Cây tre là hiện thân của dân tộc Việt Nam
Có thể nói, cây tre rất thân thuộc với đời sống của người Việt Nam, là một trong những biểu tượng của văn hóa dân tộc, in đậm trong nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong bài thơ “Tre Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Duy viết:
Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.
Đặc điểm nổi trội của cây tre là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Tre thường sống kết thành bụi, thành lũy, thậm chí thành rừng, rễ tre bám sâu vào lòng đất. Trong mỗi bụi tre, lũy tre, rừng tre, cây to khỏe ở ngoài che đỡ cho cây non, tre già măng mọc. Gốc tre vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không gió bão nào quật ngã được.
Hình ảnh cây tre trong bài thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy chính là hiện thân của dân tộc Việt Nam, một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng luôn biết phát huy sức mạnh đoàn kết, linh hoạt, kiên cường. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dân tộc Việt Nam vô cùng khéo léo và mạnh mẽ trong thích ứng với thiên nhiên và đấu tranh với kẻ thù để tồn tại và không ngừng phát triển. Đó cũng chính là phẩm chất và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam!
Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
Đảng Cộng sản Việt Nam có sự vận dụng thú vị biểu tượng cây tre vào lãnh đạo công tác ngoại giao của nước ta. Biểu tượng cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” chính là triết lý, phương pháp luận và phương châm chỉ đạo của ngoại giao Việt Nam. Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo “Cây tre Việt Nam” thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc sắc của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”chính là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Với đường lối, chính sách ngoại giao đúng đắn, Việt Nam luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 192 trong tổng số 200 quốc gia trên thế giới; trong đó 4nước có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Đó chính là thành công của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”!
Tiếp tục phát huy trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam"
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra tư tưởng chỉ đạo về công tác đối ngoại: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng.
Về nhiệm vụ cơ bản của công tác đối ngoại, Đại hội XIII xác định: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Các nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về “đối tượng”, “đối tác”; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc… Tổng Bí thư nhấn mạnh: Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”!
Mai Văn Tưởng