Sự tích cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, sinh trăm trứng, nở ra trăm người con. Về 18 đời Vua Hùng, trị vì 2000 năm trước Công nguyên, tính ra mỗi một đời vua ở ngôi đến hơn trăm năm. Đó là giai thoại, là truyền thuyết. Vấn đề là, ai cũng biết là truyền thuyết, nhưng ai cũng tin. Trên thế giới, có đất nước nào khởi thủy từ truyền thuyết như thế không? Vậy mà triệu triệu người dân con Lạc, cháu Hồng vẫn tin, vẫn coi đó là mạch nguồn thiêng liêng trong suốt chiều dài lịch sử. Hơn thế nữa, nó đã trở thành cội nguồn của sức mạnh dân tộc Việt suốt hàng ngàn năm. Việt Nam, đất nước của những huyền thoại, hào khí của những anh hùng, liệt nữ, suốt chiều dài 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Suốt dòng chảy lịch sử đó, có những dấu ấn không thể quên:
Năm 218 trước Công nguyên, Vua Âu Lạc là An Dương Vương, đã lãnh đạo nhân dân đánh tan 50 vạn quân Tần, do Đồ Thư chỉ huy xâm lược nước ta. Đây là chiến công đầu trong triều đại 50 năm của Nhà Thục
Những thập kỷ đầu thế kỷ thứ I sau Công nguyên, nước Việt bị sự cai trị vô cùng hà khắc của phong kiến phương Bắc. Nhưng tinh thần quật khởi đã in đậm qua từng mốc son. Năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đoạt 65 thành, đuổi quân Hán, giành độc lập cho đất nước. Năm 248, Bà Triệu Ẩu khởi binh với khí khái liệt nữ đất Việt. Gần 300 năm kế tiếp sau đó, các cuộc khởi nghĩa giành độc lập liên tiếp nổ ra của Lý Nam Đế, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Triệu Quang Phục, Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ rồi đến chiến công của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán xâm lược năm 938. Dấu ấn của trận Bạch Đằng Giang với những cọc gỗ bọc đồng chứng tích còn đến ngày nay.
Với quốc hiệu “Đại Cồ Việt”, rồi mấy trăm năm “Đại Việt” của các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, mà mở đầu là năm 1.010 Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long... Tấm gương liệt nữ Dương Vân Nga, dẹp lợi riêng, đứng ra lập Lê Hoàn lên ngôi vua. Với Lý Thường Kiệt lãnh đạo quân dân Đại Việt quét sạch quân Nguyên và đưa ra tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất qua bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”. Đến Trần Hưng Đạo mà những chiến công như huyền thoại đại phá quân Tống, quét sạch bóng quân Nguyên, rồi đến quân Nguyên - Mông. Người anh hùng áo vải Lê Lợi đất Lam Sơn khởi nghĩa đuổi giặc Minh và tấm gương hy sinh cứu chủ tướng của Lê Lai.
Trong nhiều thời điểm của chuỗi dài lịch sử dân tộc, khi đất nước phải tập trung chống giặc cứu nước, đã xuất hiện những tấm gương hào khi dũng liệt. Là Bà Triệu Ẩu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn...”. Đó là khí phách của của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc”. Là khẳng định lịch sử của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người 3 lần cầm quân đánh thắng quân phương Bắc xâm lược, đã trả lời với vua Trần Nhân Tông: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”. Và cũng là khí phách của Trần Thủ Độ trước quốc nạn quân Nguyên xâm lược, đã khẳng khái trả lời nhà vua Trần: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì bệ hạ đừng lo”. Là chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân kéo chạy về nước. Trận Bạch Đằng Giang năm 1.288, đã làm quân Nguyên - Mông xâm lược phải vỡ mật kinh tâm, đến nỗi Thoát Hoan không dám đi đường cái, mà phải chạy theo đường tắt trong rừng về nước.
Sức mạnh dân tộc lại hội tụ ở “Hội thề Đông Quan” trước khi Lê Lợi xuất quân chống giặc Minh. Là áng văn “Bình Ngô đại cáo”, một “tuyên ngôn độc lập thứ hai”, do Nguyễn Trãi soạn, khi nghĩa quân Lam Sơn đuổi xong giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước nhà, sau 10 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ. Dấu chân mở đất, bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông còn in đậm trên mọi nẻo đường tiến quân diệt ngoại xâm, dẹp nội loạn để bảo vệ vẹn toàn cương vực đất nước và hoàn tất bản đồ Đại Việt hùng cường trong suốt 255 năm.
Cuối thế kỷ thứ 18, sức mạnh của dân Việt lại thể hiện ở thế thác lũ sóng trào của quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của tài năng quân sự kiệt xuất Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, cưỡi voi trận dẫn quân xông lên diệt giặc Thanh ở Thăng Long, khiến cho 20 vạn quân xâm lược tán đởm kinh tâm, phải chen nhau qua cầu phao mà chạy về nước, đến nỗi cầu bị gãy, chúng bị rơi xuống sông Hồng mà chết như rạ.
Trong nửa cuối thế kỷ 19 và 3/4 thời gian của thế kỷ 20, đất nước và dân tộc Việt Nam đã phải đứng lên chống lại sức mạnh xâm lược và âm mưu nô lệ của 3 thế lực ngoại bang hùng mạnh, một kẻ cận kề, hai kẻ từ nửa vòng trái đất. Giai đoạn lịch sử nầy, đó là tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái, sức nóng của cây đuốc sống Lê Văn Tám lao vào kho xăng của giặc, giây phút Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai. Khí phách Việt đâu chỉ trên chiến trận, mà còn là những dòng chữ viết bằng máu trên bức tường ngục Sơn La, Kon Tum, Bà Rá, địa ngục trần gian Côn Đảo, tại giam tù binh Phú Quốc, của những tử tù trước khi bị địch đem ra xử bắn: “Các đồng chí, chúng tôi đi đây. Các đồng chí hãy giữ vững khí tiết, hãy giữ vững lòng tin ở chiến thắng cuối cùng của chúng ta”. Là khí phách Võ Thị Sáu, đã cất tiếng hát trước lúc ra pháp trường. Là câu nói của Nguyễn Văn Trỗi trước họng súng giặc: “Hãy nhớ lấy lời tôi, đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo quân xâm lược”. Là nỗi đau và căm thù Chợ Được, Vĩnh Trinh, Sơn Mỹ. Là tiếng cười của Võ Thị Thắng trước phiên tòa của giặc. Và câu nói giản dị, dân dã, nhưng đầy khí phách Việt Nam của chị Út Tịch, người nữ anh hùng đất Nam bộ: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, Nguyễn Viết Xuân đã dõng dạc ra lệnh cho khẩu đội: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Là dáng đứng Việt Nam của anh Giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhứt trong Xuân Mậu Thân 1968. Là tiếng pháo cao xạ trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Là sự đảo ngược câu “Dạy cho Việt Nam một bài học”, trở thành “Học ở Việt Nam một bài học trong thế kỷ 20”.
Khí phách Việt Nam là kết tinh của tinh khí núi sông và chí khí anh hùng bao thế hệ người con dân Việt. Khí phách đó, hào khí đó, đâu chỉ của vua quan, quân lính, của các học sỹ, sinh đồ, mà còn là của những con người rất bình thường trước kẻ xâm lược. Đó là khí phách Bạch Đằng Giang, Hàm Tử, Xương Giang, Đông Đô, Chương Dương, Chi Lăng, Tây Kết, Vạn Kiếp, ở Thăng Long 1789, là 59 ngày đêm nằm hầm cơm vắt trên chiến hào Điện Biên Phủ, là những nông dân bước từ đồng ruộng lên những chiếc MIG hiện đại bắn rụng Thần Sấm, Con Ma của Mỹ. Rồi sau chiến thắng, thanh thản trở về bên thửa ruộng nương khoai. Khí phách những bà mẹ âm thầm đào địa đạo Củ Chi làm cho “Nơi hầm tối là nơi sáng nhứt, nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam”, những bà mẹ Bàn Cờ canh giữ bước chân cảnh sát dã chiến Sài Gòn lùng sục bắt lính, là tiếng cuốc san lấp đường cho xe qua vào chiến trường của 10 cô gái Đồng Lộc. Đó là 81 ngày đêm quân Giải phóng giữ thành cổ Quảng Trị, nơi sắt thép tan chảy, nhưng con người vẫn đứng vững. Là tượng đồng của những Giải phóng quân ở các “chảo lửa” Khe Sanh, Vĩnh Linh, Hàm Rồng, Buôn Ma Thuột, cầu Rạch Chiếc ngày 30/4/1975. Quân xâm lược, dù ở một nước liền đất liền sông với nước Việt, hay cách nửa vòng trái đất như Pháp hay Mỹ, khi đến thì trống giong cờ mở; khi về thì chạy trối chết, hay lặng lẽ cuốn cờ không một kẻ tiễn chân.
Trên thế giới, để chống lại quân xâm lược, mỗi nước đều có cách đánh riêng. Cuộc chiến diễn ra hầu hết là trên mặt đất, mặt nước, trên không hoặc trên biển. Nhưng ở Việt Nam thì lại thêm trận địa dưới lòng đất, và đặc biệt là có sự tham gia của những sinh vật bé nhỏ - con ong vò vẽ của anh Ba Ca ở đất Bến Tre trong những năm đánh Mỹ.
4 ngàn năm, là một chuỗi dài những đỉnh cao chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Nhưng có lẽ, những tháng năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là đỉnh cao của những đỉnh cao, hào khí của những chiến công chấn động địa cầu, đưa Việt Nam trở thành ngọn cờ về niềm tin, tấm gương cho nhiều dân tộc trên thế giới ngưỡng mộ và noi theo.
Hào khí đó đâu chỉ ở những lãnh tụ dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, ở những tướng lãnh như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Bình, Văn Tiến Dũng, Đồng Sỹ Nguyên, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn..., mà còn ở những trí thức hội tụ tinh hoa trí tuệ của đất nước như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, những nhà tu hành dấn thân như linh mục Võ Thành Trinh, Giáo tông Cao Đài Nguyễn Ngọc Tương. Những học sinh, sinh viên như Trần Văn Ơn, Lê Quang Vịnh, Võ Thị Thắng... Đây nữa, những điệp báo viên tài năng, từng làm cho bộ máy Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam điêu đứng như Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Mười Hương... và còn bao nhiêu chiến sĩ tình báo, biệt động khác thầm lặng giấu mình, kiên gan chiến đấu trong hang ổ địch, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tính mạng, cuộc đời cho cách mạng cho Tổ quốc.
Là kết tinh tinh hoa trí tuệ, sức mạnh và bản lĩnh Việt Nam qua chiều dài lịch sử 4 ngàn năm dồn lại, của một thời khắc sinh tử trong chiều dài 20 năm Việt Nam đánh Mỹ, qua lời kêu gọi mang dấu ấn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đep hơn”. Đó là một kết luận, một mục tiêu muôn thuở của Việt Nam, là chân lý muôn đời của cả nhân loại, chớ đâu riêng của Việt Nam. Điều đó đã đưa Việt Nam trở thành ngọn cờ tiêu biểu, thành sức mạnh hiệu triệu đến hàng tỷ người trên toàn hành tinh này đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.
Là những người con dân nước Việt, vì lịch sử hào hùng của dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước, chúng ta hãy chung sức, chung lòng, đoàn kết triệu người như một, chung quanh Đảng quang vinh, quyết cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách, đưa đất nước ta trở thành một đất nước cường thịnh, sánh vai cùng các nước, các dân tộc trên thế giới, như lời Bác Hồ kính yêu đã dặn dò chúng ta trước lúc Người đi xa: “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Lâm Nghĩa Sỹ