Một trong những yếu tố để phát triển văn học nghệ thuật chính là con người, là đội ngũ văn nghệ sĩ, đó là tài năng, là vốn quý của dân tộc. Chính vì vậy, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới, nhấn mạnh: “Xây dựng phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn gắn bó gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta”.
Quán triệt quan điểm, tư tưởng đó, những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đã có nhiều cố gắng củng cố và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Qua đó, góp phần tuyên truyền, cổ vũ các phong trào hành động cách mạng của tỉnh.
Một trong những vấn đề có tính cốt lõi là tổ chức cho văn nghệ sĩ tiếp thu, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội đã tranh thủ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phân công báo cáo viên có kinh nghiệm, năng khiếu để truyền đạt, tạo sự chú ý của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đáng chú ý là: “Những điểm mới, những điểm nhấn trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng”; các nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, nghị quyết giữa nhiệm kỳ khóa XIII; bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; về “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và các chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới”; Chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý thức tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”... đều được triển khai nghêm túc trong đội ngũ văn nghệ sĩ.
Hội Văn học nghệ thuật đã rất chú ý đến việc tổ chức đi thực tế và tổ chức các cuộc thi sáng tác, để anh chị em văn nghệ sĩ có vốn sống và động lực mới. Hàng năm, hội đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế ở các huyện, thành phố trong tỉnh và một số trại sáng tác ngoài tỉnh. Các cuộc thi sáng tác về sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật, văn học đều được tổ chức hàng năm và có hàng trăm tác phẩm mới ra đời. Gần đây, hội liên kết, phối hợp tổ chức chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm tại các huyện, thay vì tại hội như trước đây. Qua 3 lần tổ chức gần đây tại các huyện An Biên, Hòn Đất và Giồng Riềng, đã ghi nhận thành công mới; đặc biệt khi tổ chức ở huyện nào thì các tiết mục phải sáng tác, ca ngợi về địa phương đó.
Qua các hoạt động, là điều kiện để phát hiện các nhân tố mới, kết nạp phát triển hội viên. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 300 hội viên, trong đó có gần 90 hội viên Trung ương, sinh hoạt ở 8 phân hội chuyên ngành là: Sân khấu, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Múa, Mỹ thuật, Văn học, Văn nghệ nhân gian, Điện ảnh. Nhiều văn nghệ sĩ trẻ, năng nổ, chứng tỏ năng lực thực tế của mình. Văn học có Nguyễn Chí Ngoan, Trương Anh Sáng, Ngọc Chuyền; Âm nhạc có Hứa Sơn Hà, Lê Phong Nhã; Sân khấu có Trần Ngọc Hòa, Song Nguyễn, Bích Trâm; Nhiếp ảnh có Trương Minh Điền, Từ Thế Duy, Nguyễn Văn Hội; Điện ảnh có Dương Hồng Mụi, Thúy Tài, Thế Anh...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, những nhân tố mới, hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Vai trò của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành hội có mặt còn hạn chế, điều hành công việc chưa trôi chảy, hoạt động chưa đều tay; tỷ lệ sinh hoạt của hội viên chưa đạt yêu cầu; một số hội viên ít tham gia sáng tạo tác phẩm mới; chất lượng tác phẩm nâng lên chậm, còn ỷ lại, thỏa mãn với kết quả đạt được; việc củng cố và phát triển tổ chức hội cấp huyện, thành phố còn rất chậm, ít được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và từng bước khẳng định mình trong thời kỳ mới, xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang đang triển khai nhiều biện pháp để phát triển tổ chức và hoạt động.
Trước hết, hội đã và đang chỉ đạo xây dựng đề án nâng một số phân hội như: Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu lên thành hội chuyên ngành; nâng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh. Phối hợp với địa phương củng cố, kiện toàn các hội cấp huyện; đây là nơi tập hợp, bổ sung lực lượng hội viên cho tỉnh. Xây dựng đề án nâng kỳ phát hành Tạp chí Chiêu Anh Các từ 2 tháng/ kỳ lên 1 tháng/ kỳ. Tích cực tham mưu để đầu năm 2024 triển khai xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật cấp tỉnh mang tên “Chiêu Anh Các” đợt đầu tiên để tôn vinh những tập thể và cá nhân có những tác phẩm tiêu biểu. Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới đại hội các phân hội chuyên ngành và Đại hội đại biểu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Nguyễn Thiện Cẩn
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang