Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 11/2023)

Thứ hai - 30/10/2023 21:33
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 11/2023) có một số nội dung sau: Thông điệp của Tổng thống Nga V.Putin tại hội nghị thường niên Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 20; Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu; Về cuộc xung đột Israel - Hamas; Một số sự kiện thế giới đáng chú ý…
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 20. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 20. Ảnh: AFP/TTXVN
 
I. THÔNG ĐIỆP CỦA TỔNG THỐNG NGA V.PUTIN TẠI HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CÂU LẠC BỘ THẢO LUẬN QUỐC TẾ VALDAI LẦN THỨ 20
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Hội nghị thường niên Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 20 diễn ra ở Sochi vào ngày 05/10/2023. Tham dự Hội nghị có 140 chuyên gia, chính trị gia, nhà ngoại giao và kinh tế từ 42 quốc gia, với chủ đề “Đa cực công bằng: Làm thế nào để đảm bảo an ninh và phát triển cho tất cả mọi người”.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng và tình hình của nước Nga hiện tại. Theo đó, Tổng thống Nga Putin khẳng định nền kinh tế Nga vẫn vững vàng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thu nhập thực tế của người dân Nga tăng hơn 12%; chi tiêu cho quốc phòng và an ninh của Nga tăng gần gấp đôi; Nga vẫn thặng dư ngân sách. Bên cạnh đó, tất cả các nghĩa vụ xã hội của nhà nước vẫn được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng thừa nhận các vấn đề kinh tế của nước Nga hiện nay, như tình trạng thiếu lao động và lạm phát. Ông cho biết “việc tái cơ cấu nền kinh tế đã bắt đầu một cách tự nhiên” và tái khẳng định nước Nga “đang có tình hình ổn định, đã khắc phục mọi vấn đề sau các lệnh trừng phạt và bắt đầu một giai đoạn phát triển mới trên cơ sở mới”. Thông điệp này nhất quán với nội dung phát biểu của Tổng thống Putin trước đó vào ngày 18/9 khi tuyên bố Nga đã hoàn tất giai đoạn phục hồi nền kinh tế. Dự báo đến cuối năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể đạt 2,5-2,8%. Nhu cầu tiêu dùng có động lực gia tăng tốt và ngành công nghiệp tăng trưởng đều đặn. Việc thực hiện ngân sách liên bang đảm bảo ổn định. Tổng thống Putin nhấn mạnh nguồn thu từ hoạt động kinh tế phi dầu khí hiện đã tốt hơn so với năm ngoái. Thu ngân sách của ngành dầu khí trong thời gian gần đây đã dần phục hồi.
Về quan hệ quốc tế, Tổng thống Putin kêu gọi tất cả các nước tuân thủ 6 nguyên tắc trong quan hệ quốc tế. Thứ nhất, là phải tạo ra một môi trường thân thiện và một thế giới toàn diện, nơi không có những rào cản nhân tạo đối với giao tiếp giữa con người, khả năng hiện thực hóa sáng tạo và sự thịnh vượng của con người. Thứ hai, sự đa dạng của thế giới không chỉ được bảo tồn mà còn phải là nền tảng cho sự phát triển toàn cầu. Thứ ba, thế giới của tương lai là thế giới của những quyết định tập thể, không phải của cá nhân. Thứ tư, an ninh toàn cầu và hòa bình lâu dài được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của mọi người. Thứ năm, công lý dành cho tất cả mọi người và tất cả phải được tiếp cận những lợi ích của sự phát triển hiện đại. Thứ sáu, bình đẳng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, Tổng thống Putin cho rằng, các nước phương Tây đã tích lũy của cải và ảnh hưởng qua nhiều thế kỷ bành trướng, chủ nghĩa thực dân và bóc lột kinh tế không ngừng. Mô hình này là nguồn cơn cho những căng thẳng hiện nay.
Về cuộc xung đột hiện nay giữa Nga với Ukraine, Tổng thổng Putin khẳng định, Nga tập trung vào việc bảo vệ người dân Donbass và Crimea trong cuộc xung đột với Ukraine, thay vì tìm kiếm các vùng lãnh thổ mới. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là vì cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn năm 2014 ở Ukraine. Cuộc đảo chính này trao quyền cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine và bị Crimea bác bỏ. Bán đảo này đã bỏ phiếu tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga cùng năm, trong khi các vùng Donbass là Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập khỏi Kiev. Hai nước cộng hòa tự xưng này cùng với hai khu vực khác của Ukraine là Kherson và Zaporozhye đã sáp nhập Nga sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 9/2022…
II. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH KHÔNG CHÍNH THỨC CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU
Ngày 6/10/2023, Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại thành phố Granada, Tây Ban Nha. Hội nghị là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của quá trình đề ra những định hướng chính trị chung của EU và ưu tiên trong những năm tới, đồng thời vạch ra đường lối hành động chiến lược định hình tương lai chung.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU xác định vấn đề mở rộng khối là “sự đầu tư địa - chiến lược” cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, là động lực để cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội của người dân châu Âu. Theo đó, các nước muốn gia nhập cần nỗ lực cải cách và EU cần cải cách quy trình ra quyết định và các quy định ngân sách để tiếp nhận các thành viên mới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, quá trình xem xét gia nhập EU sẽ được thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện và không “đốt cháy” giai đoạn. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình gia nhập EU của Ukraine sẽ diễn ra theo trình tự thông thường, không có ngoại lệ.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU tập trung thảo luận về chính sách nhập cư. Tuy nhiên, vấn đề này không được đưa vào tuyên bố chung do còn nhiều chia rẽ giữa các nước thành viên và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chỉ thông qua tuyên bố chủ tịch về di cư và tị nạn. 22 trong số 27 nước EU đạt được thỏa thuận về Quy định khủng hoảng, trong đó thiết lập các quy tắc phải tuân theo trong các trường hợp khẩn cấp như dòng người di cư ồ ạt. Đây là một trong những phần quan trọng của Hiệp ước Di cư và Tị nạn châu Âu và là phần cuối cùng của hiệp ước chưa được toàn bộ các quốc gia thành viên nhất trí. Trong đó, Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu chống và cho rằng các quyết định về di cư giữa các nước EU được đưa ra bởi quy tắc đa số đủ điều kiện, không phải nguyên tắc đồng thuận. Thời gian qua, số người di cư tìm cách tiếp cận bờ biển các nước EU không ngừng tăng. Tính từ đầu năm đến nay, EU ghi nhận hơn 250.000 người di cư bất hợp pháp vào lãnh thổ.
Hội nghị thông qua Tuyên bố Granada, nêu rõ trong thời gian tới EU sẽ tăng cường đầu tư vào quốc phòng, nỗ lực nâng cao khả năng tự cường và năng lực cạnh tranh lâu dài của mình, bảo đảm cho EU có tất cả công cụ cần thiết để tăng trưởng bền vững cũng như “vị thế lãnh đạo toàn cầu trong thập niên quan trọng này”. EU sẽ tăng cường năng lực ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt là trong bối cảnh các rủi ro về khí hậu, môi trường và căng thẳng địa chính trị có chiều hướng gia tăng; đón đầu các thách thức tiềm tàng và nắm bắt mọi cơ hội trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tiếp tục nỗ lực xây dựng một thị trường chung ngày càng gắn kết, dựa trên đổi mới sáng tạo, bảo đảm sự bình đẳng, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường tự chủ về năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài trong các lĩnh vực quan trọng khác, củng cố vị thế của mình như là “một trung tâm công nghiệp, công nghệ và thương mại”; tăng cường hợp tác với các đối tác trên khắp thế giới để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bảo đảm hệ thống đa phương công bằng hơn…
III. VỀ CUỘC XUNG ĐỘT ISRAEL - HAMAS
Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa lắng dịu, ngày 7/10/2023, Hamas, nhóm Hồi giáo thánh chiến người Palestine đã phát động cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào Israel.
Phong trào Hồi giáo Hamas - lực lượng nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, ngày 7/10/2023 đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các thị trấn của Israel nằm kề bên Dải Gaza. Ngay sau cuộc tấn công, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel, Itamar Ben-Gvir, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trên cả nước, đồng thời ra lệnh huy động tất cả các nhân viên cảnh sát tình nguyện và yêu cầu trang bị đầy đủ vũ khí cho tất cả lực lượng an ninh. Israel cũng đã tiến hành các vụ không kích đáp trả vào các vùng lãnh thổ Palestine. Đến nay, xung đột đã khiến hơn nhiều người dân Palestine và Israel thiệt mạng. Đây được xem là đợt leo thang căng thẳng gây thương vong nặng nề nhất trong cuộc xung đột hàng thập niên qua giữa người Palestine và Israel.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có cuộc họp khẩn với một số quan chức cấp cao trong chính quyền Palestine sau khi có thông tin về vụ tấn công. Tổng thống Abbas khẳng định người dân Palestine có quyền tự vệ trước các hành vi chiếm đóng. Chính quyền Palestine đã kêu gọi Liên đoàn Arab tổ chức một cuộc họp khẩn ở cấp bộ trưởng ngoại giao.
Trước diễn biến căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, các quốc gia trên thế giới đã lên án làn sóng tấn công trên bộ, trên không và trên biển nhằm vào Israel, kêu gọi chấm dứt sự thù địch và đảm bảo một hành lang đi lại an toàn người dân. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ mang lại sự hỗ trợ “vững chắc” và các viện trợ phòng thủ cho Israel và mô tả hành vi của nhóm Hamas ở Palestine là “các cuộc tấn công khủng bố”, “một thảm kịch khủng khiếp”. Nhiều lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh Israel có quyền tự vệ và họ bày tỏ sự đoàn kết với Israel. Trong một tuyên bố ngày 9/10/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nêu rõ tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rẽ là cuộc xung đột lâu dài từ hàng chục năm trước và “chưa có hồi kết chính trị”. Ông nhấn mạnh, đã đến lúc chấm dứt vòng luẩn quẩn này và chỉ có một nền hòa bình đạt được thông qua đàm phán đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người Palestine và Israel, cùng với vấn đề an ninh của họ - như tầm nhìn lâu dài về giải pháp hai nhà nước, phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đây - mới có thể mang lại sự ổn định lâu dài cho người dân vùng đất này và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. Tổng Thư ký Guterres bày tỏ phản đối các cuộc tấn công của Hamas và lo ngại về các hành động đáp trả của Israel và hết sức quan ngại về cuộc “bao vây hoàn toàn” khu vực này của Israel, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 2,3 triệu dân tại đây. Nga kêu gọi cả Palestine và Israel “lập tức thực thi một lệnh ngừng bắn”, đồng thời cho biết đang liên lạc với các phía Israel, Palestine và các nhà nước Arab để thảo luận về tình hình bạo lực.
Trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân”.
IV. THÚC ĐẨY CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ CÁC NƯỚC NGHÈO VÀ ĐANG PHÁT TRIỂN VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG NỢ
Theo thống kê, hơn một nửa số quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp đang có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần cao và khoảng 1/5 các thị trường mới nổi có giao dịch trái phiếu chính phủ ở mức khó khăn. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết, thực trạng nợ nần tại các nước đang phát triển hiện ở mức nghiêm trọng, khi 52 nước đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, hoặc rất gần với nguy cơ vỡ nợ. 25 trong số 52 nước gặp vấn đề về nợ đang phải chi khoảng 20% thu nhập công chỉ để chi trả cho các khoản nợ.
Tại châu Âu, nợ công của Ukraine cao kỷ lục. Bộ Tài chính Ukraine cho biết, riêng trong tháng 7/2023, nợ công của Ukraine đã tăng thêm 4 tỷ USD, nâng tổng nợ quốc gia của nước này lên mức cao nhất từ trước đến nay, gần 133 tỷ USD. Bộ Tài chính Ukraine dự báo, nợ công của nước này có thể tăng lên mức 173 tỷ USD vào cuối năm, và cho biết phần lớn các khoản hỗ trợ của phương Tây được cung cấp dưới dạng tín dụng nên cần phải trả nợ. Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko, kể từ khi xảy ra xung đột với Nga hồi tháng 2/2022, thâm hụt ngân sách hàng tháng của Ukraine khoảng 5 tỷ USD.
Tại Nam Á, Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5/2022. Trong khi đó, Pakistan cần tới 22 tỷ USD để trả nợ nước ngoài và thanh toán các hóa đơn cho năm tài chính 2024 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ở mức cao kỷ lục đi kèm những thiệt hại nặng nề sau trận lũ lụt lịch sử năm 2022. Tháng 6/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói cứu trợ 3 tỷ USD cho Pakistan, 3 tỷ USD tiền mặt hỗ trợ của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Các chuyên gia tiếp tục hoài nghi về sức chống chịu của nền kinh tế Pakistan nếu thiếu các khoản hỗ trợ lớn.
Tại Trung Đông, Liban đã vỡ nợ vào năm 2020 và có ít dấu hiệu cho thấy kinh tế nước này đang hồi phục. Tại Bắc Phi, kể từ năm 2011, kinh tế Tunisia rơi vào khủng hoảng toàn diện. Các tổ chức xếp hạng tín dụng nhận định, Tunisia có thể vỡ nợ trong bối cảnh lô trái phiếu châu Âu trị giá 500 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng 10/2023. Trong khi đó, Ai Cập cần trả khoản nợ gần 100 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Tại Đông Phi, bất ổn chính trị và đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Ethiopia. Đầu năm 2021, chính quyền Ethiopia đã đề xuất tái cơ cấu theo Khuôn khổ chung về Xử lý Nợ bên ngoài Sáng kiến Hoãn Thanh toán Nợ của Nhóm G20. Tại Kenya, nền kinh tế đầu tàu của khu vực Đông Phi, nợ công đã chạm mức 67,4% GDP vào cuối năm 2022, khiến nước này có nguy cơ cao rơi vào khủng hoảng nợ.
Tại Tây Phi, Ghana đã vỡ nợ hầu hết các khoản nợ nước ngoài vào tháng 12/2022 và trở thành quốc gia thứ 4 tìm cách tái cơ cấu kinh tế theo Khuôn khổ Chung của G20. Nước này đã tiếp nhận gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD của IMF tháng 5/2023.
Tại Trung Mỹ, El Salvador hiện có khoảng 6,4 tỷ USD trái phiếu châu Âu đang lưu hành. Mặc dù khoản thanh toán tiếp theo đến năm 2025 mới đến hạn, nhưng những lo ngại về chi phí trả nợ cao của El Salvador cũng như các kế hoạch tài chính và chính sách tài khóa đã đẩy trái phiếu của nước này vào tình trạng suy yếu sâu sắc.
Không chỉ tại các nước đang phát triển, UNCTAD cũng quan ngại về khủng hoảng nợ tại các nước nghèo. Theo thống kê, các nước nghèo nhất thế giới hiện đang nợ các chủ nợ song phương chính thức 62 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Ước tính, chính phủ tại những nước này sẽ phải trả thêm 1.100 tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023.
Trong bối cảnh gánh nặng nợ nần đang làm tăng nguy cơ vỡ nợ ở các nước nghèo và cuộc khủng hoảng nợ tác động nghiêm trọng tới phát triển bền vững ở các nước đang phát triển, UNCTAD đã thúc đẩy các giải pháp đa phương trong các lĩnh vực xây dựng năng lực, minh bạch nợ, giải quyết và cứu trợ khủng hoảng nợ. UNCTAD ủng hộ việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý đa phương để tái cấu trúc và xóa nợ nhằm tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng nợ kịp thời, có trật tự với sự tham gia của tất cả các chủ nợ, dựa trên chương trình giảm nợ do Nhóm G20 thành lập.
Theo các chuyên gia, nếu không có các biện pháp khẩn cấp, mạnh mẽ hơn nữa, nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng nợ nần, thậm chí là vỡ nợ, từ đó ảnh hưởng đến các dự án chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng, giảm biến đổi khí hậu... Nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ đang lớn dần sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Chính vì vậy, hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng nợ, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ sẽ là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của các thống đốc ngân hàng trung ương, Bộ trưởng Tài chính và các nhà lãnh đạo chính trị tại các hội nghị sắp tới.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023.Trong bối cảnh thương mại hàng hóa liên tục sụt giảm từ quý IV/2022, ngày 05/10/2023, WTO cho biết thương mại và sản lượng của thế giới đã bất ngờ giảm trong quý IV/2022 do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát kéo dài, cũng như việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nền kinh tế triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt. Dự kiến thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024, GDP tăng trưởng ở mức chậm nhưng ổn định. WTO dự báo, GDP thực tế sẽ tăng 2,6% trong năm 2023 và 2,5% vào năm 2024. Cùng ngày, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định nhu cầu dịch vụ ngày càng lớn và những tiến triển trong kiềm chế lạm phát đang giúp nền kinh tế toàn cầu thêm cơ hội thoát khỏi suy thoái, song cảnh báo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
- EU đạt được thỏa thuận về chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn: Ngày 4/10/2023, Tây Ban Nha, quốc gia đảm nhận Chủ tịch luân phiên EU, cho biết các nước thành viên đã đạt được Hiệp định về di cư và tị nạn mới tại cuộc thảo luận xoay quanh một văn bản sửa đổi của thỏa thuận về cơ chế chia sẻ người tị nạn do Tây Ban Nha đề xuất. Cho dù, Ba Lan và Hungary phản đối, tuy nhiên, EU vẫn đạt được thỏa thuận nhờ đa số ủng hộ.
Hiệp định này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia nằm ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác. EU cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận. Đồng thời, EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển. Bên cạnh đó, EU cũng kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần hiện nay.
- Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) khuyến nghị các chính phủ xây dựng chính sách để giảm thất thoát và lãng phí lương thực: Ngày 6/10/2023, FAO cho biết, giá đường trên thị trường toàn cầu trong tháng 9/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 13 năm qua, sau khi sản lượng tại Thái Lan và Ấn Độ giảm bởi ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Giá dầu thô tăng trên thị trường toàn cầu cũng góp phần khiến giá đường tăng. FAO cho rằng thế giới còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt hoàn toàn nạn đói khi số người bị đói trên thế giới hiện nay đang cao hơn tới 745 triệu người so với năm 2015. Thế giới chưa ghi nhận tiến bộ trong thực hiện mục tiêu giảm 50% lượng thực phẩm bị vứt bỏ, hiện vẫn ở mức 13% từ năm 2016 đến nay. Do vậy, FAO khuyến nghị các chính phủ xây dựng chính sách để giảm thất thoát và lãng phí lương thực. 
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây