Giỗ Tổ Hùng Vương ở Kiên Giang

Chủ nhật - 31/03/2024 17:30
Văn hóa thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài Đền thờ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ (Đền Hùng), nhân dân còn lập nhiều đền thờ các Vua Hùng ở các địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang.
Đoàn cán bộ tỉnh và huyện Tân Hiệp dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp.
Đoàn cán bộ tỉnh và huyện Tân Hiệp dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp.
 
Thời kỳ Hùng Vương (các Vua Hùng) là một giai đoạn có thật trong lịch sử dân tộc ta Việt Nam, với sự ra đời Nhà nước Văn Lang vào khoảng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Thời kỳ này được phản ánh trong truyền thuyết, trong thư tịch cổ và chứng thực qua hàng loạt di tích khảo cổ học. Đó là thời kỳ ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ xưa của người Việt, thời kỳ hình thành nhà nước phôi thai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Nhà nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu (nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), đứng đầu là Hùng Vương. Hùng Vương là người chỉ huy quân sự, chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, chủ trì các nghi lễ tôn giáo, đồng thời trực tiếp dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, chống thiên tai, địch họa... Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang đã xây dựng nên nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước Việt Nam, lưu truyền đến muôn đời sau.
Để ghi nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, từ xa xưa nhân dân ta đã lập đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng ngày nay) ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và ấn định lệ tế Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng với Đền Hùng, hiện nay cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời kỳ Hùng Vương.
Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, hàng triệu người con đất Việt lại hành hương về các đền thờ Hùng Vương để tri ân công đức các Vua Hùng, những người đã có công dựng nước, đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam trường tồn. Cũng chính điều đặc sắc này, năm 2012, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  
Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở tỉnh Kiên Giang tọa lạc tại ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, được người dân địa phương lập từ năm 1957. Khi mới lập, đền được xây dựng rất đơn sơ với 3 gian và 1 chái phía sau, tái hiện lại phần hồn của Đền Hùng ở Phú Thọ vốn có 3 đền là Hạ, Trung, Thượng. Phía trước đền có bàn thờ Bác Hồ; bên trong đền có 2 bàn thờ gồm bàn thờ chính thờ các Vua Hùng, có bài vị bằng chữ Hán và bàn thờ còn lại thờ các vị minh quân; chung quanh có các bức hoành phi và câu đối. 
Năm 2004, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016, với gần 57 tỷ đồng đóng góp của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, tỉnh đã trùng tu, tôn tạo xây dựng, mở rộng di tích, khánh thành đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến nay, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương có diện tích lên đến 20.000 m2, với các hạng mục quy mô lớn, tạo thêm dáng dấp uy nghiêm, cảnh quan khang trang, sạch đẹp.
Từ năm 2010, Kiên Giang là 1 trong 9 địa phương của cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức cấp quốc gia. Đồng thời, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành 1 trong 8 lễ hội tiêu biểu của tỉnh, thu hút rất đông người dân trong vùng tới thắp hương, dâng lễ. 
Hằng năm, cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tại đây diễn ra nhiều hoạt động lễ hội rất ý nghĩa. Cùng với các nghi lễ trang nghiêm tưởng nhớ đến các Vua Hùng là nhiều hoạt động văn hóa, thể thao,như hội thi sinh vật cảnh, hội thi gói bánh chưng, không gian đờn ca tài tử; các giải võ thuật, cờ tướng, bóng đá mini, dưỡng sinh người cao tuổi; các trò chơi dân gian…
Ngày 10/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 2184/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án mở rộng quy mô tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Việc mở rộng quy mô tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Kiên Giang.
Việt Cường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây