Người làm báo Kiên Giang nguyện mãi xứng đáng là chiến sĩ cầm bút trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng

Thứ năm - 30/05/2024 10:01
Cách đây 99 năm, tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Báo Thanh Niên - Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925.
Các đại biểu tham quan Hội Báo xuân Giáp Thìn 2024, do Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang tổ chức.
Các đại biểu tham quan Hội Báo xuân Giáp Thìn 2024, do Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang tổ chức.
 
Nội dung chính trị của tờ báo là giáo dục lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng căm thù thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai. Đóng góp quan trọng của Báo Thanh Niên cách mạng là tuyên truyền giác ngộ cách mạng, vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo nêu rõ mục đích “cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng. Cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười mới giành được thắng lợi”.
Ghi nhận lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa V quyết định lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên là Ngày Báo chí Việt Nam, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị khóa VIII đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam với tên đầy đủ “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”.
99 năm qua, kể từ ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện đúng tôn chỉ của mình là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân; là công cụ sắc bén, đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, cổ vũ, tập hợp quần chúng, góp phần to lớn vào thắng lợi các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan truyền thông chủ lực là Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân.
Hiện nay, cả nước có hơn 800 cơ quan báo, tạp chí, 72 đài phát thanh, truyền hình, trong đó có 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 5 đơn vị hoạt động truyền hình, như Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, An ninh TV, Truyền hình Quân đội…
Tại tỉnh Kiên Giang, vào đầu năm 1947, báo Rạch Giá - Cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Rạch Giá ra đời. Đây được xác định là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Tỉnh ủy Rạch Giá. Từ tờ báo Rạch Giá, trải qua 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều tờ báo của tỉnh lần lượt ra đời, như: Báo “Hòa Bình Thống Nhất”, báo “Thống Nhất”, báo “Giải phóng”, báo “Chiến Thắng”. Trong kháng chiến, những tờ báo Đảng của Tỉnh ủy Rạch Giá luôn hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam.
Để khẳng định vai trò đóng góp của tờ báo Rạch Giá, tôn vinh giá trị cao đẹp của những chiến sĩ “vừa cầm bút, vừa cầm súng” trên chiến trường; đồng thời ghi nhận công lao của các thế hệ người làm báo Kiên Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định, lấy ngày 1/1/1947 - Ngày ra đời tờ báo Rạch Giá làm ngày truyền thống của Báo Kiên Giang.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, báo Chiến Thắng đổi tên thành báo Rạch Giá. Tháng 2/1976, sau khi tỉnh Kiên Giang được thành lập, báo Rạch Giá được đổi tên là báo Kiên Giang - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, vừa là diễn đàn của nhân dân Kiên Giang cho đến ngày hôm nay.
Tiếp nối truyền thống Báo Kiên Giang, ngày 22/8/1977, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 391/QĐ-UB thành lập Đài Phát thanh Kiên Giang; năm 1984 Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục chủ trương thành lập bộ phận truyền hình. Kể từ đó, Đài Phát thanh tỉnh chính thức mang tên gọi Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang (năm 2014 tên gọi Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang). Cùng với các cơ quan báo, đài địa phương, Tỉnh ủy chủ trương cho thành lập Tạp chí Chiêu Anh Các - Cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.
Cùng với sự ra đời của các cơ quan báo chí địa phương, ngày 21/10/1985, Tỉnh ủy Kiên Giang quyết định thành lập Hội Nhà báo Kiên Giang với tôn chỉ, mục đích là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 350 người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; có 222 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang sinh hoạt tại 10 cơ sở hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang.
Cùng với kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tỉnh Kiên Giang cũng đã trải qua 77 năm truyền thống Báo Kiên Giang, 47 năm hình thành và phát triển của Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang. Trong suốt quá trình lịch sử ra đời và phát triển, các cơ quan báo chí ở Kiên Giang luôn bám sát tôn chỉ, mục đích của mình, làm tròn trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, vừa là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Các thế hệ người làm báo Kiên Giang luôn trung thành với Tổ quốc và nhân dân; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn thấm nhuần lợi dạy của Bác Hồ “Báo chí là một mặt trận; cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ...”.
Nổi bật trong hoạt động của các cơ quan báo chí và người làm báo tỉnh Kiên Giang những nămgần đây là kịp thời thông tin nhanh nhạy về tình hình đất nước và địa phương; kịp thời chuyển tải các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh trên mọi mặt đời sống xã hội, nhất là tổ chức tuyên truyền có hiệu quả việc triển khai, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, thể hiện tốt vai trò là người dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Gần đây nhất, qua một năm ra mắt báo điện tử, Báo Kiên Giang đã đưa tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đến với công chúng cả nước và đồng bào Kiên Giang ở xa Tổ quốc với lượng thông tin phong phú, đa dạng.
Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang tận dụng nhiều nền tảng Internet, kể cả mạng xã hội đưa nội dung các chương trình phát thanh và truyền hình đến khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào Kiên Giang đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài, giới thiệu đậm nét về quê hương, đất nước con người Kiên Giang.
Với vai trò là ngôi nhà chung của người làm báo, Hội Nhà báo tỉnh thể hiện tốt vai trò là người tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm báo trong tỉnh, kể cả phóng viên thường trú hoạt động báo chí tại Kiên Giang. Nhiều năm gần đây, Hội Nhà báo tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo việc tổ chức phong trào, đồng thời có nhiều hoạt động nghiệp vụ nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của người làm báo. Các hoạt động của Hội thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo trong xu thế mới.
Phát huy thành tựu vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam 99 năm qua, những người làm báo tỉnh Kiên Giang nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là học và làm theo phong cách của Bác về báo chí cách mạng. Người làm báo Kiên Giang tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân; kịp thời thông tin về tình hình đất nước và địa phương, nguyện xứng đáng là chiến sĩ cầm bút trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
Lê Thành Phương
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây