. Đại hội XI của Đảng yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thật tốt là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia – dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại...”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại hội XIII của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 29/11/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học – xã hội Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo quan trọng để xác định các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Có thể nói, đây là sự tổng kết, chắc lọc và khái quát hóa lý luận rất cô đọng, rõ ràng, cụ thể về các giá trị. Sự đúc kết này cũng xuất phát từ tổng kết từ thực tiễn tiến hành triển khai thực hiện các giá trị trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn dân ta trong hơn 35 năm đổi mới. Các hệ giá trị này đã đóng vai trò, định hướng, thống nhất ý chí và tình cảm chung của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện khát vọng chung của dân tộc để tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Các hệ giá trị đó là:
Hệ giá trị con người Việt Nam cần được xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị nền tảng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị cơ bản: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Tại Hội thảo quốc gia vừa qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo: Các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các phương tiện truyền thông đại chúng; các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật... cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị. Trên cơ sở định hướng các hệ giá trị này, các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, vừa tiến hành cụ thể hóa các hệ giá trị nêu trên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, địa phương...
Trong quá trình triển khai thực hiện các hệ giá trị cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh - truyền hình trong việc sáng tạo, xây dựng và truyền bá các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, các ác, các giả; khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội; đặc biệt là với thanh thiếu niên, theo tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Minh Thi