Theo đó, để đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
Một là, đối với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển du dịch, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 82-NQ/CP, ngày 18/5/2023 của Chính phủ; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/11/2017của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Qua đó, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh về vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; xác định phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn, là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân cần phát huy, khơi thông tốt các nguồn lực để thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng và ủy ban nhân dân các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng yếu, đột phá của tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn hoá, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Hai là, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị:
- Quán triệt, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh bền vững.
- Tập trung phát triển du lịch của tỉnh theo quy hoạch. Nghiên cứu triển khai thực hiện các mô hình quản trị, hợp tác công-tư trong phát triển du lịch; xây dựng chính sách ưu đãi, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhằm huy động, khơi thông hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch tại tỉnh. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các khu, điểm du lịch với hệ thống giao thông của tỉnh. Phát triển, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao gắn với khai thác phát triển du lịch. Huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hoá dựa trên các lợi thế đặc thù của tỉnh gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh xã hội hoá trong phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển du lịch của tỉnh.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch. Xây dựng hình ảnh, định vị thương hiệu, xác định giá trị cốt lõi của du lịch tỉnh. Phát huy hiệu quả cổng thông tin điển tử cập nhật thông tin về tiềm năng lợi thế của tỉnh và chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư để phát triển du lịch. Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo và các công nghệ tiên tiến trong xúc tiến, quảng bá du lịch; triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch tỉnh kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Thực hiện thống kê du lịch của tỉnh bảo đảm đầy đủ, khoa học, chính xác, theo thống kế quốc gia và thông lệ quốc tế.
- Rà soát, đánh giá lại hệ thống sản phẩm du lịch theo vùng, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh, đặc thù như các sản phẩm du lịch biển, đảo, nông thôn, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch giải trí cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Xây dựng và phát động Chương trình “Mỗi Vùng du lịch trọng điểm tiến tới mỗi huyện, thành phố một sản phẩm du lịch đặc thù”. Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái ven biển, du lịch biên giới; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch ban đêm; nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo khác.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch đã ký kết với các tỉnh, thành trong nước và mở rộng đến một số tỉnh, thành trong nước đang phát triển du lịch. Đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương ngoài nước đã ký kết; tiếp tục mở rộng ký kết hợp tác, kết nghĩa với một số địa phương nước ngoài có tiềm năng.
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch. Triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan ở các khu du lịch, các đô thị và vùng nông thôn. Nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn. Hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển du lịch phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa phương.
- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch đáp ứng về số lượng và chất lượng cho nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh; đảm bảo tính năng động, chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp, thích nghi nhanh với môi trường công việc. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ…; kết hợp giữa lý thuyết, thực hành và trải nghiệm thực tế. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đào tạo nguồn nhân lực, giúp người lao động có thể chủ động tự học mọi lúc, mọi nơi và tiết kiệm kinh phí; kịp thời nắm bắt, học hỏi xu hướng phát triển du lịch thế giới.
- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... trong hoạt động kinh doanh du lịch, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh.
Ba là, Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp để đẩy nhanh giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại tỉnh. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, tạo tâm lý an tâm cho du khách góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của du lịch Kiên Giang.
Bốn là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân chung tay, góp sức xây dựng môi trường du lịch của tỉnh văn hoá, văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách.
Năm là, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn theo chức năng nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng việc phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, nhất là tuyên truyền, vận động các tổ chức hội, nhân dân tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch.
Sáu là, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Bảy là, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể hoá thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hằng năm báo cáo tình hình, kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban Biên tập