Theo đánh giá của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, khai thác hải sản trái phép có chiều hướng gia tăng; tình trạng tranh chấp ngư trường khai thác hải sản xảy ra ngày càng nhiều, gây mất an ninh trật tự trên biển. Gần đây, tại vùng biển Cà Mau đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng tranh chấp ngư trường khai thác, trong đó có vụ việc của tàu cá Kiên Giang bị các đối tượng ném chất gây cháy lên tàu khi đang hoạt động khai thác trên biển.
Nhằm ngăn chặn tình trạng tranh chấp ngư trường xảy ra trên biển, đồng thời tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trên vùng biển Kiên Giang; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển, đảo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình trên biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền chủ trương, biện pháp xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biển đúng quy định của pháp luật. Tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh vùng biển; kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Phối hợp với các ngành chức năng và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển, đảo tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về biên giới biển; tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, của địa phương về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Tiến hành các biện pháp quản lý, bảo vệ; bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển.
- Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến nhất là tàu cá ngoài tỉnh hoạt động tại vùng biển tỉnh Kiên Giang. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
2. Đối với Công an tỉnh
- Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các cấp và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xử lý các vụ việc xảy ra trên biển liên quan đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tranh chấp ngư trường, phá hoại môi trường biển, nuôi trồng và bảo vệ tài nguyên biển, đảo.
- Tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ chủ động phát hiện, ngăn ngừa các loại tội phạm ngay tại cơ sở. Bằng các biện pháp nghiệp vụ nắm bắt tình hình các đối tượng có hành vi lợi dụng việc khai thác, đánh bắt hải sản để làm trái pháp luật. Kịp thời cảnh báo, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường, làm mất an ninh trật tự trên biển.
- Chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các ngành, nghề, phương tiện hoạt động trên biển.
3. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan quản lý, theo dõi chặt chẽ các hoạt động nghề cá trên biển. Nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của các lực lượng kiểm ngư, bảo đảm việc tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển có hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tổ chức tuyên truyền, triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và chính sách phát triển, bảo vệ tài nguyên biển.
- Kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin với các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo về tình hình chấp hành quy định của pháp luật, quy định của địa phương liên quan khai thác, đánh bắt và bảo vệ tài nguyên biển, đảo.
4. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
5. Đối với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển, đảo
- Chỉ đạo phòng ban chuyên môn, lực lượng chức năng phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin về phương tiện của địa phương quản lý cho Bộ đội Biên phòng và các ngành chức năng để quản lý, đăng ký, kiểm soát khi ra vào các trạm Biên phòng.
- Chỉ đạo phòng ban chuyên môn, lực lượng công an, quân sự địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng giải quyết các vụ việc tranh chấp ngư trường xảy ra, có biện pháp ngăn chặn không để tái diễn.
- Vận động các chủ phương tiện và thuyền trưởng cam kết: Chấp hành nghiêm các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, thực hiện tốt trách nhiệm, nhiệm vụ công dân tham gia quản lý, bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự trên biển.
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị liên quan ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân sống ven biển, đảo hiểu rõ quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khuyến khích chuyển đổi ngành, nghề khai thác cho phù họp.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển, đảo định kỳ ngày 25 hàng tháng và đột xuất có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh - trật tự trên vùng biển Kiên Giang về Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ban Biên tập