Bác Hồ với “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”

Thứ năm - 30/05/2024 09:22
Cách đây 75 năm, tháng 6/1949, với bút danh Lê Chiến Thắng, Bác Hồ viết tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, để động viên, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hành đạo đức cách mạng. Theo Bác, về “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, đồng bào ta có người đã hiểu rõ, có người chưa hiểu rõ, có người thực hành nhiều, có người thực hành ít, cho nên cần phải giải thích rõ ràng, để cho mọi người hiểu rõ, mọi người đều thực hành.
Bác Hồ tham gia lao động tại Công viên Thống Nhất. Ảnh: TL
Bác Hồ tham gia lao động tại Công viên Thống Nhất. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc”; “Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, “Thiếu một đức thì không thành người”. Đồng thời, Bác chỉ rõ: “Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nền Dân chủ Cộng hòa, cho đến mấy nǎm kháng chiến, dân ta nhờ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, mà đánh thắng được giặc lụt, giặc dốt, giặc thực dân và giặc đói”.
Thế nào là “Cần”, Người giải thích: “Tức là siêng nǎng, chǎm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “Nghĩa là Cần thì việc gì, dù khó khǎn mấy, cũng làm được”. Bác ví dụ một cách dễ hiểu, dễ nhớ: “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khỏe”. Kết quả của “Cần” là: “Người siêng nǎng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng nǎng thì chắc ấm no. Cả làng siêng nǎng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng nǎng thì nước mạnh giàu”.  
Người yêu cầu: “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày Cần mà mười ngày không Cần, thì cũng vô ích”; “Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài”. Người cũng nhắc nhở: “Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc”.
Về chữ “Kiệm”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người”. Bác giải thích: “Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không”. “Kiệm mà không Cần, thì không tǎng thêm, không phát triển được…”.
Không chỉ tiết kiệm của cải, Người còn yêu cầu mọi người tiết kiệm thì giờ: “Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”; “Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”. Bác cũng chỉ ra: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn”; “Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm”.
Đối với chữ “Liêm”, Bác giải thích: “Liêm là trong sạch, không tham lam”; “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Bác chỉ ra nhiều việc làm, hành vi trái với chữ “Liêm” của cán bộ, đảng viên, bộ đội, người buôn bán, người làm ruộng và những người làm bất cứ nghề gì. Trong đó, Người nhấn mạnh: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ǎn ngon, sống yên đều là bất liêm”.
Người yêu cầu, mỗi người phải nhận thức rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, có tội với dân; “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Vì vậy: “Cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”; “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”.
Về chữ “Chính”, Bác viết: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. Theo Người: “Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”.
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, đối với bảnthân mình: “Chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại tức là thoái bộ”; “Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu…”.
Đối với người, Bác căn dặn: “Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”; “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ bác ái”.
Còn đối với việc, Người yêu cầu: “Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”. “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”...
Đến nay, những nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” vẫn giữ nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng, các phong trào thi đua yêu nước và trong đời sống xã hội.
Việt Cường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây