Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa

Chủ nhật - 02/02/2025 22:14
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Người từng khẳng định “văn hóa soi đường quốc dân đi”, làm cho văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.
Bác Hồ với các nghệ sĩ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969. Ảnh: TL

Bác Hồ với các nghệ sĩ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969. Ảnh: TL

 
Ngay khi đất nước vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào ngày 24/11/1946. Đọc diễn văn khai mạc hội nghị, Người “thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Người cho rằng: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết, “có chính trị mới có văn hóa”. Vì vậy, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Người nói: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
Mặc dù Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng đã tập hợp sức mạnh quần chúng thông qua sức mạnh văn hóa, phát huy sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh nội sinh của dân tộc. Đó chính là việc tích cực chuẩn bị lực lượng văn hóa phục vụ cho sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” và mục tiêu lâu dài là “văn hóa soi đường quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước sau này. Đây cũng chính là tư tưởng và tầm nhìn xuất chúng của lãnh tụ Hồ Chí Minh về văn hóa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉrõ đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”. Trong thư chúc mừng hội nghị, Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần quan trọng”; “chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”. Đồng thời, Người xác định: “Nhiệm vụ của văn hóa là chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới…”. 
Cùng với vai trò to lớn của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức đối với cách mạng Việt Nam. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Trước đó, Người cũng giao nhiệm vụ cho các văn nghệ sĩ: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”. 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa vừa là cơ sở lý luận và thực tiễn sinh động để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Năm 1998, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, Nghị quyết khẳng định tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa, đã có những chuyển biến quan trọng; nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, năm 2014, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…”. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.
Việt Cường

 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Chuyển giao diện: Tự động Máy Tính