Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã vùng lên đập tan ách áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước, thì thực dân Pháp lại dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Với sự giúp sức của quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai; sau đó chúng mở rộng đánh chiếm Nam bộ và Nam Trung bộ. Ngày 20/11/1946, quân Pháp mở cuộc tiến công đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn, đổ bộ lên Đà Nẵng. Từ ngày 15-17/12/1946, chúng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội, gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18/12/1946, chúng gửi tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính và giữ gìn trị an ở Hà Nội.
Trước tình thế đó, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”.
Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, toàn dân ta nhất tề đứng lên, tiếng súng kháng chiến vang lên khắp mọi miền đất nước. Trong những năm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân ta đã liên tiếp làm thất bại nhiều kế hoạch, chiến lược của địch, từ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, kế hoạch “phong tỏa biên giới” và “làm chủ vùng đồng bằng”, đến kế hoạch “giành lại quyền chủ động chiến lược”.
Với hy vọng giành lại chủ động trong thế bị động, với sự giúp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp rút quân về Điện Biên Phủ và quyết tâm xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Quân địch chiếm đóng ở đây với quân số lúc cao nhất lên đến hơn 16.200 tên, gồm những đơn vị tinh nhuệ, bố trí trong 49 cứ điểm, với một hệ thống công sự dày đặc. Chúng nhận định Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại, là nơi “nghiền nát chủ lực đối phương”.
Về phía ta, Tổng quân ủy nhận định địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta; đồng thời chủ trương giữ địch ở lại Điện Biên Phủ và ta có thể đánh địch ở Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến. Sau khi phân tích kỹ tình hình địch, ta, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và phương án tác chiến của Tổng quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ giao nhiệm vụ “chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh…”.
Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, bộ đội chủ lực các mặt trận nhanh chóng bước vàochiến dịch Điện Biên Phủ, với phương châm “đánh chắc, thắng chắc. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại, một kỳ tích vẻ vang của thời kỳ Hồ Chí Minh.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám. Với chiến thắng này, một nửa đất nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ xã hội.
Việt Cường