I. KẾT QUẢ HỘI NGHỊ AN NINH MUNICH
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 - hội nghị an ninh quy mô nhất thế giới được tổ chức thường niên tại thành phố cùng tên tại miền Nam nước Đức đã diễn ra từ ngày 17-19/2/2023. Đây là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.
Hội nghị năm nay có sự tham gia của 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước, gần 100 bộ trưởng cùng hàng nghìn chuyên gia về chính sách an ninh đến từ các nước. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở hội nghị lần này là không có bất kỳ một quan chức Nga nào được mời dự Hội nghị, trong khi xung đột Nga - Ukraina lại là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay và cũng là nội dung trọng tâm của hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Tác động toàn cầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine; các vấn đề về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực toàn cầu; tái cấu trúc toàn cầu, trong đó đáng chú ý là trật tự an ninh ở châu Âu; vấn đề mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này; vai trò của nước Anh hậu Brexit trong cấu trúc an ninh châu Âu tương lai… Bên lề Hội nghị đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận song phương và đa phương, trong đó đáng chú ý là các cuộc gặp có sự tham dự của đại diện Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hối thúc các nước phương Tây hỗ trợ thêm xe tăng hiện đại cho Ukraine và cho rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ còn kéo dài, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ đào tạo, vật tư và hậu cần. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, hiện không phải là thời điểm để đối thoại. Mục tiêu của Pháp và châu Âu giờ đây là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường sự ủng hộ về chính trị, quân sự và nhân đạo dành cho Ukraine, giúp Ukraine giành ưu thế để buộc nước Nga quay trở lại bàn đàm phán. Trái ngược với các phát biểu từ các nhà lãnh đạo phương Tây, liên quan vấn đề Ukraine, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan, nhất là các nước châu Âu, cần cân nhắc nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột này. Ông khẳng định, Trung Quốc không bàng quan cũng không “đổ thêm dầu vào lửa” liên quan tới xung đột ở Ukraine. Đại diện Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ nêu quan điểm của mình về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó nhấn mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước phải được tôn trọng, các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc phải được duy trì. Chính vì vậy, phía Trung Quốc kêu gọi giải quyết xung đột ở Ukraine một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn, không nên giải quyết thông qua việc gây sức ép hoặc các biện pháp trừng phạt đơn phương, bởi điều đó sẽ phản tác dụng.
Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich 2023 Christoph Heusgen đánh giá, hội nghị đã thể hiện “sự đoàn kết mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương” và cho rằng châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng cần tăng chi tiêu quốc phòng để có thể đáp ứng tốt hơn trước những thách thức mới của thời đại.
Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, kết quả Hội nghị An ninh Munich 2023 chưa tạo ra được bước ngoặt thực sự nào trong đường hướng giải quyết các vấn đề đang đặt ra. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do thiếu vắng sự hiện diện của Nga khiến các thảo luận rơi vào thế một chiều, khó đưa ra những biện pháp thực sự giúp tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine hay góp phần giải quyết những thách thức phát sinh từ sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.
II. VỀ THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG CỦA NGA NĂM 2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp liên bang 2023 tại hội trường tòa nhà Gostiny Dvor, thủ đô Moskva, Nga. Đây là thông điệp thứ 18 của nhà lãnh đạo Nga và sau gần 1 năm nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thông điệp đã đề cập đến nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng, khẳng định nhu cầu độc lập, tự do phát triển của nước Nga và bày tỏ quan điểm đối với các chính sách của phương Tây.
Theo thông lệ, bài phát biểu Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga trước Quốc hội sẽ tập trung vào các vấn đề về tình hình đất nước, về các định hướng chính trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước, là cơ sở để đặt ra các mục tiêu chiến lược, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia của Nga. Theo đó, Thông điệp 2023 tập trung vào các nội dung chính sau:
Về cuộc xung đột với Ukraine và quan hệ đối ngoại của Nga với Mỹ, phương Tây: Mở đầu thông điệp liên bang, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đã làm mọi cách để giải quyết vấn đề Ukrainemột cách hòa bình, nhưng cam kết của các nhà lãnh đạo phương Tây đã không được thực hiện. Tổng thống Putin cho rằng phương Tây “khơi mào” cuộc xung đột ở Ukraine và các nước phương Tây - dẫn đầu là Mỹ - đang tìm kiếm “quyền lực vô hạn” trong các vấn đề thế giới. Tổng thống Putin cho biết, Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình và thế giới không nên bị chia thành các quốc gia “văn minh” và phần còn lại. Tổng thống Nga nhận định, phương Tây đang cố gắng biến cuộc xung đột khu vực thành cuộc xung đột toàn cầu và khẳng định sẽ phản ứng một cách phù hợp.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Điều này là do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham gia vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga với mục tiêu gây “thất bại chiến lược cho Nga”. Tổng thống Putin cho rằng, ngoài kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, cần phải tính tới kho vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp và yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga và tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom phải sẵn sàng cho các vụ thử hạt nhân trong trường hợp cần thiết, nhưng lưu ý rằng Nga sẽ không phải là bên đầu tiên thực hiện các hoạt động này.
Về kinh tế, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đã phát động tấn công vào nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt, tuy nhiên sẽ “không đạt được gì và không thu được bất kỳ kết quả nào”. Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế quốc gia vẫn đứng vững trước những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. Ông khẳng định trước Quốc hội nước Nga có mọi nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Mặc dù GDP của Nga năm 2022 giảm 2,1% nhưng vượt so với những dự báo trước đó. Nga đang xây dựng các hệ thống thanh toán và cấu trúc tài chính mới, độc lập với đồng USD; các ngân hàng trong nước hoạt động ổn định. Tổng thống Putin cũng kêu gọi cần thay đổi cấu trúc kinh tế của đất nước; hướng các doanh nhân của mình hãy bắt đầu những dự án mới; phát triển hành lang Bắc - Nam và tuyến đường biển Bắc Băng Dương.
Về xã hội, thay vì ban bố lệnh động viên để huy động ít nhất 500.000 binh sĩ mới như nhiều dự báo trước đó, Tổng thống Nga ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn với gia đình và những người lính đã sẵn sàng có mặt tại chiến sự Ukraine. Đồng thời, đề xuất thành lập một quỹ quốc gia đặc biệt. Nhiệm vụ của quỹ này là trực tiếp hỗ trợ các gia đình của những người lính đã hy sinh và các cựu chiến binh tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt. Các biện pháp hỗ trợ bổ sung, chế độ an sinh xã hội sẽ là cách tốt hơn là lệnh tổng động viên ở thời điểm này bởi có thể gây ra nhiều xáo trộn và hoang mang trong xã hội.
Theo kết quả thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận toàn Nga thực hiện và được hãng tin TASS công bố ngày 10/3/2023, mức độ tín nhiệm của Tổng thống Vladimir Putin trong công chúng Nga vẫn được duy trì ở mức cao, đạt 80%.
Theo các nhà phân tích, thông điệp Liên bang của Nga năm 2023 được phát đi vào thời điểm thế giới đang chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, đó là trước thềm dấu mốc một năm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine; Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vận động Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển; chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ukraine; Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị thăm châu Âu và có chuyến thăm Nga nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, đúng vào dịp Tổng thống Mỹ thăm Ba Lan để thảo luận về các nỗ lực chung hỗ trợ Ukraine và củng cố sức mạnh đồng minh ở sườn phía Đông của NATO. Những chuyến công du trên phần nào cho thấy, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn không ngừng kêu gọi gia tăng các nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine song song với việc tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
III. HỘI NGHỊ CHÍNH TRỊ HIỆP THƯƠNG NHÂN DÂN TRUNG QUỐC VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TOÀN QUỐC TRUNG QUỐC KHÓA XIV
Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khóa XIV diễn ra từ ngày 4/3/2023. Đây là hai sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023.
Mỗi năm một lần, hơn 2.000 đại biểu Chính Hiệp, những người đại diện cho các đảng phái, các đoàn thể tổ chức xã hội, các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc tập trung về thủ đô Bắc Kinh để đóng góp ý kiến cho sự kiện quan trọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các thành viên của Chính Hiệp toàn quốc khóa XIV thuộc 34 nhóm và tất cả đều nằm trong số 56 nhóm sắc tộc của Trung Quốc. Các đại biểu mang tính đại diện rộng rãi với cấu trúc thành phần bao gồm những cá nhân nổi bật từ mọi tầng lớp xã hội Trung Quốc.
Ngoài việc xem xét một loạt báo cáo bao gồm báo cáo công tác chính phủ, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc sẽ thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Lập pháp và kế hoạch cải cách các cơ quan của chính phủ. Kỳ họp sẽ bầu chọn và quyết định một số chức danh lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Tại phiên họp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, đều với số phiếu bầu tuyệt đối 2.952/2.952. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Cường đã được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc, thay ông Lý Khắc Cường. Ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị,được bầu làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) lần thứ 14, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.
Trong báo cáo công tác Chính phủ được trình bày tại kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa XIV ngày 5/3/2023, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập vì hòa bình và phát triển hòa bình, theo đuổi quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước khác, đồng thời sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đưa Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) đi vào hoạt động.
Về công tác chính phủ trong năm 2023, Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách sâu rộng đối với một loạt các cơ quan nhà nước, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu Bộ Khoa học và Công nghệ và thành lập cơ quan quản lý tài chính quốc gia, qua đó nhấn mạnh những nỗ lực nhằm thúc đẩy năng lực khoa học - công nghệ cũng như an ninh kinh tế và tài chính trong bối cảnh bất ổn bên ngoài ngày càng gia tăng.
Về kinh tế, Trung Quốc khẳng định sẽ tăng tốc hiện đại hóa hệ thống công nghiệp trong nước. Các mục tiêu dự kiến cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Trung Quốc: GDP tăng trưởng khoảng 5%, tạo thêm khoảng 12 triệu việc làm tại khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5,5%, CPI tăng khoảng 3%, thu nhập người dân tăng cùng mức với tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định và nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế ổn định, sản lượng lương thực duy trì trên 650 triệu tấn, mức tiêu hao năng lượng và lượng phát thải các chất ô nhiễm chính tiếp tục giảm, tập trung kiểm soát tiêu thụ năng lượng hóa thạch, chất lượng môi trường sinh thái dần cải thiện. Theo đó, Trung Quốc sẽ tập trung mở rộng nhu cầu trong nước, đẩy mạnh xây dựng hệ thống ngành, nghề hiện đại; đi sâu cải cách vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; phòng ngừa và xử lý các rủi ro tài chính; ổn định sản xuất lương thực và phát triển nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi xanh; bảo đảm an sinh xã hội và phát triển các dịch vụ xã hội... Theo dự thảo ngân sách được công bố tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 7,2%, duy trì mức tăng một con số trong năm thứ 8.
IV. KẾ HOẠCH HÒA BÌNH CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI CUỘC XUNG ĐỘT NGA -UKRAINE
Hơn 1 năm kể từ ngày bùng phát, xung đột Nga - Ukraine chưa đi đến hồi kết mà còn trở nên khó đoán định hơn, tác động kéo dài tới cục diện thế giới. Trước tình hình đó, Trung Quốc đã công bố lập trường gồm 12 điểm vào dịp tròn 1 năm chiến sự tại Ukraine, kêu gọi hòa đàm, ngừng cấm vận đơn phương và tái thiết hậu xung đột.
Tròn 1 năm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng và không đạt được nhận thức chung về việc tìm kiếm giải pháp cho xung đột. Dù đã có những nỗ lực trung gian hòa giải song những hoạt động ngoại giao đều không thu được kết quả. Cho tới nay, các bên đều nghiêng về mong muốn giải quyết vấn đề trên chiến trường và chỉ chấp nhận đàm phán trên thế mạnh. Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt bước vào năm thứ hai liên tiếp, nhiều kịch bản xung đột đã được dự báo. Trong đó, không loại trừ kịch bản xung đột sẽ tiếp tục leo thang, mở rộng, NATO có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột trực tiếp và nguy cơ hạt nhân là vô cùng khó lường. Một kịch bản khác cho rằng xung đột sẽ tiếp tục kéo dài dai dẳng, không bên nào chiếm được ưu thế tuyệt đối trên chiến trường cho tới khi bị phân tán bởi các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Dù phát triển theo kịch bản nào thì xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tác động sâu sắc tới toàn cầu. Trong đó, đáng chú ý là cân bằng hạt nhân chiến lược giữa các cường quốc đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.
Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bất ngờ công bố văn bản gồm 12 điểm, nêu rõ lập trường của nước này về một “giải pháp chính trị” cho khủng hoảng tại Ukraine. Bản công bố lập trường gồm 12 điểm của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh phương Tây bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể đang xem xét cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Bản kế hoạch ngừng bắn ở Ukraine với 12 điểm do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố gồm:Thứ nhất là tôn trọng chủ quyền mọi quốc gia: “Luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, bao gồm các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được bảo vệ một cách hiệu quả”. Thứ 2 là cần từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh. Thứ 3 và thứ 4 là dừng các hành động thù địch và nối lại hòa đàm. Trung Quốc cho rằng tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine làm việc theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt, để dần dần hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện. Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc cam kết về cách tiếp cận đúng đắn trong việc thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, giúp các bên trong xung đột mở cánh cửa dàn xếp chính trị và tạo điều kiện, nền tảng để khôi phục đối thoại. Thứ 6, Trung Quốc kêu gọi nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ người dân, tù binh chiến tranh. Thứ 7 và thứ 8 là giữ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân, giảm các nguy cơ chiến lược. Thứ 9 là về thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc. Thứ 10, Trung Quốc kêu gọi ngừng cấm vận đơn phương, không được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thứ 11 là giữ chuỗi công nghiệp và cung ứng vững chắc. Quan điểm thứ 12 là thúc đẩy việc tái thiết hậu xung đột. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ và đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực này.
Bản kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm từ chính giới quốc tế. Trong khi Nga lên tiếng “đánh giá cao mong muốn chân thành của những người bạn Trung Quốc” thì giới chức Ukraine cho rằng “đây là một tín hiệu quan trọng” nhưng đặt nghi vấn về “tính trung lập” của Trung Quốc. Mỹ và phương Tây tỏ ra thận trọng đối với kế hoạch của Trung Quốc và dừng ở mức độ xem xét. Các chuyên gia đánh giá, với kế hoạch này Trung Quốc đang thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm trong bối cảnh tròn một năm xung đột Nga - Ukraine và góp phần bác bỏ những cáo buộc của phương Tây cho rằng Trung Quốc đang xem xét viện trợ vũ khí sát thương cho Nga.
V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Hoàng Hải và tổ chức cuộc tập trận tấn công hỏa lực của đơn vị pháo binh Hwasong dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 9/3/2023. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 4 của Triều Tiên trong năm 2023. Cuộc tậptrận trên được tiến hành trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do từ ngày 13-23/3/2023. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành song song với diễn tập quy mô lớn mang tên Lá chắn Chiến binh. Trước loạt động thái từ Triều Tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cảnh báo Triều Tiên sẽ tiếp tục lãnh hậu quả gia tăng nếu không thay đổi cách hành xử. Ngày 12/3/2023, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, tại Hội nghị mở rộng lần thứ 5, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII dưới sự chủ trì của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã quyết định triển khai “các biện pháp quan trọng, thực chất nhằm sử dụng năng lực răn đe chiến tranh của đất nước một cách hiệu quả, mạnh mẽ và mang tính tiến công cao hơn khi phải đối mặt với tình hình hiện nay, trong đó, những hành động khiêu khích chiến tranh của Mỹ và Hàn Quốc sắp chạm tới lằn ranh đỏ”.
- Tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York vào ngày 3/3/2023, đại diện từ gần 200 quốc gia đã cùng ký kết một hiệp ước lịch sử nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học đại dương. Theo văn bản hiệp ước, 30% đại dương trên thế giới sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước sẽ cùng nhau đưa ra những quy định hạn chế nghiêm trọng đối với việc sử dụng vùng biển này, có thể bao gồm lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt và thăm dò như khai thác dưới biển sâu. Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế sẽ đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động nào trong tương lai dưới đáy biển sâu sẽ phải tuân theo các quy định và giám sát nghiêm ngặt về môi trường để đảm bảo rằng chúng được thực hiện bền vững và có trách nhiệm.
- Trung Quốc đã chính thức công bố nội dung cụ thể của Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI). GSI dựa trên các nguyên tắc thiết yếu: (1) chia sẻ tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; (2) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia; (3) tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; (4) coi trọng mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia; (5) giải quyết hòa bình các khác biệt và tranh chấp giữa các nước thông qua đối thoại và tham vấn; và (6) duy trì an ninh trong cả lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh, GSI đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh và ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. GSI thể hiện các nguyên lý cốt lõi trong tầm nhìn về một cộng đồng chung vận mệnh.
Ban Tuyên giáo Trung ương