Với sự phát triển, tác động mạnh mẽ của công nghệ, thông tin, viễn thông, trí tuệ nhân tạo, không gian mạng đã trở thành vùng “lãnh thổ đặc biệt” để các quốc gia khai thác, phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc. Theo xu hướng đó, internet hiện nay là mặt trận và chiến trường chính của công tác tư tưởng. Có thể thấy, các nội dung trên mạng xã hội hiện nay chủ đạo là tích cực, nhân văn, tiến bộ, nhưng còn rất nhiều nội dung tiêu cực, xấu, độc, phản văn hóa.
Với khoảng 70 triệu dân Việt Nam dùng mạng xã hội thì đây thực sự là một xã hội thực trên không gian mạng. Cùng với việc phải đổi mới toàn diện phương thức tuyên truyền, lan tỏa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mọi người hiểu, đồng thuận và thực hiện; nếu chúng ta không kiểm soát tốt, không vượt qua và chiến thắng cái xấu, cái ác, tiêu cực trên không gian mạng, thì đó là nguy cơ trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Hiện nay, theo thống kê, khảo sát, mỗi người mỗi ngày dành khoảng 6 giờ xem mạng, trong đó 2,5 giờ xem đủ thứ, kể cả những thông tin nhạy cảm, phức tạp (thường gọi là tin xấu, độc hại). Thực tế là, tin xấu, độc lan truyền nhanh gấp 7 lần tin thường. Các vụ bạo loạn ở Pháp, biểu tình phản đối ở nhiều nước châu Âu gần đây và thực tế một số vụ việc đã xảy ra ở nước ta cho thấy sức mạnh lan truyền khủng khiếp các thông tin xấu, độc, bạo lực trên mạng xã hội.
Nói xấu người nổi tiếng, nói xấu lãnh đạo trở thành nguồn thu cao vì có nhiều người xem. Ví vụ như: K.B khi chưa bị bắt, với những kiểu hành xử bạo lực, vô văn hóa trên mạng của anh ta, do có nhiều người xem nên được Youtube trả 450 triệu mỗi tháng. Một số người có kiểu hành sự tương tự và bốc đồng hơn có thu nhập còn cao hơn nhiều. Fa.B ở Việt Nam mỗi năm thu khoảng 600 triệu USD; trong đó 400 triệu USD chi cho tài khoản cá nhân; trong khi có tờ báo giấy, báo hình, báo điện tử Việt Nam nào của ta có doanh thu như thế? Ở đây, suy ra một điều là nhiều trang mạng xã hội, nhiều cá nhân, vì tiền, vì mưu đồ xấu mà bất chấp làm mọi việc phản cảm, bạo lực, vô văn hóa trên mạng xã hội, để rồi hệ lụy kéo theo thật khó lường.
Để làm cho mạng xã hội sạch hơn, văn hóa, văn minh hơn thì cùng với sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là rất quan trọng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã từng nói: “...Gần như cán bộ, đảng viên nào cũng dùng smartphone. Ai cũng vào Facebook nhưng đa số toàn để đọc tin xấu chứ ít truyền đi thông tin tích cực. Nếu mỗi người dùng smartphone mỗi ngày gửi cho nhau một tin tốt, chia sẻ với nhau vài ý hay, gửi đi thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, chắc chắn môi trường trên internet sẽ tích cực, trong lành hơn nhiều”.
Chúng ta cũng không quên câu nói rất nổi tiếng của Napoleon Bonaparte cách đây gần 4 thế kỷ là: “Thế giới này tồi tệ hơn không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt”.
Soi lại mỗi người chúng ta, xin hỏi: Có bao nhiêu người trong chúng ta hàng ngày xem các báo, đài, trang tin điện tử chính thống của địa phương, của Trung ương và chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực trên đó và chúng ta có bảo với vợ, chồng, con, cháu, người thân mình cũng làm như thế? Và nếu chúng ta không làm việc này thì ai làm? Chắc chắn rằng các đối tượng thù địch sẽ không làm giúp cho chúng ta và chúng còn mừng vì chúng ta không làm được điều đó!
Đảng và Nhà nước ta nhận thấy rõ điều này và đã có nhiều chủ trương, quy định có liên quan, như: Bộ Chính trị có Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Ban Bí thư có Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7/7/2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang có Công văn số 729-CV/TU, ngày 28/3/2023 về tăng cường vai trò tích cực của cán bộ, đảng viên trong tham gia mạng xã hội và nhiều văn bản liên quan.
Giờ đây, không gian mạng là mặt trận chính, nóng bỏng của công tác chính trị, tư tưởng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, không chỉ riêng của ngành Tuyên giáo, Thông tin - Truyền thông hay Dân vận; đồng thời phải có sự đồng thuận, đồng hành tham gia của nhân dân. Muốn làm được điều đó thì từng đồng chí cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên phải thật sự tiêu biểu, gương mẫu thực hiện các quy định có liên quan của Đảng và Nhà nước; thực sự là các nhân tố tích cực, có sức lan tỏa trên không gian mạng.
Chúng ta có gần 3,5% đảng viên so dân số, trên 60% đoàn viên, hội viên so đối tượng. Mỗi chúng ta chỉ cần dành 1/6 thời gian trên mạng để làm việc tốt, lan tỏa, chia sẻ tin tốt thì rất nhiều người được nhận thức, giáo dục, cảm hóa tốt, có hành động, việc làm tốt và qua đó, công tác chính trị, tư tưởng của ta sẽ tốt hơn nhiều và chúng ta sẽ có xã hội với đại đa số nhân dân tốt trên không gian mạng. Mỗi người hãy hành động và tôi tin rằng chúng ta sẽ làm tốt.
Nguyễn Thanh Phong
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang