I. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC CỘNG HÒA INDONESIA, CỘNG HÒA HỒI GIÁO IRAN VÀ THAM DỰ ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN NGHỊ VIỆN CÁC NƯỚC ASEAN LẦN THỨ 44 (AIPA-44) CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân (Hạ viện) Indonesia Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Hồi giáo Iran và tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 44 (AIPA-44) tại Indonesia từ ngày 4-11/8/2023.
Trong các cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Indonesia và Indonesia mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác biển và nghề cá, thúc đẩy giải quyết các vấn đề liên quan tới khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU); tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng phối hợp duy trì đoàn kết và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông; thúc đẩy thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)…
Tại Iran, trong các nội dung phát biểu, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về quá trình phát triển của Việt Nam; khẳng định mối quan hệ 50 năm hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Iran và đề nghị hai bên cùng củng cố các kết nối: (1) Kết nối cơ chế đối thoại và hợp tác, hai bên cần tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác Nghị viện, Ủy ban Liên Chính phủ, Tham vấn chính trị hai Bộ Ngoại giao và các cơ chế hiện có khác; (2) Kết nối số, khoa học công nghệ và giao thông, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ kết nối số và khoa học công nghệ có thể xóa mờ rào cản về địa lý, mang lại giá trị gia tăng cao cho hợp tác giữa hai nước; (3) Kết nối về thương mại - đầu tư, Chính phủ hai nước cần tạo điều kiện để hàng hóa, dịch vụ thâm nhập thị trường của nhau, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối thương mại và đầu tư; (4) Kết nối về con người, trong đó du lịch và giáo dục là hai cầu nối quan trọng.
Tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 44 (AIPA-44), với chủ đề “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất, kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN cần chung tay xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực bao trùm, bền vững và kết nối; nêu rõ ASEAN cần định vị lại mình, khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho phát triển cộng đồng và đề xuất lấy 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho các hành động linh hoạt sáng tạo của ASEAN.
Chuyến thăm hai nước Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thành công tốt đẹp. Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chủ động, tích cực củng cố và mở rộng quan hệ giữa Việt Nam và hai nước trong tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh: Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân; tăng cường tin cậy với các nước đối tác, bạn bè truyền thống; xây dựng và củng cố quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao nước ta với lãnh đạo cấp cao hai nước. Chuyến thăm khẳng định sự coi trọng ưu tiên phát triển và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống tại châu Á, Trung Đông nhằm mở ra các cơ hội mới về hợp tác kinh tế - thương mại, đẩy mạnh hợp tác trên các diễn đàn quốc tế.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng kết quả chuyến thăm Indonesia và Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhấn mạnh bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại các diễn đàn song phương, ý nghĩa của các thỏa thuận được ký kết trong chuyên thăm; khẳng định chủ trương và định hướng quan hệ của Việt Nam đối với Indonesia, Iran trong thời gian tới.
Thứ hai, tăng cường thông tin về kết quả, các sáng kiến, đóng góp của Việt Nam và sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế với Việt Nam tại AIPA-44. Từ đó, khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; khẳng định vai trò của đối ngoại Quốc hội.
II. TÌNH HÌNH AN NINH LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
Biến đổi khí hậu, xung đột, các biện pháp cấm vận, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thời gian vừa qua đã làm dấy lên những mối lo ngại về tình hình an ninh lương thực trên toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực.
Vấn đề ngũ cốc được quan tâm nhiều hơn sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với lý do phần thỏa thuận liên quan đến nước này đã không được thực hiện đầy đủ. Đây là thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng biển của nước này tại Biển Đen nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ngày 19/7/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ảnh hưởng đến triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực. IMF khẳng định, việc ngừng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho các quốc gia có thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á. Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi Nga nối lại thỏa thuận. Liên minh châu Phi (AU) bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Nga cung cấp phân bón miễn phí cho các nước nghèo. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, Chủ tịch AU Azali Assoumani kêu gọi Nga và Ukraine chung sống hòa bình bởi điều này sẽ giúp cứu mạng sống của những người phụ thuộc vào nguồn cung lương thực từ hai quốc gia này.
Bên cạnh đó, việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đang góp phần chuyển dịch “Bản đồ thương mại ngũ cốc” toàn cầu. Nga và Trung Quốc đang tích cực đối thoại về việc cung cấp ngũ cốc từ Nga sang thị trường Trung Quốc. Trong tháng 5, Nga cho biết sẽ tăng cường xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc thông qua một hành lang ngũ cốc trên bộ mới. Hiện nay, hai bên đang chứng kiến những động lực tích cực trong hoạt động thương mại nông nghiệp giữa hai nước. Đồng thời, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, ngày 09/8/2023, Bộ Cung ứng và Thương mại Nội địa Ai Cập cho biết nước này đã ký một thỏa thuận mua 235.000 tấn lúa mỳ của Nga.
Từ ngày 20-29/7/2023, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu gạo với lý do đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Động thái này của các nước, đặc biệt là cường quốc xuất khẩu gạo Ấn Độ, đang tác động mạnh tới tâm lý của người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu về lâu dài. Vốn là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, động thái của Ấn Độ không chỉ tác động tới khu vực châu Á mà nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông cũng bị ảnh hưởng. Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường không thuộc giống basmati, những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này lo lắng. Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo bán ra, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ. Nếu tình trạng các nước xuất khẩu gạo lớn áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu thì dễ dẫn tới việc các nước nhập khẩu lớn như Indonesia và Malaysia sẽ tích trữ và không loại trừ nguy cơ gây ra ra hỗn loạn trên thị trường gạo quốc tế.
Trước tình hình trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo. Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhấn mạnh việc Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có khả năng làm trầm trọng thêm biến động của giá lương thực thế giới, dẫn đến các biện pháp trả đũa, có thể gây hại cho toàn cầu.
Bên cạnh việc một số nước lớn ngừng xuất khẩu gạo, mối lo về mất an ninh lương thực còn bắt nguồn từ tình hình thời tiết. Hãng tin Reuters cho biết gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% diện tích trồng lúa là ở châu Á, nơi đang xảy ra các sự kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán. Ngoài ra, tình trạng ngập lụt đất nông nghiệp đã làm tăng thêm mối lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với nguồn cung cấp lương thực và nông nghiệp tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, những trận mưa lớn xảy ra ngay trước vụ thu hoạch đã khiến sản lượng lúa mì vụ hè của Trung Quốc năm nay giảm 0,9% - mức giảm đầu tiên trong 7 năm qua.
III. KẾT QUẢ BẦU CỬ QUỐC HỘI CAMPUCHIA KHÓA VII
Ngày 23/7/2023, Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khoá VII nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ngày 5/8/2023, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) chính thức công bố kết quả bầu cử Quốc hội khóa VII với chiến thắng thuộc về Đảng Nhân dân Campuchia (CPP).
Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), có 18 chính đảng tham gia tranh cử để giành 125 ghế nghị sĩ Quốc hội Khóa VII nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong đó, 17 chính đảng đã cạnh tranh với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền do Thủ tướng Chính phủ Samdech Techo Hun Sen đứng đầu. Cuộc bầu cử đã diễn ra với 23.789 điểm bỏ phiếu trên khắp 25 tỉnh, thành phố ở Campuchia với hơn 9 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu, chiếm khoảng 89% tổng dân số Campuchia. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử là hơn 8 triệu cử tri, chiếm khoảng 85%, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), cuộc bầu cử lần này có gần 90.000 quan sát viên đến từ 134 tổ chức và 586 quan sát quan viên quốc tế thuộc 52 tổ chức, cơ quan ngoại giao. Ngoài ra, có 250 phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế tới đưa tin về cuộc bầu cử. Chính phủ Campuchia đã triển khai gần 100.000 nhân viên tham gia để đảm bảo cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, đảm bảo tự do, dân chủ, an ninh trật tự. Ngay sau thành công của cuộc bầu cử, Chủ tịch Hun Sen đã gửi thông điệp chúc mừng và nhấn mạnh rằng bất chấp sự ngăn cản, chống phá của lực lượng đối lập cực đoan, người dân đã thực hiện nền dân chủ thực sự thông qua bầu cử.
Với tiền đề giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử gần nhất, nắm giữ tất cả 125 ghế Quốc hội đương nhiệm, lãnh đạo đất nước gặt hái nhiều thành quả trong nhiệm kỳ vừa qua và bối cảnh chính trị thuận lợi, Đảng CPP đã tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử với việc giành được 120/125 ghế. Việc CPP giành chiến thắng cho thấy niềm tin của người dân đối với Đảng CPP; ủng hộ Chủ tịch Samdech Techo Hun Sen và ủng hộ Tiến sĩ Hun Manet, người kế tục vai trò lãnh đạo của CPP. Các chuyên gia đánh giá, thắng lợi trong cuộc bầu cử này sẽ tạo điều kiện để vận hành thông suốt kế hoạch chuyển giao thế hệ lãnh đạo và chuyển giao quyền lực trong hòa bình, ổn định và phát triển ở Campuchia. Dự kiến trong thời gian gần, Đảng CPP sẽ tiến hành bầu Lãnh đạo Quốc hội và thành lập Chính phủ khoá VII.
Đảng Nhân dân Campuchia đã ra tuyên bố công nhận kết quả chính thức của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia. Đồng thời cam kết Chính phủ do đảng Nhân dân Campuchia lãnh đạo trong 5 năm tới sẽ tiếp tục chính sách đoàn kết dân tộc, nỗ lực thực hiện cương lĩnh chính trị đề ra, chú trọng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Ngày 7/8/2023, ngay sau khi Hoàng gia Campuchia công bố sắc lệnh sắc phong Tiến sĩ Hun Manet làm Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới (2023 - 2028), Thủ tướng đương nhiệm Samdech Techo Hun Sen đã gửi thông điệp về 15 ngày cầm quyền cuối nhiệm kỳ sau gần 4 thập niên giữ cương vị này. Trong các phát biểu gần đây, ông Hun Sen tuyên bố sau khi rời cương vị Thủ tướng, ông sẽ tiếp tục hoạt động lãnh đạo đất nước trên nhiều cương vị khác nhau như Chủ tịch CPP, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Tối cao của Quốc vương, Chủ tịch Thượng viện Campuchia.
IV. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NGA - CHÂU PHI
Ngày 27-28/7/2023, Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai diễn ra tại thành phố St.Petersburg (Nga). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và đối đầu giữa Nga với phương Tây đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ Nga - châu Phi.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 là sự kiện cấp cao nhất và có quy mô lớn nhất trong quan hệ Nga, châu Phi từ trước đến nay. Hội nghị không chỉ tập trung vào việc mở rộng hợp tác chiến lược Nga - châu Phi mà còn tập trung vào các chủ đề như: ổn định toàn cầu và khu vực, phát triển bền vững, củng cố chủ quyền của các quốc gia châu Phi trên mọi phương diện. Phát biểu tại phiên họp toàn thể Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, Nga coi trọng mối quan hệ đối tác với châu Phi và mong muốn thúc đẩy thành mối quan hệ toàn diện. Nga luôn đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp ngũ cốc cho châu Phi, bao gồm cả viện trợ nhân đạo thông qua Liên hợp quốc. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế tăng lên nhiều lần và “thực tế khách quan” này cần được tính tới. Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi các quốc gia châu Phi cùng xây dựng một cấu trúc trật tự thế giới mới, công bằng hơn, cùng bảo vệ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như vai trò trung tâm của tổ chức thế giới này và nỗ lực phối hợp các cách tiếp cận với các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế.
Ngày 28/7/2023, Tổng thống Nga V.Putin và lãnh đạo các nước châu Phi đã thông qua tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ II và kế hoạch hành động chung của hai bên đến năm 2026. Tuyên bố của hội nghị hoan nghênh quyết tâm của Nga trong việc tiếp tục giúp đỡ các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng cũng như thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển quốc tế. Trong khuôn khổ hợp tác, các bên thống nhất nhiều điểm nghĩa vụ, trong đó có cơ chế “đối tác đối thoại” về chính trị, kinh tế và khoa học.
Đáng chú ý, để bảo đảm cho hoạt động kinh tế, thương mại, hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, hai bên thống nhất sử dụng đồng tiền quốc gia; thiết lập các hành lang logistics và các trung tâm trung chuyển nông sản, hàng hóa. Đây là cơ sở, nền tảng cho quan hệ kinh tế hai chiều lâu dài giữa Nga và châu Phi. Hai bên thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề lớn về an ninh của thế giới và khu vực như ngăn chặn chạy đua vũ trang trên vũ trụ, hợp tác bảo đảm an ninh thông tin quốc tế và tăng cường hợp tác chống khủng bố. Các nhà lãnh đạo châu Phi hoan nghênh sự hỗ trợ, ủng hộ, hợp tác toàn diện của Nga. Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Azali Assoumani tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải, thuyết phục Ukraine giải quyết xung đột với Nga. Trong khi đó, Nga ủng hộ châu Phi trở thành một trung tâm quyền lực mới, mở rộng vai trò trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ chế quốc tế quan trọng.
Giới quan sát và chuyên gia quốc tế nhận định, việc tăng cường quan hệ giữa Nga và các nước châu Phi đang trở nên quan trọng trong bối cảnh nước Nga đang bị Mỹ và phương Tây tiến hành hàng chục nghìn lệnh trừng phạt. Với 54 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, Nga đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ để không chỉ nâng tầm ảnh hưởng tại châu lục này mà còn góp phần có thêm tiếng nói ủng hộ lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế. Nga là một trong số nhiều nhân tố đang tích cực tăng cường các nỗ lực để tranh giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế tại châu Phi, bên cạnh, Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh, Hàn Quốc và Nhật Bản.
V. MỘT SỐ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về tình hình Ukraine do Saudi Arabia tổ chức. Cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine diễn ra tại Saudi Arabi có sự tham gia của khoảng 40 quốc gia. Ukraine và những nước ủng hộ phương Tây cho rằng cuộc đàm phán là một nỗ lực để tập hợp sự ủng hộ toàn cầu đằng sau các điều kiện chấm dứt xung đột có lợi cho Ukraine. Việc Trung Quốc tham gia đàm phán được giới chuyên gia đánh giá là một tín hiệu cho thấy những thay đổi trong cách tiếp cận khi nước này từng từ chối tham gia các cuộc đàm phán trước đó ở Đan Mạch. Trung Quốc đang hướng nhiều hơn đến các nỗ lực hòa giải và các sáng kiến hòa bình do Trung Quốc đưa ra khó có thể được phương Tây chấp nhận vào thời điểm này. Trung Quốc muốn đảm bảo hòa đàm về Ukraine ở Saudi Arabia không trở thành sự kiện do phương Tây dẫn đầu để “chống Nga và cô lập Moskva”, đồng thời có thể đóng vai trò là “cầu nối để truyền đạt quan điểm của cả hai bên”. Trước động thái này của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller phát biểu: “tin rằng việc Trung Quốc tham dự là hữu ích”.
- Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định Malaysia luôn nhất quán trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 36, Thủ tướng Anwar cho biết, Malaysia luôn ủng hộ việc giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và xây dựng, phù hợp với các chuẩn mực và nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ông nhấn mạnh, việc đẩy mạnh quân sự hóa và sử dụng “chiến thuật vùng xám” ở Biển Đông không mang lại hòa bình và không mang tính xây dựng. Đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và chuẩn mực.
- Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Singapore, Malaysia và Campuchia từ ngày 10-13/8/2023.Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị sau khi ông được bổ nhiệm lại vào vị trí ngoại trưởng vào cuối tháng 7/2023.
Trong chuyến thăm Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan. Hai bên đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ Trung Quốc - Singapore hiện nay. Hai ngoại trưởng cho biết sẽ tận dụng cơ hội để nâng cấp hơn nữa quan hệ theo đường hướng chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã đề ra. Trong chuyến thăm Malaysia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Trong chuyến thăm Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Sok Chenda Sophea, trong đó hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương.
Theo các chuyên gia, việc chọn Đông Nam Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho thấy, khu vực này luôn được đặt làm trọng tâm trong chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc. Quan hệ của Trung Quốc với Singapore, Malaysia và Campuchia duy trì đà tăng trưởng vững chắc. Trung Quốc và Singapore đã thiết lập quan hệ đối tác hướng tới tương lai chất lượng cao toàn diện. Trung Quốc và Malaysia đã đạt được những hiểu biết chung về việc cùng xây dựng một cộng đồng tương lai chung. Trong khi đó, Trung Quốc và Campuchia đang hợp tác để mở ra một kỷ nguyên mới trong việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Campuchia chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao với một tương lai chung.
Ban Tuyên giáo Trung ương