Kiên Giang hướng dẫn nhận diện và khắc phục các biểu hiện “sợ trách nhiệm, không dám làm”

Chủ nhật - 31/03/2024 18:21
Thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, các tổ chức đảng có biểu hiện “sợ trách nhiệm, không dám làm”. Trong khi đó, nhận thức của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên về biểu hiện này và áp dụng các quy định có liên quan để xử lý vi phạm còn khác nhau, lúng túng. Từ đó, tác động tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân, gây dư luận xấu trong xã hội.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Để khắc phục tình trạng trên, giúp các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị nhận diện rõ các biểu hiện “sợ trách nhiệm, không dám làm” và các quy định có liên quan để áp dụng xử lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn nhận diện. Trên cơ sở đó, ngày 27/2/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 86-HD/BTGTU, về nhận diện và xử lý các vi phạm.
Hướng dẫn chỉ ra nội dung của “trách nhiệm”: Là nghĩa vụ mà cán bộ, đảng viên phải gánh vác, nếu không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể,quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, đơn vị.
Những người mắc “Bệnh sợ trách nhiệm”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút”.
Biểu hiện “Bệnh sợ trách nhiệm”:
- Người sợ trách nhiệm thường làm việc cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ.
- Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát, không thể hiện chính kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn cá nhân của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân, các đồng chí này thường dựa vào lý do chưa có chỉ thị, quy định... của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động.
 - Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể mà không làm, trì hoãn, kéo dài việc thực hiện công việc; người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” với các đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị, với cấp trên và cả cấp dưới.
Biểu hiện “Không dám làm”: Là không dám chỉ đạo; không dám quyết định; không làm, làm không đúng, không đầy đủ; chần chừ, do dự; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cản trở người khác làm.
Nguồn gốc chủ yếu của bệnh “Sợ trách nhiệm, không dám làm” là chủ nghĩa cá nhân, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; tinh thần, trách nhiệm, ý thức phục vụ lợi ích chung, phục vụ Nhân dân của cán bộ, đảng viên thấp kém.
Hậu quả của bệnh “Sợ trách nhiệm, không dám làm” là gây trở ngại cho công tác của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, làm cho công việc bị trì trệ, ách tắc, giậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không được phát huy, những nhược điểm và khuyết điểm không được khắc phục kịp thời, làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao; ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tâm tư, tình cảm và niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Nguyên nhân khách quan của bệnh “Sợ trách nhiệm, không dám làm” là một số quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của đoàn thể đối với một số vấn đề cụ thể chưa đầy đủ, chưa cụ thể, chưa rõ nội dung công việc phải làm; chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm thực hiện; chưa quy định cụ thể việc phối hợp, cách thức tiến hành, quy trình, thủ tục thực hiện, thời gian thực hiện; trách nhiệm cụ thể nếu không thực hiện, thực hiện không đúng, đùn đẩy, né tránh.
Nguyên nhân chủ quan là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ; bản lĩnh chính trị không vững vàng; tinh thần trách nhiệm kém; sợ sai, sợ bị kỷ luật, ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp; không tiêu biểu, gương mẫu trong việc dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hy sinh vì lợi ích chung.
Đồng thời, Hướng dẫn đã trích dẫn một số quy định có liên quan đến xử lý hành vi "Sợ trách nhiệm, không dám làm”, bao gồm:
Một là, một số hành vi chủ yếu vi phạm quy định tại Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung ương Đảng quy định về những điều đảng viên không được làm, bao gồm: Nói, viết, làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; thiếu trách nhiệm để xảy ra và không xử lý tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác,…
Hai là, vi phạm quy định tại các điều, khoản của Quy định số 197-QĐ/TU ngày 6/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bao gồm: Không sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không tâm huyết, tận tụy với công việc; không tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách. Thực hiện không đúng các quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; thiếu năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thiếu tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Không nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Không gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác,…
Ba là, vi phạm Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, bao gồm: Những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ.
Bốn là, vi phạm Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bao gồm: Vi phạm việc ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; vi phạm quy định về phòng, chống tội phạm; vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định các quy định thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội,…
Năm là, vi phạm Nghị định 112/2020/NĐ-CP, ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 71/2023/NĐ-CP, ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: Vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức,…
Sáu là, vi phạm tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm: Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam đang chấp hành án phạt tù trốn; tội chấp hành không nghiêm mệnh lệnh; tội cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở nội dung Hướng dẫn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai quán triệt nghiêm túc, sâu rộng trong các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên và nghiên cứu, áp dụng quy định trong từng trường hợp cụ thể. Qua đó, giúp nâng lên chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên; đồng thời góp phần thực hiện tốt Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 của tỉnh: “Cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương; khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm”.
Nguyễn Thanh Phong
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây