Mấy vấn đề cần quan tâm khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về văn học nghệ thuật

Thứ ba - 28/02/2023 22:39
Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã xây dựng nên một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ nền tảng và sức mạnh văn hóa ấy mà dù có nhiều thời kỳ bị đô hộ, dân tộc ta vẫn giữ vững và phát huy bản sắc của mình, chẳng những không bị đồng hóa mà còn quật cường đứng lên giành độc lập cho dân tộc, lấy sức ta mà giải phóng cho ta.
Tỉnh ủy Kiên Giang họp mặt văn nghệ sĩ, trí thức và người làm báo nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.
Tỉnh ủy Kiên Giang họp mặt văn nghệ sĩ, trí thức và người làm báo nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.
 
Ông cha ta đã đúc kết thành chân lý: “Mất nước thì có dịp lấy lại nước, còn mất văn hóa là mất tất cả”. Bởi văn hóa và văn học nghệ thuật đã chứa đựng cả lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết giữa cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; chức đựng lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; chứa đựng cả đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong cuộc sống.
Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến văn hóa và văn học nghệ thuật. Cách đây 15 năm, ngày 16/8/2008 Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Ngày 14/10/2008, Tỉnh ủy Kiên Giang đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Qua các văn bản của Đảng, đã khẳng định rằng: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. “Tài năng văn học nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực: Nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của văn học nghệ thuật được nâng lên đáng kể. Năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng văn nghệ sĩ từng bước phát triển, hiện nay toàn tỉnh có gần 300 hội viên, trong đó có hơn 80 hội viên các chuyên ngành của Trung ương đang sinh hoạt tại 8 phân hội chuyên ngành. Hằng năm, Thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức nhiều chuyến đi thực tế và tổ chức nhiều cuộc thi cho anh chị em văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Tuy chưa nhiều và chưa nổi bật, nhưng hằng năm, văn nghệ sĩ Kiên Giang cho ra đời hàng trăm tác phẩm của các loại hình: sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, văn nghệ dân gian..., góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Ngày 10/11/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương có Kế hoạch số 215-KH/BTGTW tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Một trong những yêu cầu đặt ra là: thông qua việc tổng kết, tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân với việc xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hiện nay, các cấp ủy, các ngành liên quan trong tỉnh đang chuẩn bị mọi điều kiện để tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Tỉnh ủy. Đánh giá những chuyển biến, những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác văn học nghệ thuật chắc chắn sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc. Nhân dịp này, xin trao đổi mấy vấn đề cần được quan tâm, bàn bạc thảo luận khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Trong Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Tỉnh ủy ngày 14/10/2008 có chỉ đạo: “Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành phải đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương”. Trong thực tế, các cấp ủy và các ngành có thực hiện việc này không và có thường xuyên không, hay chỉ dừng lại ở mảng văn hóa?
“Đưa nội dung văn học nghệ thuật vào giảng dạy trong Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (khi có hướng dẫn của Trung ương)”. Việc này hầu như không có thực hiện, do Trung ương chưa hướng dẫn hay do sự phối hợp giữa hệ thống đào tạo bồi dưỡng với hội văn học nghệ thuật. “Cấp ủy có kế hoạch định kỳ 6 tháng 1 lần làm việc với văn nghệ sĩ (thông qua các tổ chức hội) để nghe phản ánh tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hoạt động tốt”. Phải thừa nhận rằng, nội dung này thời gian qua thực hiện rất hạn chế; có những nội dung đăng ký làm việc với lãnh đạo tỉnh rất lâu nhưng chưa được.
Trong Chương trình hành động số 36-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị có nêu: “Củng cố, kiện toàn Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các chi hội văn học nghệ thuật địa phương, các phân hội chuyên ngành, phấn đấu đến năm 2015 tất cả các huyện, thị đều có chi hội văn học nghệ thuật địa phương và hoạt động có hiệu quả...”. Có thể khẳng định rằng, Hội (trước đây gọi là chi hội) văn học nghệ thuật cấp huyện, thành phố là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người sáng tạo nghệ thuật trên địa bàn, nhằm đoàn kết, tổ chức, động viên, bồi dưỡng lực lượng văn học nghệ thuật ở địa phương, có nhiệm vụ phát hiện, chăm bồi, tạo nguồn bổ sung lực lượng hội viên cho tỉnh và Trung ương, đồng thời làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu các hội cấp huyện là cần thiết. Nhưng thời gian qua, nhiều nơi hội hoạt động rất hạn chế, do nhiều nguyên nhân và nguyên nhân đó là gì, từ phía nào, sắp tới phải như thế nào để hoạt động tốt.
Nhiều tỉnh xung quanh có giải thưởng văn học nghệ thuật cấp tỉnh, 5 năm xét tặng 1 lần, để vinh danh những văn nghệ sĩ có công lớn, có những tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Bến Tre có giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Nguyễn Đình Chiểu; Bình Dương có giải thưởng “Huỳnh Văn Nghệ”; Long An có giải thưởng Nguyễn Thông; Bạc Liêu có giải thưởng Cao Văn Lầu; riêng Cà Mau có giải thưởng Phan Ngọc Hiển và đã 4 lần trao giải, tương ứng với 20 năm.
Học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn, từ năm 2019 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã có tờ trình xin chủ trương thành lập giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Chiêu Anh Các và được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao, Hội Văn học nghệ thuật chuẩn bị các nội dung cần thiết, nhưng đến nay vẫn chưa được chính thức công bố; do đâu, ách tắc ở khâu nào, cần được làm rõ...
Qua việc tổng kết Nghị quyết 23-NQ/TW Bộ Chính trị, thiết nghĩ cũng cần có kiến nghị với Trung ương cần thống nhất một số vấn đề: Ai cũng biết rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có những đóng góp xứng đáng, lăn lộn với chiến trường để quay phim, chụp ảnh và sáng tác phục vụ chiến đấu. Chi hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Rạch Giá ra đời năm 1964, kèm theo đó là tờ Văn nghệ Hương Tràm, là một trong những loại “vũ khí đánh địch” trên mặt trận tư tưởng. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác văn học nghệ thuật. Giữa năm 1977, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập “Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ”, tạp chí Văn nghệ Hương Tràm được đổi thành “Văn nghệ Kiên Giang”. Đến ngày 13/3/1981 tiến hành Đại hội ra mắt Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang và hoạt động cho đến nay. Như vậy, tổ chức văn học nghệ thuật ra đời trong kháng chiến và hoạt động liên tục cho đến nay. Đây là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phải được nhìn nhận, đối xử, quan tâm đến nó như là một tổ chức kế cận với các đoàn thể chính trị - xã hội, thậm chí ngang bằng với các tổ chức này, không nên xếp chung với các hội, như: Hội Sinh viên, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù, Hội Đông y...
Cùng là hoạt động văn học nghệ thuật thì các tỉnh nên thống nhất với nhau: Liên hiệp hội văn học nghệ thuật hay Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; hội cấp huyện của tỉnh An Giang thì được công nhận là hội có tính chất đặc thù, cấp huyện của Kiên Giang thì không được là hội đặc thù; hội một số tỉnh như Bạc Liêu thì được cấp xe con, còn Kiên Giang thì bị thu hồi?...
Nếu được quan tâm, bàn bạc thấu tình, đạt lý những vấn đề đó, trong tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì văn học nghệ thuật Kiên Giang sẽ có động lực mới, tiếp tục phát triển.
Nguyễn Thiện Cẩn
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây