Giỗ tổ Hùng Vương - cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc!

Thứ năm - 27/03/2025 15:14
Ngoài để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công lao của các Vua Hùng - Hùng Vương và các bậc tiền nhân trong truyền thống hào hùng của dân tộc về dựng nước và giữ nước, thì Giỗ Tổ Hùng Vương đã đóng góp vai trò quan trọng, minh chứng tính cố kết cộng đồng - dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013 (ảnh: Internet)
Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013 (ảnh: Internet)
Theo truyền thuyết, các Vua Hùng (là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ- được xem là thủy tổ của người Việt) đã sáng lập, khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước ta, cùng với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác, cho nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian. Cho dù trong thời kỳ nào thì Đền Hùng ở khắp đất nước luôn được Nhân dân trông nom, hương khói, và Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch) luôn có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt, đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam, được cộng đồng người Việt đồng tâm tổ chức chu đáo. Hầu hết người dân Việt đều nhớ nằm lòng câu ca dao: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”, nhắc cho các thế hệ người Việt nhớ sự kiện “Giỗ tổ”, để cho dù ở đâu cũng hướng về Tổ quốc, hướng về Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước, là biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, quy tụ và gắn bó của dân tộc Việt Nam.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, từ ý nghĩa, vai trò quan trọng của Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương trong truyền thống yêu nước của người dân Việt, đã xây dựng nên tính cố kết cộng đồng - dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên lễ viếng, quan tâm tu bổ Đền Hùng và thông qua sự kiện “Giỗ tổ” luôn chú trọng kế tục, phát huy truyền thống cao đẹp của dân tộc. Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN, trong đó quy định Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ lễ 01 ngày. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946), tại Đền Hùng, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước, đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo tình trạng đất nước đang bị ngoại xâm và cầu mong Tổ tiên phù hộ thiên hạ thái bình - quốc thái dân an, qua đó phát huy ý chí, tình đoàn kết của cả dân tộc quyết tâm đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trong lần về thăm Đền Hùng vào ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Người có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”
Sau khi đất nước hòa bình - thống nhất, ngày 20/02/1995, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 101-TB/TW khẳng định Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước ta đã sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và theo đó ngày 29/10/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP, đã quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương… Đặc biệt, ngày 06/12/2012, “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, thể hiện và minh chứng sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu trong tâm tưởng của người Việt và đã lan tỏa rộng khắp, nhiều tỉnh thành trong nước, thậm chí nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng lập đền thờ hay thực hiện các hình thức thờ cúng Vua Hùng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương để nhớ về tổ tiên - Tổ quốc.
Đối với Kiên Giang, đến nay ghi nhận có 02 Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương: Tại ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp và ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất. Trong đó, lễ Giỗ chính thức được tổ chức tại Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại huyện Tân Hiệp, được UBND tỉnh công nhận là lễ hội cấp tỉnh từ tháng 9/2004. Đền thờ này, từ năm 1957 được người dân ấp Đông Bình tự nguyện đóng góp, xây dựng bằng vật liệu nhẹ, ngày nay thì đã kiên cố, khang trang, rộng rãi; hàng năm đều tổ chức lễ giỗ vào ngày 10/3 âm lịch, đã quy tụ Nhân dân ở khắp nơi về dự lễ và dần trở thành một lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Theo quy định, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay được nghỉ liên tục 3 ngày, gồm 1 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần, cụ thể vào các ngày từ thứ Bảy đến hết thứ Hai (từ ngày 05-07/4/2025), đây là điều kiện thuận lợi để Nhân dân các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước tham gia lễ hội.
Có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương là thể hiện sự ngưỡng vọng, tự nguyện, thành tâm, đồng thuận của cộng đồng người Việt. Các giá trị của tín ngưỡng luôn được bảo tồn, phát triển ngày càng sâu rộng và luôn được trao truyền, thực hành từ thế hệ này sang thế hệ khác để trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc; là dịp để người Việt ôn lại lịch sử, thể hiện tình yêu quê hương đất nước và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thờ cúng tổ tiên... Điều đó còn mang ý nghĩa lớn lao về lòng biết ơn và tự hào dân tộc, về tính cố kết cộng đồng - dân tộc, cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, các cấp, các ngành đã, đang và sẽ quyết tâm, quyết liệt thực hiện, cùng với sự cố gắng của mỗi người trong thực hiện chủ trương này cũng được xem là góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đột phá chiến lược của Đảng, Nhà nước đề ra, để đưa đất nước phát triển toàn diện và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quốc Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây