Xây dựng và củng cố thế trận lòng dân để đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở

Thứ hai - 31/07/2023 16:10
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân là nền tảng, sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự”. Quán triệt quan điểm của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Biên phòng Cửu khẩu Cảng Dương Đông tuyên truyền ngư dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Ảnh: Đình Thành
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Biên phòng Cửu khẩu Cảng Dương Đông tuyên truyền ngư dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Ảnh: Đình Thành
 
Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị khoá XIII về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, nêu rõ: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị”. Trong đó, lực lượng vũ trang có trách nhiệm: “Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân”.
Vì vậy, công tác dân vận của lực lượng vũ trang luôn chú trọng hướng về cơ sở, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tham mưu, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tổ chức thực hiện. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực; nhiều mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng và duy trì hiệu quả trên các lĩnh vực... Từ đó, góp phần củng cố niềm tin và sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng công an, quân đội; huy động được sức mạnh tổng hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
 Tuy nhiên, công tác dân vận của lực lượng vũ trang còn một số hạn chế: Việc nắm tình hình nhân dân có nơi, có lúc chưa sâu sát, nhất là những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự; một số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo bị các thế lực thù địch, phần tử xấu kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp giữa địa phương và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn trong tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật có thời điểm chưa tốt. Công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền giải quyết một số vụ việc xảy ra tại cơ sở có lúc chưa kịp thời…
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Để xây dựng và phát huy thế trận lòng dân ngay từ cơ sở, thì lực lượng vũ trang có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực thi pháp luật, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo. Cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đột phá để nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để người dân tin tưởng, gắn bó sâu sắc hơn với cấp uỷ, chính quyền và lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn.
Hai là, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị đối với công tác dân vận và xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm của Đảng về công tác dân vận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị khoá XIII về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc về xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy, nhất là cán bộ chủ trì cơ quan quân sự trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung, hình thức, biện pháp dân vận. Thường xuyên đổi mới các hình thức dân vận, nhất là tổ chức các hoạt động kết nghĩa, hành quân dã ngoại, tổ đội công tác tăng cường cho cơ sở. Chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết đúng những vấn đề nảy sinh, không để lây lan, phát triển trở thành điểm nóng, phức tạptrong nhân dân.
Bốn là, phải lựa chọn, bố trí những cán bộ có đức, có tài, gương mẫu, nói đi đôi với làm, công tâm, khách quan tham gia làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; kịp thời giải quyết những khiếu nại, tố cáo và những bức xúc của nhân dân. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc của nhân dân; hoặc lợi dụng công việc được giao để tham ô, nhận hối lộ và các hành vi tiêu cực khác.
Năm là, cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm Biên phòng, Công an xã, phường, thị trấn, cảnh sát khu vực phải phối hợp tốt với cán bộ dân vận, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội luôn bám sát cơ sở, địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là trên các địa bàn biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, đồng bào tôn giáo. Qua đó, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân; động viên, sẻ chia, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn; xây dựng, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân.
Sáu là, phát động rộng rãi và đi vào chiều sâu các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, nhất là trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh tố giác tội phạm... Phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo để tiến hành công tác vận động quần chúng.
Bảy là, chủ động, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” của kẻ địch; không để các thế lực thù địch, phần tử xấu kích động, lôi kéo nhân dân gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kịp thời dự báo những nguy cơ có thể xảy ra “điểm nóng” để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn…    
Các cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trên, sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và tăng cường thế trận lòng dân, đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
Nguyễn Thanh Phong
Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây