Văn bản mới (số tháng 3/2024)

Thứ năm - 29/02/2024 20:58
Văn bản mới (số tháng 3/2024) có các nội dung sau: Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; Nghị định 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2022; Nghị định 96/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định thời gian thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.
Tỉnh uỷ Kiên Giang thông báo kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: Mai Tưởng
Tỉnh uỷ Kiên Giang thông báo kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: Mai Tưởng
 
1. Ngày 5/2/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, công tác tuyên truyền miệng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, góp phần đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Tuy nhiên, một số cấp uỷ chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng. Một số nơi chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, thiếu sắc bén, tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cao, chậm đổi mới nội dung, phương thức; việc cung cấp thông tin có lúc, có nơi chưa đầy đủ. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiếp tục phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền miệng. Phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với lực lượng nòng cốt là ban tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đối với chủ trương, chính sách quan trọng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm định hướng, phổ biến, quán triệt, bảo đảm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Hai là, đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng, nhất là những nội dung về nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước, của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kết hợp hài hoà với cung cấp thông tin về tình hình trong nước và quốc tế, thực tiễn của địa phương, đơn vị, gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch; bảo đảm tính toàn diện, cân đối, thiết thực, sát hợp và hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
Ba là, đa dạng hoá phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Bốn là, thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên ở Trung ương, tỉnh, huyện; đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở. Cấp uỷ đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thuộc phạm vi phụ trách, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Năm là, tổ chức thực hiện:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị này.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với báo cáo viên các cấp.
- Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng quy chế, hướng dẫn thực hiện chế độ đối với đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, định hướng nội dung, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị và báo cáo Ban Bí thư.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
2. Nghị định 98/2023/NĐ-CP, ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Nghị định nêu rõ: Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Chỉ được tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị, hội nghị tổng kết.
Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng được công bố, trao tặng và đón nhận theo quy định tại Nghị định này gồm: Huân chương: “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Quân công”, “Huân chương Lao động”, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc”, “Huân chương Chiến công”, “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”, “Huân chương Dũng cảm”, “Huân chương Hữu nghị”;
Danh hiệu vinh dự nhà nước: “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”; “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; “Anh hùng Lao động”; “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”; “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”
“Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Huy chương: “Huy chương Quân kỳ quyết thắng”, “Huy chương Vì an ninh Tổ quốc”, “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”, “Huy chương Hữu nghị”; “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; “Cờ thi đua của Chính phủ”; “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
Việc trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của bộ, ban, ngành, tỉnh; danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Việc tổ chức lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải mang ý nghĩa tôn vinh tập thể và cá nhân, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng; gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước; bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc trong lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Chỉ được tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị, hội nghị tổng kết theo chương trình cụ thể và thực hiện đúng quy định tại Nghị định này (trừ trường hợp trao tặng hình thức khen thưởng đối với thành tích xuất sắc đột xuất, khen thưởng thành tích kháng chiến và danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Đại diện lãnh đạo tập thể, hộ gia đình được khen thưởng trực tiếp đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể, hộ gia đình. Cá nhân được khen thưởng trực tiếp đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Trường hợp truy tặng, đại diện gia đình của người được truy tặng nhận thay.
Trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng từ thứ bậc cao đến thứ bậc thấp. Trường hợp cùng một hình thức khen thưởng thì trao tặng cho tập thể, hộ gia đình trước, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau. Trường hợp danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do cùng một cấp quyết định khen thưởng thì trao tặng danh hiệu thi đua trước, hình thức khen thưởng sau; trao tặng cho tập thể trước, hộ gia đình, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau. Trong khi công bố, trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, người không có trách nhiệm không tặng hoa, quay phim, chụp ảnh trên lễ đài. Không tổ chức diễu hành hoặc đón rước danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được trao tặng.
3. Nghị định 96/2023/NĐ-CP, ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định thời gian thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh
Cụ thể, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ là 12 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 09 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng. Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh y sỹ là 09 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 6 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng. Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 6 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 5 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 1 tháng.
Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh dinh dưỡng lâm sàng là 6 tháng. Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh cấp cứu viên ngoại viện là 6 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về cấp cứu ngoại viện là 3 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng. Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh tâm lý lâm sàng là 9 tháng.
Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ phạm vi hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và quy định nêu trên, cơ sở hướng dẫn thực hành xây dựng nội dung thực hành cụ thể đối với từng chức danh chuyên môn mà cơ sở dự kiến tổ chức hướng dẫn thực hành. Bảo lưu kết quả thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh chuyên môn. Cơ sở hướng dẫn thực hành có trách nhiệm bảo đảm người thực hành được làm việc theo chế độ làm việc của cơ sở. Trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc trường hợp bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo lưu các kết quả thực hành trước đó. 
Ban Tuyên giáo Trung ương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây