Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã khẳng định: “Ưu tiên đầu tư phát triển GDĐT đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cụ thể hoá: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đối với phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi, văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào DTTS”; “Có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS”.
Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành GDĐT tỉnh, chất lượng giáo dục học sinh DTTS của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học 2023-2024, độ tuổi mẫu giáo 5.027 cháu, tỷ lệ 11%; độ tuổi tiểu học 24.702 người, tỷ lệ 15%; độ tuổi trung học cơ sở 12.799 người, tỷ lệ 13%; độ tuổi trung học phổ thông 12.779 người, tỷ lệ 13%. Là một tỉnh có đông học sinh DTTS, nên ngành GDĐT tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn.
Cụ thể: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao vai trò, trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền; vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, hạn chế học sinh nghỉ học, bỏ học; tăng cường giáo dục lý tưởng, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc... Rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp hợp lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người học; huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học vùng đồng bào DTTS (các huyện Giang Thành, Gò Quao, Châu Thành) và các trường phổ thông dân tộc nội trú Giồng Riềng, An Biên, Châu Thành, Gò Quao, Hà Tiên. Chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo; ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS, các trường phổ thông dântộc nội trú.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục vùng DTTS,vùng biên giới, hải đảo; thực hiện tốt kiểm tra đánh giá, phát huy sáng tạo, tự học, vận dụng vào thực tiễn của người học; tăng thời lượng dạy học, dạy bồi dưỡng. Tổ chức tốt các phong trào thi đua trong toàn ngành; chú trọng tôn vinh tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và học sinh người DTTS có thành tích xuất sắc. Triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và học sinh các cấp; tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các chính chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh.
Vì vậy, chất lượng giáo dục học sinh DTTS các cấp học được nâng lên, trong đó tỷ lệ học sinh DTTS cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có học lực khá, giỏi tăng đáng kể. So sánh cấp trunghọc cơ sở năm học 2022-2023 với tổng số học sinh 97.510 (trong đó 13.497 học sinh DTTS), tỷ lệ họcsinh có học lực khá, giỏi người DTTS là 5.190 em và năm học 2023-2024 với tổng số học sinh105.114 (trong đó 14.693 học sinh DTTS), tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi người DTTS là 6.194 em. So sánh cấp trung học phổ thông năm học 2022-2023 với tổng số học sinh là 38.885 (trong đó 3.935 học sinh DTTS), tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi người DTTS là 2.162 em và năm học 2023-2024 với tổng số học sinh là 39.574 em (trong đó có 4.115 học sinh DTTS), tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi người DTTS là 2.366 em. Tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp trung học phổ thông duy trì ổn định, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024 là 100%.
Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng còn khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: địa bàn rộng, dân cư phân tán, vùng DTTS còn nhiều điểm trường lẻ. Tỷ lệ huy động trẻ DTTS độ tuổi nhà trẻ ra lớp còn thấp. Đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học chưa đáp ứng về số lượng theo định mức; nhiều giáo viên chưa biết tiếng DTTS, ít am hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu. Đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn, nên điều kiện để chăm lo cho học tập của học sinh hạn chế...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, thời gian tới, ngành GDĐT tỉnh tập trung thực hiện trọng tâm một số nội dung cơ bản sau: Ưu tiên đầu tư vùng có đông đồng bào DTTS; thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp các các cơ sở giáo dục vùng DTTS; củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; đẩy mạnh xã hội hoá. Triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục ở các cơ sở giáo dục vùng DTTS…
Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh. Đây là vấn đề vừa cấp thiết, vừa lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng không chỉ của ngành GDĐT mà của cả hệ thống chính trị.
TS. Thiều Văn Nam
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang