I. HỘI NGHỊ CẤP CAO AN NINH KHU VỰC CHÂU Á (ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA) LẦN THỨ 20
Đối thoại Shangri-La là một trong những diễn đàn an ninh cấp cao hàng đầu thế giới, thu hút được sự quan tâm,tham gia của nhiều quốc gia. Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 diễn ra từ ngày 2-4/6/2023 tại Singapore với sự tham dự của gần 600 đại biểu của hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đối thoại lần này tập trung thảo luận các nội dung: Xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng và ổn định; tác động an ninh của cạnh tranh công nghệ và cạnh tranh số; tình hình Ukraine, bán đảo Triều Tiên và Sudan, eo biển Đài Loan và Biển Đông; trách nhiệm tập thể, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt trong giải quyết các điểm nóng... Việc Nga vắng mặt, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc không gặp nhau và sự hiện diện của đoàn đại biểu Liên minh châu Âu (EU) là những sự kiện đáng chú ý tại Đối thoại lần thứ 20.
Cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn gay gắt, thể hiện rõ nét qua tương tác và nhiều phát biểu giữa đại diện của hai nước tại Đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc lên tiếng “phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng từ cả hai phía” cũng như chỉ trích việc các bên “không sẵn lòng xây dựng cơ chế phù hợp hơn trong quản lý khủng hoảng giữa quân đội hai nước”. Vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được khẳng định. Đại diện của các quốc gia đều nhất trí và khẳng định tầm quan trọng của ASEAN đối với chính sách của các nước tại khu vực. Đồng thời, cam kết sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với ASEAN trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu của các quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh hàng hải, bày tỏ lo ngại về những động thái đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, đặc biệt là trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Hamada Yasukazu nhấn mạnh các nước cần cùng đối phó, tăng cường trao đổi thông tin để tránh hiểu lầm, thúc đẩy xây dựng lòng tin thông qua đối thoại. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr cùng hai Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace (Anh) và Anita Anand (Canada) dẫn dắt các cuộc thảo luận về chủ đề “Xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương ổn định và cân bằng”, cho rằng vai trò của luật pháp quốc tế là “sự cân bằng lớn nhất” giữa các quốc gia, nhắc lại cách thức thúc đẩy Philippines sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và Tòa án The Hague cho vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, đoàn Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tham dự đầy đủ các phiên họp toàn thể và nhiều cuộc gặp gỡ song phương. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao đối với các vấn đề quốc tế, khu vực; thể hiện thiện chí, mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong giải quyết những thách thức chung.
II. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH TRUNG QUỐC - TRUNG Á
Ra đời từ cơ chế hợp tác Trung Quốc + Trung Á (C+C5) được thành lập vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Trung Á, đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á diễn ra trực tiếp kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan cách đây 31 năm.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận về sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Trung Á, trao đổi quan điểm về việc hoàn thiện hơn nữa cơ chế Trung Quốc - Trung Á, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau và các vấn đề lớn của khu vực, quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch hợp tác với cam kết “đưa các nước Trung Á lên tầm phát triển mới”. Theo đó, Trung Quốc sẽ phối hợp chiến lược phát triển của mình với các quốc gia trong khu vực, theo đuổi nỗ lực chung để hướng tới hiện đại hóa. Trung Quốc kỳ vọng có thể nâng cấp các thỏa thuận đầu tư song phương, tăng khối lượng hàng hóa xuyên biên giới với khu vực này một cách toàn diện; khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc tạo thêm nhiều việc làm tại các địa phương Trung Á. Trung Quốc xây dựng kế hoạch hợp tác năng lượng qua các chuỗi công nghiệp, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mới; ủng hộ việc hình thành hành lang vận tải quốc tế xuyên biển Caspian và sẽ xây dựng các trung tâm vận tải cho dịch vụ tàu hàng giữa Trung Quốc và châu Âu. Trung Quốc thông báo sẽ cung cấp cho các nước Trung Á tổng cộng 26 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,8 tỷ USD) hỗ trợ tài chính và hỗ trợ không hoàn lại.
Kết thúc Hội nghị, các bên ra Tuyên bố chung (Tuyên bố Tây An). Trong đó nêu rõ, Trung Quốc và các nước Trung Á nhất trí chính thức thiết lập cơ chế gặp gỡ giữa các nguyên thủ, tổ chức 2 năm 1 lần, nhằm phát huy vai trò định hướng chiến lược của các nguyên thủ, tăng cường quy hoạch và điều phối thượng tầng để phát triển quan hệ Trung Quốc - Trung Á. Các bên sẽ đẩy nhanh xây dựng cơ chế hợp tác Trung Quốc - Trung Á, thành lập cơ chế hội nghị cấp bộ trưởng trong các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò của cơ quan ngoại giao, đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Á. Tuyên bố Tây An cho biết, các bên sẽ tăng cường kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với các sáng kiến, chiến lược phát triển của 5 nước Trung Á; khai thác tiềm năng của cơ chế đối thoại, hợp tác thương mại điện tử; thúc đẩy đa dạng hóa cơ cấu thương mại; đẩy nhanh kết nối hạ tầng số, hạ tầng xanh; nâng cấp hiệp định đầu tư, đẩy mạnh vận tải đường sắt, nâng cấp hệ thống đường bộ...
Theo các chuyên gia, các động thái ngoại giao trên phản ánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Trung Á, khu vực được cho là đang dần đóng vai trò chiến lược của lục địa Á - Âu, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. Trung Quốc đã vươn lên trong cuộc đua giành sự ảnh hưởng chính trị và năng lượng tại Trung Á. 5 nước Trung Á, với một mạng lưới các hành lang thương mại, sẽ cung cấp cho Trung Quốc tuyến đường vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm và các hàng hóa khác trong trường hợp bị gián đoạn ở những khu vực khác.
III. TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023, cao hơn so với mức dự báo 1,7% được đưa ra hồi tháng 1/2023. Theo WB, nguyên nhân nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là do các nền kinh tế lớn đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn so với kỳ vọng.
Tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2023 hiện được WB dự báo đạt 1,1%, cao hơn gấp đôi so với mức dự báo tăng 0,5% đưa ra vào tháng 1. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ đạt 5,6%, so với mức dự báo 4,3% mà WB đưa ra vào tháng 1. Tuy nhiên, WB giảm một nửa dự báo tăng trưởng năm 2024 của kinh tế Mỹ xuống còn 0,8% và cắt giảm 0,4 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng 2024 của Trung Quốc xuống 4,6%. Kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro được dự báo tăng trưởng 0,4% cho năm 2023, từ triển vọng đi ngang đưa ra hồi tháng 01, nhưng dự báo cho năm tới của khu vực này cũng bị cắt giảm nhẹ.
Báo cáo của WB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 còn 2,4%, so với mức dự báo 2,7% đưa ra hồi tháng 1. Lý do được đưa ra là những tác động việc các ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và điều kiện tín dụng siết chặt hơn, khiến cho hoạt động đầu tư giảm sút. Những yếu tố này sẽ khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn trong nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024.
WB nhấn mạnh khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang đối mặt là cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất và đối mặt với tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19, sự biến động liên tục trong chuỗi cung ứng do xung đột ở Ukraine. WB nhận định, năm 2023 vẫn sẽ là một trong những năm tăng trưởng chậm nhất đối với các nền kinh tế tiên tiến trong 5 thập kỷ qua.
Áp lực lên ngành Ngân hàng ở Mỹ và châu Âu gần đây đã dẫn đến sự sụp đổ ngân hàng quy mô lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ảnh hưởng tới tâm lý lạc quan về phục hồi kinh tế trong năm nay. Lo ngại về tình hình của ngành Ngân hàng đã khiến nhiều ngân hàng ngừng cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và cá nhân. WB cho biết hiện tượng này có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế thế giới. Thêm nữa, Báo cáo cảnh báo, các nền kinh tế yếu hơn sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính lớn hơn do tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí trả nợ đối với các nước đang phát triển và nếu tiền tệ của họ giảm giá, giá thành hàng hóa nhập khẩu cũng tăng lên.
Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục chậm lại trong năm nay, nhưng WB cho rằng đến năm 2024, nhiều quốc gia vẫn sẽ có mức lạm phát cao hơn mục tiêu mà các ngân hàng Trung ương đặt ra.
IV. MỘT SỐ DIỄN BIẾN VỀ TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG
Từ ngày 8/5/2023, tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc, cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trước sự việc này, ngày 18 và 25/5/2023, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước. Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã “giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc”, đồng thời triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Tiếp đó chiều ngày 1/6/2023, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến liên quan và đang kiên quyết, kiên trì bảo vệ, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và pháp luật Việt Nam.
Ngày 5/6/2023, nhóm tàu này đã rời vùng biển Việt Nam và hướng về đảo Hải Nam của Trung Quốc. Ngay trước sự việc tàu Hướng Dương Hồng 10 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung tâm bảo đảm an toàn hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc tiến hành lắp đặt 3 phao đèn báo hiệu tại một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một số diễn biến gần đây cho thấy tình hình Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp và khó lường.
V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Hoa Kỳ và các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ra tuyên bố chung. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng và triển vọng hứa hẹn của các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hội nhập và kết nối khu vực, góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của Trung Đông. Mỹ tái khẳng định cam kết đối với an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế. Hai bên nhất trí đẩy mạnh an ninh và tự do hàng hải trong khu vực, cũng như chống lại các hành động bất hợp pháp trên biển có thể đe dọa các tuyến hàng hải, thương mại quốc tế và các cơ sở khai thác dầu trong khu vực vùng Vịnh. Hai bên cũng đồng thuận ủng hộ duy trì Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tiếp tục kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
- Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Vũ khí Ấn Độ (DRDO) phóng thử tên lửa đạn đạo Agni Prime ở ngoài khơi bờ biển bang Odisha. Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, vụ phóng này là sự xác nhận tính chính xác và độ tin cậy của hệ thống tên lửa. Việc phát triển thành công tên lửa Agni Prime là một cột mốc quan trọng đối với Ấn Độ, thể hiện sự tiến bộ trong sản xuất vũ khí bản địa và tham vọng đạt được sự tự chủ trong các công nghệ tên lửa tiên tiến. Một số chuyên gia và nhà phân tích quốc phòng cho rằng thành công mới này có ý nghĩa địa chính trị, cho thấy Ấn Độ đã cải thiện năng lực quân sự và cam kết duy trì tư thế răn đe đáng tin cậy, “có thể ảnh hưởng đến tính toán và hành vi của các nước láng giềng, thúc đẩy sự ổn định nhờ răn đe”.
- Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác, gọi tắt là OPEC+ quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng. Theo đó, sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. OPEC+ cho rằng, sự thay đổi trên nhằm duy trì sự ổn định và đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường dầu mỏ. Theo giới quan sát, đợt cắt giảm mới này có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao trong ngắn hạn, nhưng tác động sau đó sẽ phụ thuộc vào việc Saudi Arabia có quyết định gia hạn việc cắt giảm hay không. Giá dầu tăng quá cao có thể thúc đẩy lạm phát, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và đẩy các ngân hàng Trung ương như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hướng tới tăng lãi suất hơn nữa - nguyên nhân có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Ban Tuyên giáo Trung ương