Phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ sáu - 30/06/2023 13:19
Những năm gần đây, các thế lực thù địch gia tăng tốc độ, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng Việt Nam. Trong chiến lược này, chúng tập trung tấn công trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và chúng coi đây là mũi đột phá.
Đoàn kiểm tra của Tỉnh uỷ Kiên Giang kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Đảng bộ thành phố Rạch Giá. Ảnh: Mai Tưởng
Đoàn kiểm tra của Tỉnh uỷ Kiên Giang kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Đảng bộ thành phố Rạch Giá. Ảnh: Mai Tưởng

Thực tiễn cách mạng nước ta hơn 93 năm qua cho thấy, trên nền tảng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh, đường lối, chủ trương,phương pháp cách mạng đúng đắn để lãnh đạo nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác,đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước ta có cơ đồ vững chắc và vị thế như ngày nay.
Chính từ vị trí, tầm quan trọng to lớn đó, mà các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá ta, trong đó chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Nội dung chống phá của các thế lực thù địch thì rất nhiều, nhưng chủ yếu phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tưtưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phủ định các giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả cách mạng.
Ai cũng biết rằng, hiếm có dân tộc nào như dân tộc ta phải chống ngoại xâm nhiều lần như vậy.Kể từ cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ thứ III trước Công nguyên), đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, trong hơn 22 thế kỷ thì có hơn 12 thế kỷ dân tộc ta phải tiến hành kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống ách đô hộ của nước ngoài, trong đó có hơn 1.000 năm Bắc thuộc (lệ thuộc phương Bắc).
Trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược, dân tộc ta phải đương đầu với kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần, cuối cùng ta đều giành thắng lợi, bởi chúng ta đã huy động được sức mạnh đoàn kết của dân tộc, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. Hàng ngàn năm đô hộ nước ta, các triều đại phong kiến phương Bắc đều ra sức thực hiện chiến lược thâm độc là đồng hóa dân tộc ta, thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc, song tất cả các dân âm mưu, thủ đoạn của chúng đều không thực hiện được.Bởi suốt chiều dài lịch sử, những đặc điểm của dân tộc đã rèn luyện, hun đúc tinh thần yêu nước,truyền thống đoàn kết, ý chí thống nhất đất nước, tạo nên khí phách anh hùng, quật cường của dân tộc Việt Nam, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, bảo vệ nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia.
Vì vậy, vai trò của quần chúng nhân dân rất to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm nhận biết được điều đó và trong suốt thời kỳ cách mạng, Bác luôn đánh giá cao vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử dân tộc, đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin đã được các nhà kinh điển khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, quần chúng nhân dân không chỉ là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, mà còn là người quyết định vận mệnh của lịch sử trong sự nghiệp cách mạng.
Để phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú trọng vào thế hệ trẻ để nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc,tin tưởng, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua công tác tuyên truyền, vận động, làm cho quần chúng nhân dân hiểu được quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nhận biết được lực lượng chống phá ta là ai, nội dung chống phá là gì để phòng chống hiệu quả.
Hai là, tuyên truyền cho nhân dân luôn cảnh giác, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu dụ dỗ,kích động, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối. Đây là chiêu thức của các thế lực đã từng làm trong những năm trước đây. Như năm 2014 bọn chúng lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta, kích động biểu tình chống Trung Quốc, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của ta; vụ năm 2016 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Formosa xả nước thải làm cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, kẻ xấu cũng lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân ta biểu tình.
Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý thông tin chính thống. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận; đẩy mạnh tuyên truyền về người thật, việc thật để đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả.
Bốn là, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của công dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân; thực hiện nghiêm và có hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; lắng nghe, ghi nhận những ý kiến hợp pháp, chính đáng của nhân dân và xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, tránh hình thành các” điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức và phương thức tập hợp, vận động nhân dân; tổ chức các hội, nhóm, câu lạc bộ trong các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay phải sử dụng tổng hợp lực lượng, trong đó vai trò to lớn không thể thiếu được đó là nhân dân. Nhân dân muốn tham gia cuộc đấu tranh này có hiệu quả, phải được giáo dục, rèn luyện, trang bị những kiến thức cần thiết. Mà hệ thống chính trị ở cơ sở là nơi đóng vai trò quyết định trong hoạt động và sử dụng lực lượng quần chúng nhân dân. Bởi hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp cuối cùng trong hệ thống chính trị ở nước ta; là nơi thay mặt Đảng, Nhà nước trực tiếp lãnh đạo, quản lý mọi mặt đời sống nhân dân; là nơi trực tiếp đưa ra những kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế, an ninh chính trị, trật tự ở địa phương.
Minh Thi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây