Trong 5 năm qua, mặc dù công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số trường hợp lộ BMNN như: Gửi tài liệu chứa nội dung BMNN qua mạng xã hội; truyền gửi BMNN khi chưa được mã hóa … Việc thực hiện bảo vệ BMNN tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn một số hạn chế có nguy cơ dẫn đến lộ, mất BMNN như: Nhiều cơ quan, ban, ngành địa phương ban hành hoặc áp dụng văn bản không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công tác bảo vệ BMNN; nhận thức của một số cán bộ, công chức về công tác này còn chủ quan, sơ sài, chưa nắm được hệ thống danh mục BMNN thuộc các ngành, lĩnh vực của mình quản lý nên còn lúng túng trong việc xác định, đề xuất độ mật; quy trình soạn thảo, chuyển giao, sao chụp tài liệu thuộc danh mục BMNN chưa đúng quy định; nhiều cơ quan, đơn vị chưa tổ chức tự kiểm tra chấn chỉnh công tác bảo vệ BMNN…
Nguyên nhân những hạn chế trên do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ BMNN còn thiếu kiểm tra chấn chỉnh, chủ yếu giao việc cho cán bộ kiêm nhiệm. Cán bộ làm công tác bảo vệ BMNN chưa đầu tư nghiên cứu nắm vững các quy định, nhận thức có phần còn hạn chế; nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN. Việc kiểm tra, xử lý các sai phạm, thiếu sót trong bảo vệ BMNN chưa quyết liệt, chưa đủ răn đe…
Để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần lưu ý một số điểm sau đây:
1. Những văn bản hướng dẫn hiện hành trong thực hiện công tác bảo vệ BMNN
- Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ BMNN.
- Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ BMNN.
- Quy chế số 06-QC/TU ngày 17/8/2021 của Tỉnh ủy Kiên Giang về bảo vệ BMNN của Tỉnh ủy Kiên Giang.
- Quyết định 2523/QĐ-UBND ngày 28/10/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành Quy chế bảo vệ BMNN tỉnh Kiên Giang.
- Công văn 324/UBND-NC ngày 6/3/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên giang về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định về bảo vệ BMNN.
- Danh mục BMNN trên các lĩnh vực theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1180/QĐ-TTg ngày 4/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục BMNN thuộc Viện kiểm sát nhân dân; Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 3/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục BMNN của Đảng…).
2. Những hành vi bị nghiêm cấm và mức xử phạt đối với những hành vi phạm quy định về bảo vệ BMNN
Điều 5 Luật bảo vệ BMNN quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ BMNN”. Mức xử phạt vi phạm hành chính: Tại Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình” quy định mức xử phạt đối với các hành vi “
Vi phạm quy định về bảo vệ BMNN”, trong đó phạt tiền từ 1.000.000đồng đến 30.000.000 đồng tùy theo hành vi vi phạm.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 337 tội cố ý làm lộ BMNN, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu BMNN; Điều 338 tội vô ý làm lộ BMNN, tội làm mất vật, tài liệu BMNN; hoặc Điều 110, Điều 286, Điều 287, Điều 289, Điều 399, Điều 400 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung sửa đổi năm 2017).
3. Quy trình soạn thảo và phát hành, tiếp nhận văn bản có chứa BMNN
Căn cứ theo khoản 5, Điều 5, Luật Bảo vệ BMNN thì các văn bản có chứa BMNN phải được soạn thảo trên máy tính độc lập (không kết nối bất kỳ mạng máy tính nào), trừ trường hợp theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Điều 10 Luật Bảo vệ BMNN và khoản 1 Điều 2 Nghị định 26/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định việc xác định BMNN và độ Mật của BMNN:
“1. Việc xác định BMNN và độ mật của BMNN phải căn cứ vào danh mục BMNN và quy định của Luật này.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định BMNN, độ mật, phạm vi lưu hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa BMNN. Trường hợp sử dụng BMNN của cơ quan, tổ chức khác thì phải xác định độ mật tương ứng. Trường hợp thông tin trong cùng một tài liệu, vật chứa BMNN thuộc danh mục BMNN có độ mật khác nhau thì xác định theo độ mật cao nhất…”.
Khi soạn thảo văn bản có chứa BMNN, người soạn thảo phải căn cứ Danh mục BMNN đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành để xác định các cấp độ Mật cho văn bản (Tuyệt Mật, Tối Mật, Mật). Hiện có 35 danh mục BMNN đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành, tùy theo từng lĩnh vực như: lĩnh vực thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; lĩnh vực giáo dục - đào tạo; lĩnh vực nội vụ…
Căn cứ nội dung văn bản thuộc danh mục BMNN, người soạn thảo phải đề xuất độ Mật trình người có thẩm quyền ký. Việc đề xuất độ Mật phải được xác định tại “Phiếu đề xuất độ Mật” (biểu mẫu kèm theo Quyết định 2523/QĐ-UBND ngày 28/10/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành Quy chế bảo vệ BMNN tỉnh Kiên Giang), chú ý căn cứ xác định (điều, khoản, điểm theo Quyết định ban hành danh mục BMNN của Thủ tướng Chỉnh phủ).
Về thẩm quyền xác định BMNN và độ Mật của BMNN, theo quy định của Luật, cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan tổ chức cũng có trách nhiệm xác định BMNN và độ Mật của BMNN đối với thông tin thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Trường hợp ký thừa lệnh, thừa ủy quyền, hoặc ký thay mặt phải có văn bản đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định BMNN và độ mật của BMNN.
Đối với dự thảo văn bản có chứa nội dung BMNN khi chưa được người có thẩm quyền quyết định độ Mật và ký ban hành thì không đóng dấu chỉ độ Mật trên dự thảo văn bản. Theo đó, khi gửi dự thảo phải có văn bản yêu cầu nơi nhận có trách nhiệm bảo vệ nội dung dự thảo, bảo đảm không để xảy ra lộ, mất BMNN.
Khi phát hành văn bản có chứa nội dung BMNN, tất cả văn bản BMNN đã được người có thẩm quyền ký (kể cả bản lưu tại văn thư) đều phải đóng dấu “BẢN SỐ…” theo thứ tự từ 01 đến bản cuối cùng để quản lý số lượng tài liệu mật đã ký, ban hành.
Tại mục “Nơi nhận” của tài liệu, phải thể hiện nội dung “Được phép hoặc Không được phép sao chụp”. Việc áp dụng quy định “Được phép hoặc Không được phép sao chụp” nhằm hạn chế việc sao chụp tùy tiện dẫn đến lộ, mất BMNN. Theo đó, nội dung “Không được phép sao chụp tài liệu, vật chứa BMNN” được áp dụng trong trường hợp BMNN có độ Mật cao (như Tuyệt Mật) để hạn chế tối đa người tiếp cận và không sao chụp vẫn có thể triển khai nội dung BMNN.
4. Quy trình sao chụp tài liệu, vật chứa BMNN
Khi thực hiện sao chụp văn bản có nội dung BMNN, đơn vị tiếp nhận xem văn bản có được sao chụp hay không tại dòng cuối cùng của phần “Nơi nhận”; phân công cán bộ sao chụp.
Sau khi được người có thẩm quyền cho phép (mẫu dấu số 09 Thông tư 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/3020), người được giao sao chụp đúng số bản cho phép và tiêu hủy ngay bản dư thừa, bản hỏng. Tiến hành sao chụp tại nơi bảo đảm an toàn.
Thực hiện thủ tục đóng các loại dấu lên bản sao (Mẫu số 11 Thông 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/3020). Đối với bản chụp phải có văn bản ghi nhận việc chụp (Mẫu số 13 Thông tư 24/2020/TT-BCA).
Ghi nhận vào “Sổ quản lý sao chụp BMNN” (Mẫu số 12 Thông tư 24/2020/TT-BCA).
Chuyển giao văn bản bằng sổ chuyển giao BMNN (Mẫu số 16 Thông tư 24/2020/TT-BCA).
5. Điều chỉnh độ Mật
Là việc tăng, giảm độ Mật đã được xác định của BMNN. Việc điều chỉnh độ Mật phải căn cứ vào danh mục BMNN. Quy trình thực hiện căn cứ Điều 21 Luật Bảo vệ BMNN.
6. Quy trình giải mật, tiêu hủy BMNN
Thực hiện theo Điều 22, Điều 23 Luật Bảo vệ BMNN.
Để thực hiện tốt, có hiệu quả và đạt chất lượng của công tác bảo vệ BMNN, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang cùng có trách nhiệm; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN, như: chấp hành nghiêm túc việc tiếp nhận, thống kê, lưu giữ, bảo quản; việc vận chuyển, giao nhận; việc soạn thảo, in, sao, chụp văn bản tài liệu chứa BMNN (nghiêm cấm việc soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa thông tin, tài liệu chứa BMNN trên các thiết bị có kết nối mạng Internet). Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải kịp thời chỉ đạo, quán triệt các đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN; thường xuyên thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về bảo vệ BMNN. Phân công cán bộ thực hiện công tác bảo vệ BMNN và có chế độ, chính sách theo quy định.
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Kiên Giang