Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 5 năm 2024)

Thứ ba - 30/04/2024 16:54
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 5 năm 2024) có những nội dung sau: Một số kết quả chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher thăm Việt Nam; Một số nét chính về tình hình kinh tế thế giới quý I/2024; Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; Một số sự kiện thế giới đáng chú ý.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc Volker Turk. Ảnh: TTXVN tại Thụy Sĩ
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc Volker Turk. Ảnh: TTXVN tại Thụy Sĩ
 
I. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7 - 12/4/2024.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh sau 15 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, hợp tác trên các lĩnh vực đạt nhiều tiến triển tích cực, toàn diện. Hai bên duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại và trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao; ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, nỗ lực vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, có ý nghĩa hết sức quan trọng, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao và những kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023) với 6 phương hướng hợp tác lớn, đặc biệt là thúc đẩy “lòng tin chính trị cao hơn”, củng cố “nền tảng xã hội vững chắc hơn”, góp phần nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; khẳng định chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; hội đàm với đồng chí Triệu Lạc Tế, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân Đại) toàn quốc Trung Quốc; hội kiến đồng chí Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc. Tại các cuộc hội kiến, hội đàm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam; khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách “một Trung Quốc”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường tiếp xúc cấp cao, triển khai tốt giao lưu, hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và trong các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, công an, quốc phòng. Nâng tầm kết nối chiến lược, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác hai nước, trọng tâm là thúc đẩy hợp tác thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam, đẩy mạnh kết nối giữa Việt Nam với những chiến lược phát triển lớn của Trung Quốc, kết nối đường sắt, đường bộ cao tốc, đường biển, đường hàng không, thúc đẩy hợp tác tài chính, tiền tệ, chuyển đổi số. Tăng cường giao lưu nhân dân, phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội, Nhân đại của hai nước trong việc thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, qua đó đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, góp phần cùng Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển theo tinh thần kiểm soát và giải quyết bất đồng tốt hơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc; thông qua các hình thức hợp tác và thúc đẩy giao lưu, hợp tác địa phương, đặc biệt là các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước. Bên cạnh đó, hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc và nhiều thỏa thuận giữa một số bộ, ngành. Điều này góp phần nâng tầm và làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ giữa hai Cơ quan lập pháp, đưa mối quan hệ này trở thành trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước.
Các tờ báo lớn của Trung Quốc như: Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc... đã đồng loạt đưa tin về các hoạt động của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Trung Quốc. Trong đó, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện hiệu quả nhận thức chung cấp cao quan trọng mà Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đạt được; thúc đẩy giao lưu hợp tác trên tất cả các kênh, các cấp và các lĩnh vực…; Trung Quốc sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam để tăng cường xây dựng nền dân chủ pháp quyền, kiên định đi theo con đường dân chủ xã hội chủ nghĩa do người dân hai nước lựa chọn.
II. TỔNG GIÁM MỤC, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO TÒA THÁNH VATICAN PAUL RICHARD GALLAGHER THĂM VIỆT NAM
Từ ngày 9 - 14/4/2024, đức Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican Paul Richard Gallagher thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam - Tòa thành Vantican thời gian qua có nhiều bước phát triển tích cực, thể hiện qua việc hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và triển khai hiệu quả cơ chế Tổ Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vantican. Tháng 7/2023, trong chuyến thăm Vatican, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis đã công bố việc hai bên thống nhất Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú ở Việt Nam. Ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Ngày 31/1/2024, Tổng Giám mục Marek Zalewski đến Việt Nam đảm nhiệm chức vụ này.
Tại các buổi làm việc, tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; mong muốn phát triển quan hệ với các nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó tôn giáo là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm và tạo thuận lợi cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo, hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam, tự hào có đóng góp của cộng đồng Công giáo Việt Nam; tin tưởng rằng cộng đồng Công giáo mong muốn và có khả năng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước Việt Nam.
Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Gallagher ấn tượng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Tòa thánh thông qua việc duy trì các tiếp xúc cấp cao, vai trò tích cực của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican; mong muốn hai bên sớm tổ chức kỳ họp thứ 11 tại Hà Nội; bày tỏ cảm ơn các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được Giáo hoàng Francis giao phó; tin tưởng với sự hiểu biết lẫn nhau, đối thoại chân thành, quan hệ Việt Nam - Tòa thánh sẽ đạt được những tiến triển mới.
III. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI QUÝ I/2024
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới chịu sự tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, xung đột địa chính trị tại Biển Đỏ, dải Gaza leo thang, tiếp tục làm gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu… nhưng vẫn tiếp tục xu hướng khởi sắc.
Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu tháng 2/2024 đạt 52,1 điểm, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2023. Đáng lưu ý, tăng trưởng được ghi nhận ở cả khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ. Sản lượng đang tăng ở Mỹ và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, trong khi vẫn tiếp tục xu thế suy giảm ở Nhật Bản và châu Âu.
Tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng cải thiện tốt hơn so với kỳ vọng và hướng tới mức năm 2023. Trong dự báo mới nhất (tháng 1/2024), Quỹ Tiền tệ quốc tế đã điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới về mức 3,1%, bằng với mức tương ứng năm 2023 và tăng 0,2 điểm % so với dự báo trước đó (tháng 11/2023). Mức điều chỉnh tăng này dựa vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ và các nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang được cải thiện theo thời gian cùng với đó là duy trì đà tăng trưởng tốt của nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tuy còn chậm hơn so với trước đại dịch, nhưng hiện đang phát triển nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới[5]. Phục hồi thương mại là nguyên nhân chính giúp các nước đang phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 - nhanh hơn mức 4,4% đạt được vào năm 2023.
Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao song đã hạ nhiệt, dự báo sẽ ổn định vào cuối năm 2024. Theo dự báo mới nhất của IMF (tháng 1/2024), lạm phát thế giới năm 2023 ước là 6,8%, dự báo năm 2024 hạ xuống còn khoảng 5,8%. Tiến trình giảm lạm phát đang tiếp diễn ở các nền kinh tế phương Tây trong năm nay có lợi cho các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng trên thế giới hoạch định kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt đã áp dụng trong hai năm qua nhằm kiềm chế đà tăng cao của lạm phát. Thụy Sĩ đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm. 
Dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chậm lại nhưng vẫn chuyển dịch mạnh vào khu vực châu Á. Tăng trưởng đầu tư ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển năm 2024 dự báo sẽ chậm lại trên phạm vi toàn cầu do bất ổn kinh tế, gánh nặng nợ cao và lãi suất tăng. Tuy nhiên, xét về khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư, dòng vốn FDI tiếp tục có xu hướng dịch chuyển mạnh về các nước châu Á.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy những dấu hiệu tích cực. (1) Kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 3,4% trong quý IV/2023, được điều chỉnh tăng so với mức 3,2% được báo cáo trước đó, phản ánh tăng trưởng trong mức chi tiêu của người tiêu dùng, gia tăng chi tiêu của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Trong dự báo mới nhất, Fed dự báo Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2024 (tăng mạnh so với mức 1,4% đưa ra tháng 12/2023), đồng thời cũng cao hơn so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn. (2) Kinh tế ở châu Âu tiếp tục giảm nhẹ, nhưng đang tiến tới ổn định. Chỉ số PMI của khu vực eurozone ở mức 49,9 trong tháng 3/2024, so với mức 49,2 của tháng 2/2024. Hoạt động kinh tế ổn định chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ. (3) Kinh tế Trung Quốc đón nhận nhiều thông tin thuận lợi, phản ánh những dấu hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 3/2024, Chính phủ Trung Quốc công bố đặt mục tiêu tăng trưởng GDP “khoảng 5%” cho năm 2024, tương tự như mục tiêu của năm 2023; tạo thêm 12 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị trong năm 2024 và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức khoảng 5,5%, đồng thời tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, với tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên GDP trong năm 2024 dự kiến khoảng 3%.
Các nước ưu tiên tìm kiếm động lực kinh tế mới để tranh thủ thành quả của Cách mạng 4.0 và các xu thế công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này khiến các nước tăng cường hợp tác quốc tế trong quản trị AI, tối ưu hoá lợi ích và giảm thiểu rủi ro.
IV. KHÓA HỌP THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 55 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC 
Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã bế mạc vào ngày 5/4/2024, với 32 nghị quyết và 2 quyết định được thông qua. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự Khóa họp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa này đã tổ chức thành công phiên họp cấp cao; 7 phiên thảo luận chuyên đề - về phổ cập quyền con người, chống hận thù tôn giáo dẫn đến kích động phân biệt, thù địch, bạo lực, các thách thức và thực tiễn để bảo đảm quyền an sinh xã hội và cung cấp dịch vụ công chất lượng, quyền người khuyết tật; 2 phiên thảo luận về quyền trẻ em; kỷ niệm Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc; các phiên thảo luận, đối thoại và các cơ chế nhân quyền của LHQ; những phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại các nước trên thế giới.
Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định lại các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Đồng thời, tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền môi trường trong lành, bền vững; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền của người khuyết tật; quyền trẻ em… Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn đại biểu của các nước, đồng bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Nhân quyền trong công tác tham vấn, bỏ phiếu thông qua 32 dự thảo nghị quyết và 2 quyết định của Hội đồng Nhân quyền... Trong các phát biểu, đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu trong công cuộc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của người dân; nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý 
- Bộ Nội vụ Anh khởi động chiến dịch truyền thông về di cư bất hợp pháp tại Việt Nam. Chương trình truyền thông tại Việt Nam là bước đi mới nhất của Anh trong chiến dịch hợp tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Thông qua chương trình này, Anh muốn cảnh báo những nguy cơ khi nhập cảnh trái phép vào Anh, đồng thời vạch trần thủ đoạn của các đường dây buôn người. Các chiến dịch tương tự đang được Chính phủ Anh xem xét thực hiện tại các quốc gia ưu tiên khác. Chương trình sẽ thông qua mạng xã hội Facebook và YouTube để tuyên truyền về những nguy hiểm mà người di cư phải đối mặt trong hành trình di cư bất hợp pháp đến Anh. Theo Bộ Nội vụ Anh, hằng năm, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đưa hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sang Anh bằng cách vượt Eo biển Manche bằng thuyền nhỏ. Số người tử vong trên hành trình vượt biển này trong năm 2023 tăng gấp 3 lần so với năm trước đó.
- Vụ tấn công Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva (Moscow), Liên bang Nga vào tối ngày 22/3/2024 đã khiến ít nhất 137 người thiệt mạng, là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ làn sóng tấn công khủng bố mới ở châu Âu. Trong bối cảnh Đức sẽ đăng cai Giải vô địch bóng đá châu Âu và sự kiện Thế vận hội Olympic ở Paris (Pháp), các quan chức an ninh Đức cho biết, có những dấu hiệu cho thấy các tay súng Hồi giáo cực đoan đang tìm cách xâm nhập vào Đức qua Ukraine dưới vỏ bọc người tị nạn. Pháp cũng đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp độ cao nhất sau vụ tấn công khủng bố ở Nga, đồng thời, công bố kế hoạch phong tỏa các khu vực rộng lớn ở trung tâm thủ đô Paris một tuần trước khi khai mạc Olympic.
- Căng thẳng trong quan hệ Israel - Iran: Sau 6 tháng bùng phát, xung đột Hamas - Israel đang chuyển sang giai đoạn mới. Trong cuộc xung đột Hamas - Israel tại Dải Gaza, Iran tuyên bố ủng hộ Hamas chống lại Israel, kêu gọi các nước Hồi giáo cấm vận Israel. Điều này làm dấy lên những căng thẳng giữa Israel và Iran. Đỉnh điểm là ngày 1/4/2024, Iran cáo buộc Israel không kích nhằm vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Damascus (thủ đô Syria), khiến 7 sĩ quan Iran thiệt mạng. Tiếp đó, tối ngày 13/4/2024, Iran đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn về phía Israel nhằm trả đũa hành động trên. Theo quân đội Israel, Iran đã phóng tổng cộng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) hướng đến lãnh thổ Israel. Cuộc tấn công của Iran đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa một bên là Iran và các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực, với một bên là Israel và các đồng minh, bao gồm Mỹ. Cuộc tấn công cũng đánh dấu lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào Israel.
Nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng giữa Iran - Israel nói riêng và xung đột tại Trung Đông nói chung, kêu gọi các bên kiềm chế, không để tình hình leo thang vượt tầm kiểm soát. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng trên khắp Trung Đông “với mức tàn phá lớn”; nhấn mạnh Trung Đông và thế giới “sẽ không thể chịu thêm bất kỳ cuộc chiến nào nữa”.
Ngày 14/4/2024, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước vụ bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:
Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những diễn biến leo thang căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông, nhất là các hành động vũ lực vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và gây tổn thất cho người dân.
Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, Hiến chương và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, chấm dứt ngay các hành động vũ lực làm leo thang căng thẳng, vì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây