I. MỘT SỐ NÉT VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ 9 THÁNG NĂM 2023
9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; triển khai thiết thực, hiệu quả nhiều chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Nhờ đó, tình hình kinh tế đã ghi nhận những chuyển biến tích cực:
Tăng trưởng GDP vượt mong đợi. GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%, cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, tăng trưởng của Việt Nam đều cao hơn.
Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực hơn. Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 748,9 nghìn lao động, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và giảm 1,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Có 48,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 165,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 13,1% và luân chuyển tăng 27,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển tăng 12,5%; khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 3,8 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 2.135,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%). Mức tăng chỉ tiêu này của quý III đạt 7,6% cao hơn mức tăng của quý II (5,6%) và quý I (3,6%).
FDI vào Việt Nam trong 9 tháng là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế giảm sút. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2019 đến nay.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng ước đạt 60,53 tỷ USD, xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD) với các sản phẩm chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu cao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; dây điện và cáp điện...
Lạm phát có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới ở mức cao. CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khoá thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh những điểm sáng trên, nền kinh tế cũng đang đối mặt với một số khó khăn, như: Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra: 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP là 4,24%, trong khi chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 6,3%. Xuất khẩu giảm 8,2%, nhập khẩu giảm 13,8%, nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 13,9% so với cùng kỳ, xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực tiếp tục giảm… Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm. Điều này phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đặt ra thách thức trong việc thúc đẩy sản lượng, gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh hơn trong trung và dài hạn...
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ của Chính phủ; đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; điều hành tỷ giá phù hợp; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêu dùng thông qua các giải pháp tập trung phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng…
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023 và hết giai đoạn 2021-2025, các Bbộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị, Công điện, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công văn số 555/TTg-QHĐP, ngày 16/6/2023, số 666/TTg-QHĐP, ngày 18/7/2023, Thông báo số 335/TB-VPCP, ngày 18/8/2023 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và chế độ báo cáo trực tuyến trên Hệ thống trong giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia; thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ; hướng dẫn các địa phương thực hiện hệ thống mẫu biểu báo cáo về triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất, logic, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp trong quá trình nhập, tích hợp thông tin, số liệu báo cáo…
Ủy ban Dân tộc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về đầu tư công; thông báo mức vốn sự nghiệp năm 2024 và 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ; ban hành danh sách thôn có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên và rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định; nghiên cứu, đề xuất giải pháp để phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp là đối tượng thụ hưởng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền; xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thiết lập liên thông dữ liệu với Hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng trong thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, báo cáo cấp có thẩm quyền; hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới; ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật và công nghệ thực hiện các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT, ngày 25/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng, hoàn thiện chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá và Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thiết lập liên thông dữ liệu với Hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đề xuất cụ thể các chỉ tiêu, mục tiêu được giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg, ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ cần điều chỉnh, gửi các bộ, cơ quan Chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG CÔNG TÁC CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN CẤP THIẾT PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH
Ngày 31/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nghị quyết nêu rõ:
Theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 131/NQ-CP, ngày 15/9/2020 của Chính phủ, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung trong trường hợp cần thiết cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo Luật Quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
Trước khi Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành (1/1/2019), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó quy định về việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 7/9/2006 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2008/NĐ-CP, ngày 11/01/2008) về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định nêu trên.
Một số giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng để hợp thức hóa sai phạm, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cụ thể:
Đối với các địa phương chưa có quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng hoặc quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được lập, phê duyệt theo quy định về trình tự, thủ tục của văn bản quy phạm pháp luật nào thì khi điều chỉnh nội dung và kéo dài thời kỳ áp dụng trình tự, thủ tục điều chỉnh quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung được cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc điều chỉnh nội dung và kéo dài thời kỳ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng hoặc quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh theo quy định nêu trên, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được phân bổ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng có hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên…
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2023, được thực hiện cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo Luật Quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
IV. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn như sau:
Thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được bầu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư. Trên cơ sở đề nghị của ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố, ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xem xét, cho thôi làm thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; hướng dẫn bầu, bổ sung thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Số lượng thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được xác định trên cơ sở tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 thành viên. Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định số lượng cụ thể thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn theo nguyên tắc bảo đảm mỗi thôn, tổ dân phố có đại diện tham gia là thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Đối với xã, phường, thị trấn có dưới 5 thôn, tổ dân phố thì được bầu tối đa 5 thành viên ban thanh tra nhân dân. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên. Số lượng phó trưởng ban do ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định căn cứ vào số lượng thành viên ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn nhưng không quá 2 người.
Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 38 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng, hằng năm và nhiệm kỳ. Trên cơ sở kế hoạch hoạt động, ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể để gửi ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và đối tượng kiểm tra, giám sát khác (nếu có) chậm nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát.
Về phương thức hoạt động, ban thanh tra nhân dân tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, phân tích, đối chiếu, tổng hợp thông tin và đánh giá, làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị. Thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị bằng văn bản. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
V. TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó nêu rõ:
Triển khai tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức rà soát văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành và địa phương về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Triển khai xây dựng, biên soạn tài liệu phổ biến, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để các cơ quan, tổ chức có liên quan tham khảo, sử dụng thống nhất trên toàn quốc; tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan đối với cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các điểm mới của Luật này bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực mình quản lý tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do bộ, ngành, địa phương mình đã ban hành, thực hiện; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của luật chuyên ngành và các văn bản của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp với các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xây dựng một số nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
VI. CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
Quyết định số 1121/QĐ-TTg, ngày 25/9/2023 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Xây dựng Khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai phòng, chống kháng thuốc trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, lồng ghép vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để thực hiện…
Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn sinh học trong y tế, nông nghiệp. Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về thực hành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thực phẩm để kiểm soát dư lượng kháng sinh và các vi sinh vật kháng thuốc...
Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; duy trì cam kết của cá nhân và xã hội đối với thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích; thúc đẩy các hành vi lành mạnh để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng...
Củng cố năng lực hệ thống giám sát kháng thuốc ở người, động vật và tại cộng đồng; giám sát sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật để làm bằng chứng xây dựng, điều chỉnh hướng dẫn và các hoạt động can thiệp kịp thời ở cấp quốc gia và cấp cơ sở. Rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe con người; kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.
Xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, vi sinh, dược sỹ lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, thú y. Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho bác sỹ, vi sinh, dược sỹ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên thú y và các nhân viên liên quan về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe con người; giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.
Nâng cao năng lực nghiên cứu về đánh giá sử dụng thuốc, kháng thuốc, đặc biệt là nghiên cứu về vi khuẩn đa kháng thuốc, triển khai các can thiệp thúc đẩy sử dụng kháng sinh hợp lý. Tiếp tục ưu tiên và hỗ trợ nghiên cứu khoa học về các bệnh truyền nhiễm ở người, động vật, thủy sản, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ giữa đối tác với các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, trường đại học.
Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia các hội thảo, hội nghị, diễn đàn khoa học về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sử dụng thuốc hợp lý điều trị bệnh cho người và động vật, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra chất lượng xét nghiệm vi sinh, kháng thuốc. Khuyến khích tham gia vào các nghiên cứu hợp tác quốc tế liên quan đến phòng chống kháng thuốc…
VII. QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN XÁC ĐỊNH NGƯỜI BỊ PHƠI NHIỄM VỚI HIV, NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg, ngày 22/9/2023 của Thủ tướng quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp nêu rõ:
Người được xác định bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Khi đang thi hành nhiệm vụ bị một trong các tai nạn sau: Bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương; bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người không xác định được tình trạng nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương. Có kết quả xét nghiệm HIV âm tính do cơ sở xét nghiệm theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm HIV phải lấy từ người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm xẩy ra tai nạn quy định tại khoản 1.
Người được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm phải lấy từ người bị phơi nhiễm với HIV tại thời điểm từ đủ 30 ngày đến trước 180 ngày kể từ thời điểm bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp: Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý. Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý. Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý và các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành khác trừ trường hợp quy định trên.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp gồm: Công văn đề nghị cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp; bản chính hoặc bản sao kết quả xét nghiệm HIV âm tính; bản chính hoặc bản sao kết quả xét nghiệm HIV dương tính của nguồn gây phơi nhiễm HIV (nếu có).
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, gồm: Công văn đề nghị cấp giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này; bản chính hoặc bản sao một trong các giấy tờ sau: kết: quả xét nghiệm HIV dương tính, tóm tắt hồ sơ bệnh án của người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
VIII. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỦA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG MÔ HÌNH NGUỒN TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Quyết định số 1117/QĐ-TTg, ngày 25/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng, ban hành quy định của Chính phủ về việc xây dựng, công bố, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học; quy định các chế độ, chính sách để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các nhà giáo, nhà khoa học tham gia đóng góp, chia sẻ, khai thác và sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học; xây dựng, ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.
Xây dựng và phát triển kho dữ liệu về tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học đối với các trình độ, các ngành đào tạo và các chương trình đào tạo đang triển khai thực hiện tại cơ sở đào tạo để kết nối liên thông với kho dữ liệu về tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học của hệ giáo dục đại học Việt Nam; huy động, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia xây dựng, hoàn thiện và phát triển về tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.
Xây dựng cổng truy cập tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học chung của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam kết nối liên thông với kho dữ liệu tài nguyên giáo dục mở của từng cơ sở giáo dục đại học và cổng học liệu số giáo dục đại học, kho tài liệu khác về giáo dục đại học; vận hành, duy trì và phát triển cổng truy cập tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.
Tăng cường công tác thông tin và truyền thông trên các phương tiện thông đại chúng nói chung và tại các cơ sở giáo dục đại học về vai trò, ý nghĩa của mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập và học tập suốt đời; tổ chức hội thảo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, người học trong các cơ sở giáo dục đại học về việc xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học và việc phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.
IX. VỀ VIỆC GIẢM TIỀN THUÊ ĐẤT CỦA NĂM 2023
Ngày 3/10/2023, Chính phủ ban hành Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023. Đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm (người thuê đất).
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai) và pháp luật khác có liên quan.
Mức giảm tiền thuê đất: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất quy định nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Mức giảm tiền thuê đất nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg, ngày 31/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.
X. TĂNG CƯỜNG NHIỆM VỤ ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ
Từ cuối tháng 9 đến nay, nhiều địa phương khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có mưa to đến rất to, có nơi tới trên 500 mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Dự báo thời gian tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, tại Công điện 898/CĐ-TTg, ngày 28/9/2023, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm bốn tại chỗ, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
XI. VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM
Qua 10 năm thực hiện mô hình thí điểm Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức đảng, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện thí điểm đạt kết quả tích cực. Công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò Người cao tuổi được tăng cường. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về vị trí của Hội Người cao tuổi được nâng cao. Tổ chức bộ máy, cán bộ hội được củng cố, kiện toàn, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Người cao tuổi; động viên Người cao tuổi chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình, cộng đồng, dân tộc.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác Người cao tuổi; chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng tổ chức hội và đội ngũ cán bộ hội. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Người cao tuổi một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy, năng lực công tác của một bộ phận cán bộ hội còn hạn chế; chưa làm tốt vai trò đại diện, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, chưa phát huy vai trò tích cực của Người cao tuổi và tổ chức hội trong đời sống xã hội.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò Người cao tuổi, xây dựng Hội Người cao tuổi Việt Nam đáp ứng yêu cầu tình hình mới, ngày 23/6/2023, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 58-KL/TW về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với Hội Người cao tuổi Việt Nam và công tác người cao tuổi; quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi.
Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật phù hợp với chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và tốc độ già hoá dân số. Tăng cường quản lý nhà nước, đầu tư nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật, nhất là chính sách bảo đảm an sinh cho người cao tuổi; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030; khuyến khích người cao tuổi tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; quan tâm chỉ đạo xây dựng, quản lý quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi các cấp hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp và thống nhất hành động, hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kịp thời lắng nghe, phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người cao tuổi. Phát hiện, biểu dương, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, tấm gương điển hình người cao tuổi và hội người cao tuổi các cấp.
Bốn là, Hội Người cao tuổi Việt Nam tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng hội vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đại diện quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; đẩy mạnh phát triển hội viên và tổ chức hội ở cơ sở; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; động viên người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm góp phần phát triển địa phương, đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với người cao tuổi.
Năm là, đồng ý chủ trương xây dựng tổ chức hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Căn cứ nhu cầu, tình hình, điều kiện thực tế, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương xem xét việc thành lập hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện và quyết định số biên chế làm việc trong biên chế của địa phương; tạo điều kiện để hội hoạt động hiệu quả.
Ban Tuyên giáo Trung ương