Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng, với mục tiêu “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Nhiệm vụ của nền giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Vì vậy, Người yêu cầu nội dung giáo dục phải toàn diện, phù hợp với tính chất của trường học dưới chế độ mới; phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra việc giáo dục gồm có: Thể dục (để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung); trí dục (ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới; mỹ dục (để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp); đức dục (là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công). Cả 4 nội dung trên của giáo dục được Người khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”; trong đó đạo đức cách mạng là cái gốc, rất quan trọng, “nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.
Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, các thầy giáo, cô giáo có vai trò rất quan trọng, “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Do đó, Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo tốt: “Phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng”. Theo Người: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Đồng thời, Người luôn nhắc nhở đội ngũ nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”. Người yêu cầu: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”…
Bên cạnh việc nêu lên những điều mà các thầy giáo, cô giáo phải làm cho tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dặn dò các nhà giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Các thầy giáo, cô giáo phải tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; phải tránh thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể… Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt”.
Có thể khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và xây dựng đội ngũ nhà giáo là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”.
Xây dựng và phát triển nền giáo dục, đội ngũ nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là việc góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Đó chính là tạo ra những thế hệ công dân có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trần Anh