Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 3 năm 2023)

Thứ ba - 28/02/2023 21:45
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 3 năm 2023) gồm một số nội dung sau: Kết quả chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei Darussalam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Một số kết quả Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu và Ukraine lần thứ 24; Thông điệp Liên bang năm 2023 của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden…
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 9/2/2023. Ảnh: VGP
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 9/2/2023. Ảnh: VGP

I. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC NƯỚC CỘNG HÒA SINGAPORE VÀ BRUNEI DARUSSALAM CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam (8-11/2/2023).
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với hai nước đang phát triển tích cực và mạnh mẽ; Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2023; Việt Nam và Brunei vừa kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao năm 2022.
Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ nước ta tới khu vực Đông Nam Á hải đảo kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ ta tới Singapore sau gần 5 năm và tới Brunei sau gần 16 năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hơn 30 hoạt động; trong đó nổi bật là các cuộc hội đàm và tiếp xúc với tất cả các Lãnh đạo cấp cao của hai nước; các cuộc tọa đàm, trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của hai nước và các quỹ đầu tư lớn ở khu vực; các hoạt động gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ nhân viên các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt tại Singapore và Brunei.
Chuyến thăm đã đạt được một số kết quả quan trọng sau: 
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Singapore và Brunei đều nhất trí không ngừng gia tăng tin cậy chính trị chiến lược với Việt Nam thông qua tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và các thỏa thuận hợp tác quan trọng. Nhân dịp chuyến thăm, nhiều văn kiện hợp tác đã được ký kết giữa Việt Nam với hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác hàng hải, thanh niên, lãnh sự, nghiên cứu và đào tạo.
Tại Singapore, hai bên ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore, tạo tiền đề cho triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu… Lãnh đạo Singapore đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Quyết định chấp thuận đầu tư cho khu công nghiệp VSIP Nghệ An II, thể hiện quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước.
Với Brunei, lần đầu tiên hai bên ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Brunei giai đoạn 2023 - 2027, giúp triển khai đồng bộ, bài bản hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm trong 5 năm tới.
Thứ hai, kết quả chuyến thăm đã tiếp thêm động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Singapore và Brunei, góp phần tích cực hỗ trợ công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng và được lãnh đạo các nước ủng hộ, trong đó có việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Brunei nhằm hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Thứ ba, các kết quả thực chất đạt được trong chuyến thăm không những góp phần làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Việt Nam với hai nước trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, dầu khí, du lịch, giao lưu nhân dân…
Thứ tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Singapore và Việt Nam; tọa đàm với 32 quỹ đầu tư lớn của Singapore và quốc tế có trụ sở tại Singapore để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng - hóa chất hàng đầu Brunei; tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của hai nước.
Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng như quốc tế đều bày tỏ hết sức tin tưởng vào sự ổn định của môi trường kinh doanh của Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục làm ăn lâu dài và mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao đổi thẳng thắn, tin cậy với lãnh đạo của Singapore và Brunei về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; thống nhất những phương hướng lớn nhằm tăng cường phối hợp giữa Việt Nam với hai nước tại các các thể chế hợp tác đa phương.
Chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp trên tất cả các khía cạnh, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore và Đối tác Toàn diện Việt Nam - Brunei lên tầm cao mới, phục vụ thiết thực công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như đóng góp tích cực vào việc củng cố đoàn kết của ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ UKRAINE LẦN THỨ 24
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế. Hội nghị diễn ra vào ngày 3/2/2023, gần 1 năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong bối cảnh chiến sự đang leo thang căng thẳng cùng những cuộc thảo luận gay gắt về việc viện trợ các vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở một quốc gia đang có xung đột, thể hiện một sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với Ukraine. Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng 15 ủy viên EU, đã có mặt tại Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng nội các Ukraine.
 Sau Hội nghị, EU và Ukraine đã ra tuyên bố chung 32 điểm đề cập 5 chủ đề, trong đó nổi bật là tiến trình Ukraine gia nhập EU và phản ứng về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuyên bố chung đề cập tới cách thức hỗ trợ Ukraine nhiều hơn nữa, như EU khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine “trong thời gian lâu nhất có thể” và tăng cường áp lực tập thể nhằm vào Nga, cũng là cách để thể hiện đoàn kết với Ukraine. EU tuyên bố sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sau khi đã áp đặt 9 gói trừng phạt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022.
Trong Tuyên bố chung hội nghị, EU ghi nhận “những nỗ lực đáng kể” của Ukraine trong việc đạt được các mục tiêu của mình, hoan nghênh những nỗ lực cải cách của Ukraine trong “thời điểm khó khăn” và sẽ tiếp tục “cam kết hỗ trợ Ukraine hội nhập châu Âu hơn nữa”. EU cũng nhấn mạnh việc Ukraine cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống tư pháp và củng cố nền kinh tế. Như vậy, yêu cầu về việc đẩy nhanh tiến trình xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine đã không đạt được đồng thuận tại Hội nghị này.
Tính tới nay, EU đã viện trợ 60 tỷ euro cho Ukraine, trong đó “tổng hỗ trợ quân sự của EU ước tính gần 12 tỷ euro”. EU đã thông báo tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Ukraine được EU huấn luyện lên 30.000 người trong năm 2023 và cung cấp 25 triệu euro cho các khu vực rà phá bom mìn do Ukraine kiểm soát. Hội đồng châu Âu đã phê duyệt thêm 500 triệu euro cho Ukraine.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga sẽ có hiệu lực trước ngày 24/02/2023, đúng 01 năm nổ ra sự kiện. Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào các linh kiện được sử dụng trong sản xuất máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác.
III. THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG NĂM 2023 CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ JOE BIDEN
Ngày 7/2/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có bài phát biểu trước lưỡng viện quốc hội. Đây là lần đọc Thông điệp Liên bang thứ 2 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhằm điểm lại các thành tựu trong hai năm qua và đưa ra chương trình nghị sự cho năm tiếp theo.
Trong Thông điệp Liên bang 2023, Tổng thống Joe Biden đã điểm lại những thành tựu kinh tế và lập pháp của chính quyền Hoa Kỳ, điều đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ trong hai năm qua. Các thành tựu này bao gồm: giảm lạm phát, tạo ra hàng triệu việc làm, cắt giảm giá thuốc kê đơn và giá năng lượng, tăng cường sản xuất chip bán dẫn, giảm thâm hụt ngân sách, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước. Tổng thống Biden khẳng định, chính quyền Hoa Kỳ đã giúp tạo ra số việc làm kỷ lục là 12 triệu trong hai năm qua, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào của nước Mỹ làm được trong cùng khoảng thời gian. Bên cạnh đó là những định hướng chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Về đối nội, Tổng thống Biden khẳng định thành tựu và trân trọng sự đoàn kết, hợp tác giữa hai đảng; cam kết hợp tác với đảng Cộng hòa để tái thiết nền kinh tế và đoàn kết quốc gia. Trong lĩnh vực kinh tế, mục tiêu là xây dựng nền kinh tế từ dưới lên, từ trong ra ngoài, với nền kinh tế “không ai bị bỏ lại phía sau”, “đầu tư vào những nơi và những người bị lãng quên”. Một tuyên bố quan trọng là các tiêu chuẩn mới về sử dụng vật liệu xây dựng trong các dự án cơ sở hạ tầng cấp liên bang, theo đó quy định các mặt hàng phải  được sản xuất tại Mỹ. Về giáo dục và an sinh xã hội, Tổng thống Biden thể hiện cam kết mạnh mẽ với việc duy trì Đạo luật Giảm lạm phát, các đạo luật về an sinh xã hội, y tế, gia hạn Quỹ Tín thác Medicare…; đầu tư nhiều hơn vào nhà ở, giáo dục và đào tạo việc làm.
Một trong những vấn đề nghị sự thu hút được sự quan tâm đông đảo là vấn đề nhập cư. Tổng thống Biden khẳng định, chính sách biên giới mới có hiệu lực đã làm giảm tỷ lệ di cư bất hợp pháp và đề nghị Quốc hội hãy thông qua kế hoạch cung cấp thiết bị và nhân lực để bảo vệ biên giới. Tổng thống Biden thừa nhận khủng hoảng khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu” và Hoa Kỳ đang tích cực giải quyết thách thức này. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật nhằm buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm quyền, thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn để giải quyết nạn bạo lực súng đạn.
Về đối ngoại, Thông điệp liên bang nhấn mạnh tới cuộc xung đột tại Ukraine và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Trong đó, Tổng thống Biden nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Đồng thời, khẳng định nước Mỹ “thống nhất ủng hộ và sát cánh Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết”. Về quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Biden nhấn mạnh, “Hoa Kỳ tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột” và tự hào là Hoa Kỳ “đang ở vị trí mạnh nhất trong nhiều thập kỷ để cạnh tranh với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới”. Tổng thống Biden cam kết hợp tác với Trung Quốc để “thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ và mang lại lợi ích cho thế giới”. Tuy nhiên, Tổng thống Biden nhấn mạnh, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền thì sẽ hành động để bảo vệ đất nước và chiến thắng trong cạnh tranh với Trung Quốc sẽ đoàn kết tất cả người dân Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ “đang tập hợp thế giới” một lần nữa, đầu tư vào các liên minh, hợp tác với các đồng minh để bảo vệ các công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa quân đội để đối phó với những thách thức nghiêm trọng, từ khí hậu và sức khỏe toàn cầu, đến tình trạng mất an ninh lương thực, khủng bố và xâm lược…
IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM VỀ ỨNG DỤNG CHAT GPT
Chat GPT - ứng dụng chatbot của Công ty OpenAI (Mỹ) đang là một trong những từ khóa “hot” được quan tâm nhất trong thời gian gần đây bởi đây đang là một trong những ứng dụng internet có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất trong lịch sử, cán mốc 100 triệu người sử dụng chỉ sau 2 tháng ra mắt. Đây là một sản phẩm công nghệ cho phép tổng hợp nội dung từ nhiều văn bản để trả lời câu hỏi của người dùng. Nhưng cùng với việc ứng dụng chatbot này đang thu hút sự chú ý của hàng triệu người, thì cũng đã xuất hiện những lo ngại, cảnh báo về tính rủi ro mà nó có thể mang lại.
Ngày 30/11/2022, OpenAI - một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã chính thức cho người dùng đăng ký trải nghiệm miễn phí ChatGPT, một ứng dụng phần mềm được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người. Đây là sự phát triển mới nhất của dòng AI tạo văn bản - GPT (Generative Pre-training Transformer).
GPT (Generative Pre-training Transformer) là một mạng lưới thần kinh AI (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người. Do đó, nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ…
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT đã thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Công cụ chatbot tiên tiến này đã nhanh chóng đạt được 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày phát hành, thần tốc hơn cả hai ứng dụng mạng xã hội hàng đầu là TikTok và Instagram.
Nhờ thành công của Chat GPT, một số công ty đã bắt đầu học cách tích hợp chatbot này với sản phẩm của họ. Kể từ đó, phạm vi tiếp cận của Chat GPT không ngừng tăng lên. Theo thống kê của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ (UBS), tính đến ngày 31/1/2023, Chat GPT đã cán mốc con số 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, có 13 triệu người truy cập.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Chat GPT “làm mưa làm gió” ngay khi xuất hiện bởi Chat GPT có khả năng thực hiện đối thoại với người lạ, trả lời câu hỏi, viết thơ, văn, kịch bản, bài luận... Bên cạnh đó, chatbot còn có thể giải thích nhiều câu hỏi phức tạp như người thật, hay giúp các lập trình viên tìm lỗi trong mã họ viết. Đặc biệt, Chat GPT có khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh như con người qua việc tham gia vào các cuộc trò chuyện dài và khiến người dùng có cảm giác như đang thực sự nói chuyện với một người, chứ không phải với một cỗ máy…
Theo Samuel H. Altman, “cha đẻ” của Chat GPT, chatbot này hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, người dùng có thể đăng ký dùng thử miễn phí. Sau đó, họ sẽ phải trả tiền để sử dụng một số tính năng trên chatbot này. Tuy nhiên, Chat GPT chỉ có thể truy cập thông qua trang web của OpenAI và không có ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, người dùng cần lưu ý để không tải về các ứng dụng mạo danh có nguy cơ chứa phần mềm độc hại.
Theo các chuyên gia, Chat GPT là bước tiến của trí tuệ nhân tạo, góp phần thay đổi thế giới. Theo hướng tích cực, trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người trả lời hầu hết câu hỏi trong một thời gian rất ngắn, nhưng câu trả lời là sự tổng hợp thông tin dựa vào dữ liệu có sẵn, do đó người dùng cần kiểm chứng, nhất là khi dữ liệu mang tính chất cá nhân. Nếu người dùng không thỏa mãn với câu trả lời, họ có thể chia sẻ các phản hồi, từ đó cập nhật dữ liệu cho Chat GPT. Tuy nhiên, Chat GPT cũng còn một số nhược điểm, hạn chế cần cân nhắc khi sử dụng như: Chat GPT có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa; chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học; chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời; chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai; mức độ cảm xúc, sáng tạo còn hạn chế…
Các chuyên gia cũng cảnh báo, Chat GPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Việc sử dụng Chat GPT sẽ dẫn đến một số công việc bị ảnh hưởng như nghề viết quảng cáo, nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng... Sử dụng Chat GPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. Chat GPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Vì vậy, một số trường học ở một số nước đã chặn sử dụng ChatGPT trên các thiết bị và mạng của trường. Một số hội thảo khoa học cũng đã yêu cầu không sử dụng các nội dung do Chat GPT tạo ra…
Trước những lo ngại về tính hai mặt của Chat GPT, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton cho biết, EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng Chat GPT và bảo đảm người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù Chat GPT đang khiến nhiều người trên thế giới kinh ngạc bởi sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, nhưng chắc chắn là vẫn cần phải có thêm thời gian để đánh giá hết tác động của chatbot này tới cuộc sống.
V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Theo dữ liệu mới công bố ngày 9/2/2023 của Trung tâm Agroexport thuộc Bộ Nông nghiệp Nga, Trung Quốc đã vượt Liên minh châu Âu (EU) trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm và nông sản lớn nhất của Nga. Số lượng sản phẩm công nghiệp - nông nghiệp Trung Quốc nhập khẩu từ Nga tiếp tục đi lên, tăng 44% trong năm 2022. Trung tâm Agroexport cho biết, Nga có tiềm năng mở rộng hơn nữa nguồn cung cấp thực phẩm cho Trung Quốc. Agroexport liệt kê các mặt hàng xuất khẩu hứa hẹn nhất là cá và hải sản, ngũ cốc, sản phẩm thịt cùng dầu thực vật.
- Ngày 11/02/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trận động đất thảm khốc tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa qua đã ảnh hưởng tới gần 26 triệu người. Tính đến 10 giờ sáng 14/02/2023 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa đã vượt 41.000 người, số người bị thương là hơn 85.000. Cơ quan y tế quốc tế cảnh báo điều này khiến cho việc giúp đỡ người bị thương trong thảm họa càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi các cơ sở cứu chữa khẩn cấp quá tải, các dịch vụ y tế thiết yếu đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chăm sóc những người bị chấn thương, chăm sóc phục hồi sau chấn thương, cung cấp các loại thuốc thiết yếu, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát và hỗ trợ sức khỏe tâm thần là những việc cấp thiết hiện nay tại hai quốc gia nói trên.
- Ngày 4/2/2023, Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc mà Mỹ cho rằng mang chức năng do thám. Ngay sau đó, Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định đó chỉ là một khinh khí cầu quan trắc khí tượng và phản đối “phản ứng thái quá” của Mỹ. Ngay sau vụ việc, ngày 10/02/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 6 thực thể Trung Quốc vào “danh sách đen” vì hỗ trợ các chương trình hàng không vũ trụ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong đó có khinh khí cầu và các thành phần liên quan.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây