Côn Đảo từ “địa ngục trần gian” thành "Viên ngọc xanh"

Thứ ba - 29/04/2025 14:16
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Côn Đảo (01/5/1975 - 01/5/2025) là dịp để mỗi người dân Việt Nam thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc và tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời nhìn lại những đổi thay, phát triển của Côn Đảo sau nửa thế kỷ.
Một góc Côn Đảo nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam
Một góc Côn Đảo nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam
Côn Đảo, là quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi từng được mệnh danh là "địa ngục trần gian", là nơi giam cầm và tra tấn dã man hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước. Nơi đây đã chứng kiến những tội ác tày trời của thực dân, đế quốc nhưng đồng thời cũng là nơi hun đúc ý chí kiên cường, bất khuất của những người cộng sản và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần "thép" của các chiến sĩ cách mạng, Côn Đảo đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1862, Côn Đảo trở thành nơi xây dựng nhà tù lớn nhất Đông Dương, nơi giam giữ và tra tấn hàng vạn chiến sĩ cách mạng, với nhiều công trình như nhà giam Phú Hải, Chuồng Cọp. Trong suốt 113 năm (1862-1975), nhà tù Côn Đảo trở thành biểu tượng cho sự khốc liệt của chế độ thực dân. Nhiều lãnh đạo cách mạng nổi tiếng từng bị giam giữ tại đây, như Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng…
Năm 1932, Chi bộ đặc biệt tại Banh I ra đời, đánh dấu một bước ngoặt mới, với những cuộc tuyệt thực và phản kháng do Ngô Gia Tự, Nguyễn Hới cùng đồng đội lãnh đạo. Những cuộc vượt ngục táo bạo của Cửu Cai Trần Hoành và Nguyễn An Ninh, thể hiện tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường.
Tháng 8/1950, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo được thành lập tại Banh II, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của tù nhân chính trị. Trong điều kiện giam cầm khắc nghiệt, các tù nhân chính trị đã không ngừng vận động, tổ chức học tập, tuyên truyền lý tưởng cách mạng, sử dụng sách, từ điển hay các vật dụng sáng tạo như “túi nhái” để duy trì sự kết nối và tiếp tục con đường đấu tranh. Đối mặt với những hình thức tra tấn tàn bạo, nhưng các tù nhân đã tổ chức các phong trào chống lại chính quyền, đòi quyền lợi và bảo vệ danh dự. Dưới sự lãnh đạo của những chiến sĩ kiên trung, nhiều phong trào đấu tranh mạnh mẽ đã góp phần làm lung lay nền tảng thống trị của kẻ thù. Tiêu biểu là phong trào chống li khai, chống chào cờ, chống lăn tay tráo án, chống chính quyền… Dù phải đối mặt với muôn vàng khó khăn, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên quyết phản đối, giữ vững khí tiết và lòng trung thành với lý tưởng cộng sản.
Côn Đảo được giải phóng cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 - 30/4/1975)
Sau một tháng Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện cả về chính trị và quân sự. Trong khi đó, địch bị mất toàn bộ Quân khu 1, Quân khu 2, một nửa sinh lực của Quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt, rơi vào tình thế đi đến tan rã hầu như không cứu vãn nổi. Chúng ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể làm điều kiện mặc cả đối với ta. Sau khi lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa nhưng đều bị ta đập tan; quân đội ngụy Sài Gòn tập trung xây dựng tuyến phòng thủ cuối cùng là Sài Gòn - Gia Định.
Từ nhận định dù Mỹ có chi viện cũng không cứu vãn được sự sụp đổ của quân ngụy, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể để chậm. Ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra lệnh động viên “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời gian từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”[1]. Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cùng với giải phóng trên đất liền, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh nghiên cứu thời cơ để giành lại chủ quyền các đảo, quần đảo do quân đội ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở biển Đông, đây là phần lãnh thổ rất quan trọng, có vị trí chiến lược về quân sự và kinh tế không thể tách rời của Tổ quốc. Ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975.
Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Ngày 01/5/1975, Côn Đảo chính thức được giải phóng. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của chế độ cai trị tàn bạo, trả lại tự do cho những người yêu nước. Sự kiện giải phóng không chỉ là chiến thắng của lực lượng cách mạng, mà còn là biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vươn lên của dân tộc Việt Nam.
Sau ngày giải phóng, Côn Đảo đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một hòn đảo hoang sơ, khắc nghiệt, xa đất liền Côn Đảo ngày nay đã trở thành điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng, được mệnh danh là "Viên ngọc xanh" của Tổ quốc. Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, những bãi biển trong xanh, những khu rừng nguyên sinh đa dạng, Côn Đảo thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Côn Đảo được công nhận là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích nhà tù Côn Đảo không chỉ là nơi bảo tồn ký ức về quá khứ đau thương mà còn là trường học giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Côn Đảo, với truyền thống cách mạng bất khuất và lòng yêu nước, xứng đáng là một biểu tượng của lịch sử Việt Nam.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm ngày giải phóng Côn Đảo là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, từ những mất mát, đau thương, làm nên những thành tựu vẻ vang, trở thành động lực để Côn Đảo góp phần cùng cả nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển mạnh mẽ của đất nước.
                                                                                          Vương Khuê
   
 
[1] Mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện số 157-H-TK, số lưu 450/ĐB - Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây