I. DƯ LUẬN QUỐC TẾ ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM
Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế phục hồi chậm do những tác động mới nhất từ cuộc xung đột Hamas - Israel, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về triển vọng.
Trang fitchratings.com của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Anh) ngày 9/11/2023 dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng có chậm lại, song đang sẵn sàng cho kỳ phục hồi. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3%, trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài suy yếu và những khó khăn kéo dài của lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, tổ chức này kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc lên mức 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025 nhờ các chính sách tài chính và tiền tệ hỗ trợ cho nền kinh tế. Các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế vẫn khả quan và đà tăng trưởng bền vững sẽ mở ra triển vọng kinh doanh tích cực cho ngành ngân hàng.
Trang Moneyweek.com (chuyên trang phân tích đầu tư của nước Anh) đã nhấn mạnh “Việt Nam, con hổ kinh tế mới của châu Á, đang phát triển mãnh mẽ, các nhà đầu tư cần hết sức lưu ý”. Khẳng định Việt Nam hiện là một trung tâm thịnh vượng trong khu vực với nhiều tiềm năng phát triển, Việt Nam đang có kế hoạch chuyển dịch sang các lĩnh vực có lợi nhuận cao như chất bán dẫn.
Trang Bloomberg cho rằng, Việt Nam cùng với Ba Lan, Mexico, Maroc và Indonesia là 5 “đầu nối” kinh tế trong một thế giới đang bị chia cắt, 5 quốc gia này đều đang được hưởng lợi từ việc cải tổ chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với căng thẳng Mỹ - Trung. Năm quốc gia này đều có vị trí chiến lược để tận dụng động lực chuyển đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia này chiếm 4% GDP toàn cầu nhưng đã thu hút hơn 10% vốn đầu tư được gọi là “ngành xanh” kể từ năm 2017, tương đương 550 tỷ USD.
Báo chí quốc tế so sánh Việt Nam với một số quốc gia khác cùng khu vực. Trang Bisnis.com (Indonesia) cho rằng, xu hướng tăng trưởng hàng năm của Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với Indonesia. Xu hướng trì trệ kinh tế có thể cản trở tham vọng của Indonesia trở thành quốc gia phát triển và có khả năng khiến Indonesia rơi vào bẫy thu nhập trung bình, khi đó Indonesia sẽ ngày càng bị các nước láng giềng khác ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bỏ lại phía sau.
Sự đánh giá của dư luận, tổ chức và truyền thông quốc tế phản ánh khách quan thông qua những số liệu về tình hình kinh tế Việt Nam thời gian qua, cũng như quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế trong năm 2024. Theo đó, ngày 09/11/2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV phê duyệt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% cho năm 2024 nhằm vực dậy vai trò là “trung tâm sản xuất” trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhu cầu toàn cầu sụt giảm và ảnh hưởng đến từ lĩnh vực bất động sản và tài chính.
II. DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (APEC) NĂM 2023
Tuần lễ Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 14-17/11/2023 tại San Francisco, Hoa Kỳ. Diễn đàn thu hút các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ, giám đốc doanh nghiệp và học giả đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
Là một trong những cơ chế hợp tác đa phương cấp cao nhất, có phạm vi rộng nhất và hiệu quả phong phú nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, APEC được thành lập năm 1989 nhằm thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bền vững của khu vực. Hiện APEC có 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga…, chiếm 38% dân số, 47% thương mại và 61% GDP toàn cầu. Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: (i) Tự do hóa thương mại và đầu tư, (ii) Thuận lợi hoá kinh doanh và (iii) Hợp tác kinh tế - kỹ thuật, nâng cao năng lực, phát triển bình đẳng và bền vững. Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ đăng cai tổ chức hội nghị APEC kể từ năm 2011, cách đây đúng 30 năm kể từ khi Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm 1993. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn phức tạp, quan hệ nước lớn khó lường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tình hình kinh tế thế giới, liên kết kinh tế quốc tế và khu vực chuyển đổi sâu sắc; các rủi ro, thách thức đan xen.
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và tổ chức các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14-17/11/2023. Đây là chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 25 năm Việt Nam tham gia APEC. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình của APEC, cụ thể:
Thứ nhất, Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Thứ hai, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực.
Thứ ba, Việt Nam đã khẳng định vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC thông qua đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn.
Chủ đề của Hội nghị APEC năm 2023 là “Tạo ra một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”, với mục tiêu là xây dựng một khu vực châu Á -Thái Bình Dương “kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm”. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế như phát triển bền vững, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và sức khỏe, đồng thời làm nổi bật tiến triển của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (IPEF). Ba chủ đề (kết nối, đổi mới sáng tạo, bao trùm) mà Hoa kỳ đưa ra trong năm nay tương ứng với ba trụ cột của Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040 mà hội nghị APEC thông qua tại Malaysia năm 2020.
Tại khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tham dự, phát biểu và có nhiều cuộc làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực với sự tham dự của hơn 2.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch nước truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp, vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay và tận dụng được các cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững của khu vực và từng nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Với Hoa Kỳ, các hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động song phương với lãnh đạo cấp cao và các đối tác Hoa Kỳ, nhất là tại bang California, sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trên tinh thần Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vừa qua, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối các địa phương.
Trong thời gian tới, công tác thông tin, tuyên truyền về sự kiện nêu trên cần chú ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền đầy đủ, toàn diện về các hoạt động, nội dung phát biểu và thông điệp đối ngoại của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại các hội nghị của diễn đàn. Nhấn mạnh vai trò, sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong APEC, sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với các sáng kiến của Việt Nam.
Thứ hai, đối với các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, nội dung thông tin, tuyên truyền cần đảm bảo đúng định hướng của các cơ quan chức năng, chú ý đảm bảo tính cân bằng, khách quan trong thông tin. Đồng thời, nhấn mạnh chủ trương của lãnh đạo hai nước về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, nhất là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Thứ ba, trong thông tin, tuyên truyền không sử dụng các nguồn tin thiếu khách quan, không chính thống, chú ý không khai thác, làm nóng những vấn đề còn tồn tại mâu thuẫn trong các nước thành viên APEC.
III. HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG NHÓM CÁC NƯỚC CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tổ chức từ ngày 7-8/11/2023 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel ngày càng nghiêm trọng. Điều này trở thành thách thức với Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch G7. Nhất là trong việc cân bằng quan điểm và lợi ích của các nước thành viên trong nhiều vấn đề quốc tế hiện nay, nhưng vẫn duy trì được những ưu tiên ngoại giao của Nhật Bản. Sau hai ngày nhóm họp, các nước thành viên thống nhất ra Tuyên bố chung đề cập đến nhiều chủ đề, trong đó có xung đột Israel - Hamas, xung đột Nga - Ukraine, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, các diễn biến ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tình hình xung đột Hamas - Israel được coi là vấn đề nóng nhất đã được khối các nước G7 thống nhất về lập trường, nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo, bảo vệ dân thường và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuyên bố chung của Hội nghị không đề cập tới thỏa thuận ngừng bắn, cũng như không có thái độ lên án cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Các Ngoại trưởng
Nhóm G7 khẳng định sự cần thiết phải “hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo” tại vùng đất Palestine do Hamas kiểm soát đang bị Israel bao vây. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông. Các ngoại trưởng Nhóm G7 đã nhất trí kêu gọi thiết lập khoảng dừng hoặc hành lang nhân đạo để tạo điều kiện cho những hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, hoạt động di chuyển dân sự và trả tự do cho các con tin. G7 cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các bên để chuẩn bị các giải pháp lâu dài, bền vững cho Gaza.
Các ngoại trưởng G7 thể hiện lập trường thống nhất và xuyên suốt của khối trong suốt năm 2023 về các vấn đề khác như xung đột Nga - Ukraine, các diễn biến ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ với Trung Quốc. G7 khẳng định lập trường thống nhất trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời cùng với các đối tác quốc tế thúc đẩy các nỗ lực khôi phục hòa bình tại Ukraine.
Về Trung Quốc, ngoại trưởng các nước G7 phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, thừa nhận cần phối hợp với Trung Quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu và sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc. G7 cũng nhấn mạnh sự ủng hộ không thay đổi dành cho một ASEAN trung tâm và đoàn kết, thúc đẩy hợp tác phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. G7 nhấn mạnh lại tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS 1982 trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý chi phối mọi hoạt động ở biển và đại dương.
Về vấn đề Nhật Bản xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã ngừng hoạt động, Tuyên bố chung thể hiện sự ủng hộ với quyết định này của Nhật Bản với sự “an toàn, minh bạch và có cơ sở khoa học”.
Việc các quốc gia thành viên thống nhất đưa ra Tuyên bố chung, Nhật Bản được xem là thành công nhất định trong quá trình điều phối và hoàn thành các mục tiêu của hội nghị, thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên, hướng tới giải pháp cho các vấn đề nóng đang diễn ra như xung đột Nga - Ukraine, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, công nghệ AI và hiện nay là vấn đề xung đột giữa Hamas và Irael. Tuyên bố chung được đưa ra cũng là sự khẳng định cho vai trò điều phối của Nhật Bản cũng như thể hiện vị thế của G7 trong giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu.
IV. DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CUỘC XUNG ĐỘT ISRAEL - HAMAS
Cuộc xung đột Israel - Hamas với nhiều diễn biến nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ về thảm hoạ nhân đạo chưa từng có, ảnh hưởng tới an ninh, sự ổn định của khu vực Trung Đông nói riêng và toàn cầu nói chung.
Sau cuộc tấn công khủng bố chưa từng có của Hamas vào Israel, không quân Israel đang ném bom các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Israel tuyên bố mục tiêu là tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Các vụ đánh bom ở Dải Gaza đã gây ra thương vong cho hàng nghìn dân thường và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Bộ Lao động Israel cho biết khoảng 765.000 người Israel, chiếm 18% lực lượng lao động - không làm việc sau khi được huy động làm lực lượng dự bị để sẵn sàng tham gia chiến đấu chống Hamas ở Dải Gaza. Chi phí ban đầu của cuộc chiến tranh Gaza đối với Israel lên tới hơn 50 tỷ USD, khoảng 10% GDP của Nhà nước Do Thái. Ủy ban Cứu hộ quốc tế ngày 9/11/2023 đã cảnh báo, 1,5 triệu dân thường Palestine phải di dời do các cuộc tấn công của Israel đang đối mặt với sự thiếu thốn nghiêm trọng về y tế và nước sạch.
Diễn biến cuộc xung dột Israel - Hamas hiện nay đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi cuộc chiến phải kết thúc với một giải pháp hai nhà nước. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng cho rằng, tiến trình hòa bình chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước. Ngày 11/11/2023, nhóm gồm 70 Đại sứ Liên hợp quốc tại Geneva đã ra tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động liên quan tới tình hình ở Dải Gaza. Các đại sứ Liên hợp quốc kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, hối thúc cộng đồng quốc tế “gây áp lực tối đa” để đảm bảo hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tiếp cận được khu vực này, đồng thời khôi phục các dịch vụ thiết yếu. Ngoài ra, các đại sứ cũng kêu gọi trả tự do cho mọi con tin, bảo vệ an toàn cho các cơ sở dân sự và dân thường, nhất là các trường học của UNRWA. Các nhà lãnh đạo của các nước Arab một lần nữa kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Dải Gaza, đồng thời bày tỏ quan ngại cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel có nguy cơ lan ra khắp khu vực…
Trước tình hình căng thẳng leo thang từ cuộc xung đột Israel - Hamas, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: "Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, nhân viên nhân đạo, nhà báo và các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trên tinh thần Nghị quyết được phiên họp khẩn cấp ngày 27/10 vừa qua mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường, các cơ sở hạ tầng dân sự, thiết lập hành lang nhân đạo và thả ngay lập tức các con tin đang bị giam giữ.
Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy các bên kiềm chế, đối thoại, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông".
Kể từ khi chiến sự bùng phát giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine ngày 7/10/2023 đến nay, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn “ngay lập tức và bền vững vì mục đích nhân đạo”. Hội đồng Bảo an - cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc, tới thời điểm này đã tiến hành bỏ phiếu về 04 bản dự thảo nghị quyết mang tính ràng buộc pháp lý, song chưa một văn kiện nào được thông qua. Thực tế này phản ánh sự chia rẽ sâu sắc về xung đột Israel - Hamas trong nội bộ Hội đồng Bảo an.
Cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay tập trung vào một số thách thức chính như giải thoát con tin do Hamas bắt giữ, viện trợ cho dân thường ở Gaza và ngăn chặn xung đột leo thang. Giao tranh tiếp diễn trong bối cảnh người đứng đầu Hezbollah cảnh báo, nếu Israel không chấm dứt chiến dịch quân sự tại Gaza, xung đột hiện nay có thể lan rộng thành một cuộc chiến khu vực. Về phần mình, Israel tuyên bố không muốn rơi vào một cuộc chiến khác tại biên giới phía Bắc, dù nhấn mạnh quân đội nước này sẽ sẵn sàng cho mọi tình huống.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) ước tính hiện có 20,3 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng và phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo tại Sudan, tương đương 42% tổng dân số. WFP đã lên kế hoạch hỗ trợ thực phẩm và dinh dưỡng khẩn cấp cho khoảng 6,5 triệu người nhưng vấp phải cản trở do khả năng tiếp cận nhân đạo bị hạn chế. Tình trạng này là do sự giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đối địch kéo dài nhiều tháng nay, khiến hơn 9000 người thiệt mạng. Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ước tính con số người tị nạn đang ngày càng gia tăng.
- Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã tiến hành thảo luận vấn đề cải tổ hoạt động. Nội dung phiên thảo luận tập trung vào việc đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp để Đại hội đồng có thể ứng phó hiệu quả, có ý nghĩa hơn đối với những thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng và phức tạp. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong các vấn đề hòa bình và an ninh cần được tăng cường theo Hiến chương Liên hợp quốc, củng cố quan hệ giữa Đại hội đồng và các cơ quan chủ đạo khác của Liên hợp quốc trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các cuộc thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc cần đạt các kết quả cụ thể và mang tính hành động, có tính trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của các nước thành viên. Đặc biệt, các cuộc thảo luận sắp tới chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và các tiến trình khác cũng cần tập trung đưa ra các giải pháp, cách thức hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới hiện nay đã làm dấy lên những quan ngại về vai trò của Liên hợp quốc cũng như tính hiệu quả của các giải pháp đa phương, hoà bình hiện nay, đồng thời đặt ra yêu cầu đối với việc cải tổ, tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Liên hợp quốc.
- Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kêu gọi tăng cường sức mạnh của liên minh quân sự trong bối cảnh Nga rút khỏi Hiệp ước kiểm soát các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), đánh dấu việc Nga đã rút khỏi mọi hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng. Những động thái trên khiến mối quan hệ giữa Nga - châu Âu ngày càng trở nên căng thẳng, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết.
Ban Tuyên giáo Trung ương